Cách đây 3 năm, một đứa bạn tôi nhân ngày 14/4 - black valentine - rủ tôi đi ăn mỳ đen với một đám bạn. Lúc ấy tôi mới biết, chúng nó - 4 đứa con gái đã mấy năm liền, những cô gái độc thân lúc ấy, luôn luôn đi ăn mỳ đen để kỉ niệm cái sự độc thân.
Valentine đen có nguồn gốc từ Hàn Quốc, được coi là ngày lễ để tụ họp những người cô đơn với nhau, ăn vận đồ đen, và ăn uống đồ đen tại một ngôi nhà nào đó. Có lẽ bởi nước sốt làm từ đậu đen nên Jajangmyeon được lựa chọn là món ăn thích hợp nhất cho ngày lễ "u ám" này. Có thông tin chia sẻ rằng trong ngày này tại các trường đại học trên khắp đất nước Hàn Quốc, những sinh viên không có người yêu hẹn hò ăn trưa, sẽ kêu món mì đen và cùng chia sẻ bữa trưa với những người bạn cô đơn khác, tìm kiếm sự đồng cảm.​ Tuy nhiên không phải chỉ ngày này người Hàn mới ăn mỳ đen. Đây là một món rất phổ biến và đặc trưng cho văn hóa ẩm thực nước này. Hồi tôi ở bên Hàn, trong thời gian 2 tuần tôi được ăn tận những 5 lần món mì này do nó rất dễ nấu và phổ biến. 
Những đứa bạn tôi - đến mùa valentine đen năm nay vẫn tụ tập như một thói quen, mặc dù có đứa chẳng còn độc thân. Chẳng phải bắt chước theo các bạn Hàn, chúng tôi chỉ lấy nó làm cái cớ để tụ tập và ăn món ấy cho có lí do. Thậm chí, sau khi đã thưởng thức món mì đen tại một nhà hàng Hàn, ngay ngày hôm sau, vẫn cái nhóm ấy, lại kéo về nhà tôi để nấu món độc thân tại gia.
___________________________________________________________________________________

 M Ỳ   T Ư Ơ N G   Đ E N   J A J A N G M Y E O N   

| Nguyên liệu - Serve 4 |

  • 4 vắt mì Hàn Quốc (vị gì cũng được)
  • 1 cup củ cải thái hạt lựu
  • 1 cup bí ngòi thái hạt lựu
  • 1 cup hành tây thái nhỏ
  • 1 1/2 cup khoai tây thái hạt lựu
  • 1/2 cup ngô ngọt hạt
  • 200 gram thịt heo xắt hạt lựu
  • 1 gói bột tương đen (có thể mua loại tương lỏng)
  • 700ml nước lã
  • 2 tbsp dầu ăn
  • 1 tbsp rượu gạo
  • 1/2 quả dưa chuột
__________________________________________________________________________________

| Cách làm |
  • Tất cả các loại rau củ rửa sạch và thái hạt lựu như phần nguyên liệu
  • Thịt heo cũng thái hạt lựu cỡ tương tự, cho vào một bát rồi ướp với rượu gạo và một ít muối, tiêu trong khoảng 10 phút
  • Luộc mì: dùng loại mì khô ăn liền Hàn Quốc có thể mua ở bất kì siêu thị nào, cho vào nồi nước sôi và luộc khoảng 3-5 phút đến khi chín. Vớt mì ra và tráng qua nước lạnh. Có thể trộn với một ít dầu thực vật để mì đỡ dính và nát.
  • Bắc chảo lên bếp, chờ chảo nóng thì cho dầu ăn vào rồi đổ thịt heo đã ướp vào xào cho cháy cạnh và săn lại.
  • Tiếp đến cho khoai tây, hành tây vào đảo cùng. Sau cùng cho củ cải, bí ngòi và ngô ngọt vào đảo cho chín.
  • Bột tương đen pha theo hướng dẫn trên bao bì với 700ml nước lã. Sau khi các nguyên liệu đã chín thì đổ hỗn hợp tương đen đã pha vào chảo thịt và rau củ.
  • Chú ý loại bột tương đen này đã có pha sẵn bột năng nên ko cần cho thêm bột năng như các công thức khác dùng tương ướt. Tuy nhiên chính vì vậy cần phải dùng lửa nhỏ liu riu và luôn tay đảo vì bột có thể làm cháy và khê chảo.
  • Nêm nếm cho vừa miệng rồi tắt bếp khi thấy hỗn hợp đặc sánh.
  • Gắp mì ra đĩa, rưới sốt tương đen lên trên.
  • Dưa chuột thái chỉ càng mỏng càng tốt, hoặc bào bằng dụng cụ bào cù. Rắc lên trên đĩa mì cho đẹp. 
___________________________________________________________________________________

| Tips |

  • Tương đen HQ có thể mua ở các siêu thị Hàn như K-mart. Có thể mua loại tương ướt bình thường hoặc mua gói bột.

      Cơm gà của tôi
      Dạo này thỉnh thoảng tôi có làm cơm gà, theo công thức của mình, nhưng mô phỏng thứ đặc sản "cơm gà" mà đi đâu ở miền Trung cũng bắt gặp. Lần đầu tôi thưởng thức món cơm gà không phải là cơm gà Bà Buội ở Hội An mà là cơm gà Khánh Kỳ ở Ninh Thuận. Lần đến thăm Phan Rang - Tháp Chàm, chúng tôi gặp được một anh chàng người Bắc giúp đỡ chúng tôi nhiều trong việc đặt khách sạn và ăn gì ở đây. Một trong những địa điểm anh bảo chúng tôi không nên bỏ qua là cơm gà Khánh Kỳ nổi tiếng. Tôi và bạn thưởng thức món ăn này vào một buổi trưa tháng tám nóng nực tại Phan Rang, đấy là lần đầu tôi nhận biết về khái niệm cơm gà. Gà dai và giòn, ăn với cơm được nấu bằng nước luộc gà. Thêm một ít dưa chuột cho thanh mát và một bát nước dùng ăn kèm. Mọi món cơm gà đều có kết cầu tương tự. 
      Lần khác khi quán cơm gà Bà Buội mở tại Hà Nội, tôi và bạn đi ăn đúng ngày khai trương. Ấy là lần đầu tôi thử ăn cơm gà mang phong cách Hội An. Cơm vàng hơn vì nhiều nghệ, thịt gà xé chứ không chặt miếng như gà Khánh Kỳ, ăn kèm theo phải có nhiều hành tây và rau răm. Cách đây không lâu tôi mới có dịp vào Hội An, đến tận nơi quán cơm Bà Buội trên đường Phan Chu Chinh để trải nghiệm. Chẳng biết có đúng không, cơm Bà Buội mở tại Hà Nội lại hợp khẩu vị của tôi hơn. 
      Cách đây một tháng, tôi may mắn được thử cơm gà ở một nơi khác, đĩa cơm với giá 15k một phần, nhưng lại là thứ cơm gà tôi thấy ngon nhất. Ở Tuy Hòa, cứ sáng sớm ra là mọi người nô nức đi ăn cơm gà. Hay một cái là người dân không ăn buổi trưa cũng không ăn buổi tối, cơm gà là phải để ăn sáng. Nhân dịp tôi vào thăm Tuy Hòa lần thứ 3, chị dẫn tôi đi ăn cơm gà tại một quán bình dân nằm ở ngay bên hông chợ Tuy Hòa. Chị nói gà ở đây đặc biệt giòn và ngon, mấy cái thúng cơm này sáng mà không ra nhanh thì kiểu gì cũng không có mà ăn. Ngoài những thành phần căn bản phải có ở một suất cơm gà là gà, cơm nghệ và rau răm, ở đây còn điểm tô thêm vài ba củ hành tím ngâm ngon bá cháy và thứ nước mắm chua cay ngọt thần thánh. Rưới nước mắm lên đĩa cơm thịt, chua chua, ngọt ngọt, cay cay đúng vị Phú Yên, ăn cơm rất vào. 
      Nếu như cho tôi so sánh những lần cơm gà đã từng được thưởng thức, tôi thích nhất cơm gà Phú Yên, sau là cơm ở Ninh Thuận và cuối cùng mới là cơm gà nổi tiếng Hội An. Không biết khẩu vị tôi có khác biệt không, cơm gà Bà Buội tôi ăn ở Hội An khiến tôi thất vọng nhất. Tuy nhiên khẩu vị mỗi người mỗi khác, tôi không đánh giá ngon hay không ngon.
      Về sau này tôi hay làm cơm gà ở nhà phỏng theo những gì đã được ăn. Cơm gà của tôi có lẽ khác biệt nhất là dùng gạo dẻo hơn so với những dĩa cơm ở trỏng. 

      Suất cơm gà 15k ở hông chợ Tuy Hòa buổi sáng


      C Ơ M  G À 


      | Nguyên liệu | 4 - 5 Pax
      • Một con gà ta khoảng 1kg
      • 1 củ gừng nhỏ
      • 5 củ hành tím
      • 2 lon gạo
      • 1 thìa canh bột nghệ
      • 300g dưa chuột
      • Một ít rau răm và hành lá
      • 1 quả chanh
      • Muối và tiêu
      Ăn kèm:
      • 300g dưa chuột
      • 50g giá đỗ
      • Mắm, đường, chanh để trộn hoặc dầu dấm trộn salad bán sẵn
      _____________________________________________________________________________________

      | Cách làm |
      • Gà rửa sạch, cho vào nồi đổ ngập nước. Đập dập củ gừng, hai củ hành tím và một nhúm muối cho vào nồi nước cho thơm. Luộc gà trong khoảng 20 - 30 phút cho chín. Nếu gà không ngập nước, thì phải lật gà cho chín đều. Để thử gà chín, lấy đũa chọc vào mình gà, nếu không thấy nước màu đỏ chảy ra là gà đã chín. Để nguyên gà trong nồi nước đậy vung khoảng 20 phút mới vớt ra. 
      • Vo sạch gạo, trộn gạo với bột nghệ cho đều rồi nấu cơm như bình thường với nước vừa luộc gà. Có thể cho thêm một thìa cà phê muối cho cơm ngon.
      • Trong thời gian chờ cơm chín, xé thịt gà thành miếng nhỏ. Trộn thịt gà với muối, tiêu và nước cốt chanh. Tùy sở thích, có thể trộn luôn thịt gà với muối tiêu và chanh hoặc pha muối tiêu chanh ở ngoài để chấm gà như bình thường. 
      • Hành tím bóc vỏ, thái mỏng, phi thơm.
      • Dưa chuột rửa sạch, thái miếng dọc rồi trộn cùng dầu dấm và giá đỗ để ăn kèm.
      • Số nước luộc gà còn lại cho thêm gia vị cho vừa miêng, thêm hành hoặc rau củ tùy thích.
      • Cơm chín xới ra đĩa, bày thịt gà xé lên trên rồi rắc một ít hành khô, rau răm đi kèm.
      __________________________________________________________________________________

      | Tips |
      • Món cơm gà ngon là ở gà dai, giòn và ngọt nên phải chọn gà ta thịt chắc, thơm ngon. Gà công nghiệp sẽ không ra được món cơm gà đúng điệu.
      • Nước dùng gà có thể nấu thêm với một số loại rau củ như bí xanh, ngô ngọt, lơ xanh, lơ trắng hay carot để tăng chất xơ và vitamin cho suất ăn. Vì thường suất cơm gà chỉ ăn kèm với một ít dưa chuột nên không được cân bằng về chất cho lắm.
      ___________________________________________________________________________________

      Tôi ít khi đi đâu đến lần thứ hai, nếu không phải vì công việc bắt buộc. Với quỹ thời gian và tiền bạc eo hẹp, tôi tiết kiệm cho những điểm đến mới thay vì đến một nơi những hai lần. Nhưng bởi chữ "duyên", tôi đã đến Gành Đá Đĩa một lần và quay trở lại một lần khác cách nhau hơn một năm. Đá vẫn là đá, biển vẫn là biển, biển và đá như giang sơn khó dời, vẫn ở yên như thế, chỉ có thời tiết là mang đến sự khác biệt. Lần đầu tôi đến, ngỡ ngàng với Gành đá sau cơn mưa, sóng chẳng yên, biển không lặng, bọt biển trắng vồ vập vỗ vào đá khiến tôi cảm thấy một chút dữ dằn, mạnh mẽ và hoang dại về nơi này. Lần hai, biển xanh ngắt và trời cũng xanh ngắt. Nắng sáng lấp lánh soi rọi triền đá và mặt nước buổi sớm. Thanh tú, dịu dàng và đẹp lấp lánh ...còn từ gì để miêu tả không nhỉ? 
      ___________________________________________________________________________________


      Biển miền trung, đặc biệt là khu vực Nam Trung Bộ theo quan điểm cá nhân tôi là khu vực có cảnh biển đẹp nhất Việt Nam. Những bãi cát trắng trải dài, nước biển xanh ngắt chẳng phân biển được đâu là trời đâu là biển có thể dễ dàng tìm thấy từ Quảng Bình, Quảng Trị cho đến Nha Trang, Bình Thuận. Nhưng chỉ có một Phú Yên và một Gành Đá Đĩa mà thôi.  Chẳng ở đâu có thể tìm thấy bờ biển với những cột đá xếp liền kề nhau như tổ ong này, ngoại trừ lạc sang tận núi đá Giant's Causeway ở Ireland, đảo đá Organos ở Tây Ban Nha hay đảo Jeju Hàn Quốc. Trên thế giới có thể tìm thấy một vài nơi kể trên có thẳng cảnh như Gành đá dĩa, bởi những nơi này được cấu tạo nên do hoạt động của núi lửa cách đây hàng triệu năm. Nham thạch phun ra từ miệng núi lửa trôi ra biển, sau đó gặp nước biển lạnh nên bất ngờ bị đông cứng lại, đồng thời xảy ra hiện tượng ứng lực. Chính sự ứng lực này đã gây nên sự rạn nứt toàn bộ khối nham thạch theo mạch dọc, xiên, ngang thành những cột đá đứng liền khít nhau nữa chìm dưới nước nữa nổi trên bờ và tạo nên gành Đá Đĩa. 
      ___________________________________________________________________________________

      T H Á N G 1 - S A U   C Ơ N   M Ư A   T R Á I   M Ù A

      Lần đầu đến đây, tôi mới thoát khỏi một cơn mưa rào như trút nước trái mùa. Ảnh chụp tháng 1/2014.
      Tháng 1, Tuy Hòa vẫn nắng như đổ lửa. Chúng tôi đi làm tình nguyện xây trường học cho học sinh mẫu giáo ở đây cùng hơn hai mươi tình nguyện viên Hàn Quốc. Kết thúc công việc, chúng tôi giảnh một ngày đi Gành đá đĩa, giới thiệu với đội tình nguyện viên một trong những thắng cảnh đặc biệt của Việt Nam. Suốt cả quãng đường 40 cây số, trời mưa như trút nước, ngập cả con đập dẫn ra Gành. Cơn mưa trái mùa chẳng biết ở đâu ra, vậy mà khi chúng tôi vừa đến nơi, trời hửng nắng, dấu vết còn lại của mưa chỉ là những con sóng trắng bạc đầu đang tới tấp đạp vào bờ. Vì lần ấy đi cùng các công dân Hàn mà tôi mới biết không phải chỉ Việt Nam chúng tôi có kiểu địa hình này, mà ở đảo Jeju của họ cũng có. 

      Thế này gọi là "sóng đánh tụt quần"

      Hai công dân Việt Nam đang hả hê vì cảnh đẹp
      Có tì màu sắc huyền bí
      San hô và vỏ ốc của những người bán hàng tí hon
      Sau cơn mưa trời lại nắng, san hô và vỏ ốc lại lấp lánh ánh nắng vàng buổi chiều. Một bên trời nắng rất to, một bên mây vẫn đang cố gắng che mặt trời. Chúng tôi dời Gành Đá Đĩa đi bộ sang bãi biển ngay gần đó. Đáng tiếc cho một bãi biển đẹp nhưng người dân không giữ gìn, rất nhiều rác và phân bò. Những đứa trẻ bán san hô và vỏ ốc rất ngoan, nhưng ở bãi biển, chúng tôi gặp những đứa bé hơi quá dạn dĩ. Khi gặp một vài đứa trẻ chơi trên biển, chúng tôi vô tư chia phần bánh quy cho các bé ăn cùng. Rồi không biết ở đâu ra rất rất nhiều đứa bé khác đến và đòi ăn bánh, rồi chúng tranh nhau. Đến khi chúng tôi không cho nữa thì các bé sinh ra lấy trộm và cướp bánh trong thùng của chúng tôi mặc cho chúng tôi nói "không". Là những đứa trẻ hư và không nghe lời? Hay chúng tò mò và đói quá chăng? Hay chỉ là một trò nghịch ngợm?

      Những đứa trẻ và "quầy hàng san hô"
      ___________________________________________________________________________________

      T H Á N G   T Á M  -  L À  M Ộ T   M À U   X A N H

      Nhân dịp sinh nhật bạn, tôi cùng bạn trở lại Gành Đá Đĩa vì bạn chưa đi bao giờ. Vì bạn là thần mặt trời, chưa bao giờ đi với bạn mà gặp mưa, nên cả chuyến đi chỉ có nắng. Sáng sớm chỉ có tôi và bạn ở đó, mặt trời chiếu những ánh nắng xuống mặt nước, lên những mỏm đá, lên những chiếc thuyền, lên vai tôi và vai bạn - một màu nắng trong trẻo và lấp lánh - người ta gọi đấy là "nắng thủy tinh".

      Nước trong vắt đến ngỡ ngàng
      Trời cũng rất xanh

      Áo cũng một màu xanh



      Bất giác một vài câu hát của nhạc sĩ Hồng Đăng thoáng qua trong đầu, thay lời miêu tả về buổi sáng tháng tám ở Gành Đá Đĩa:
      "Chân trời rất xanh gọi nắng xôn xao! 
      Con thuyền rất vui và gió hát ngọt ngào. 
      Môi cười rất xinh lung linh màu áo, 
      mây trắng gợn lên những cánh chim hải âu"
      Chỉ thiếu tí mây trắng và hải âu nữa để vẽ vào bức họa về biển trong câu hát.




      Giơ máy lên và "bắn"
      Bắn được mấy cây xương rồng
      Có nhìn thấy "người" lẫn vào đá ko?
      Có một kỉ niệm nho nhỏ về lần quay trở lại này với những đứa trẻ bán san hô. Buổi sáng nắng nhưng không lặng gió, gió rất to là đằng khác. Sau một vài lần cái mũ của tôi bay mất khỏi tóc, cuối cùng nó cũng đã bị gió cuốn xuống biển. Nước biển trong vắt, rất trong và rất sạch, bỗng đâu xuất hiện cái mũ "rơm" của tôi chẳng hợp tẹo nào. Tuy thấy đáy biển nhưng nước rất sâu, tôi bỏ qua việc lội xuống nước nhặt mà lò dò đi kiếm que khều. Sóng đánh mũ trôi càng ra xa, tôi xót xa nhìn cái mũ ướt nhẹp trôi lềnh bềnh trên biển. Không đành lòng mất cái mũ, cũng không đành lòng bất đắc dĩ phải xả "rác" xuống mặt biển đang yên ả, tôi đi tìm kiếm viện trợ. Chỉ một câu nói, cả lũ trẻ đang trông quầy hàng san hô lăng xăng hồ hởi xung phong vớt mũ cho tôi. Một cô bé chạy rất nhanh xuống dưới gành và trở lại quần áo ướt sũng với cái mũ trên tay sau 2 phút. Tôi biết mà, lũ trẻ sông nước kiểu gì chả biết bơi. Chúng tôi lên xe trở về Tuy Hòa với một túi toàn vỏ ốc và san hô mua của "người vớt mũ và đồng bọn". Đến lúc này nắng không còn "lung linh và lấp lánh" nữa mà đã trở thành nắng cháy da cháy thịt mà hai đứa tôi phải bịt từ đầu đến chân để tránh cái bỏng rát của nắng gió miền trung.
      _____________________________________________________________________________________

      Đ Ế N   G À N H   Đ Á   Đ Ĩ A

      Địa điểm: Gành Đá Đĩa thuộc xã An Ninh Đông, huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, cách thành phố tuy hòa khoảng 30km về phía Bắc.
      Phương tiện: Thuê xe máy từ thành phố Tuy Hòa, 120-150k một ngày.
      Lượt đi:
      Từ thành phố Tuy Hòa, đi trên quốc lộ 1A ngược ra hướng TP. Quy Nhơn, gần đến cầu Ngân Sơn thuộc huyện Tuy An, gặp ngã 3 Chí thạnh bạn đi tiếp khoảng 1,2 km, sẽ có đường rẽ phía bên phải qua cầu Lò Gõ thêm khoảng 7 km là tới nơi, bên phải có tấm biển nhà thờ Mằng Lăng thì rẽ vào đấy, đi hết con đường trải nhựa dài 12 km là đến Gành Đá Dĩa.Trên đường có thể vào thăm nhà thờ Mằng Lăng.
      Lượt về: Đi khỏi Gành Đá Dĩa 1 đoạn, thay vì trở ra QL1A thì hỏi đường đi theo đường ven biển về Tuy Hòa. Hỏi đường đi An Hải, người dân sẽ hướng dẫn cách đi. Đường rất đẹp lại không nhiều xe cộ qua lại như QL1A (cả tháng 1/2013 và tháng 8/2014 đều vẫn đang làm đường và nhiều xe to), ngoài ra đi vào khu vực dân địa phương sẽ thấy rất nhiều nhà có trồng hoa giấy rất đẹp).
      Dịch vụ: Ở Gành Đá Đĩa có một vài quán nước nhận luôn trông xe. Nếu muốn ăn uống thì chuẩn bị trước, còn nước thì không thiếu. Không mất phí tham quan khu vực này.
      Thời gian: Nên xuất phát từ Tuy Hòa sáng sớm, đến gành tầm 8h sáng tham quan chụp ảnh đến 9h-10h là đi về để tránh cái nắng gay gắt miền trung.
      ___________________________________________________________________________________

      Bên bờ biển Ninh Chữ - Ninh Thuận

      Tôi đến Phan Rang - Tháp Chàm vào một buổi chiều tối tháng 8/2014 sau chuyến xe kéo dài 5-6 tiếng từ thành phố Tuy Hòa, Phú Yên. Chuyến đi Phan Rang - Tháp Chàm này nằm trong "tour" đi ba tỉnh Phú Yên - Ninh Thuận - Bình Thuận của tôi và đứa bạn "chuyên đi lang thang cùng", nhân dịp sinh nhật nó. Ban đầu bạn tôi chỉ muốn đi Gành Đá Dĩa ở Phú Yên, còn tôi thì có một cái ấp ủ "những nơi nhất định phải đến trong đời" là thăm vườn nho Ninh Thuận. Từ bé tôi đã có sở thích khó cưỡng với những gì liên quan đến vườn cây ăn được, làng nghề làm ra sản phẩm, vì thế có những địa điểm mà tôi ao ước được ghé thăm rất giản đơn thôi. Khi xưa xem trên vô tuyến, những chương trình thực tế về các nhà máy rượu, những vườn nho bạt ngàn của Pháp hoặc Ý làm tôi mê mẩn từ quả nho cho đến công nghệ ủ rượu. Tôi nghĩ rằng chỉ ở nước ngoài mới có nho thôi. Cách đây một vài năm, tôi mới bất chợt đặt câu hỏi với "bạn đồng hành" của mình liệu ở Việt Nam có ở đâu trồng nhiều nho không nhỉ. Khi ấy tôi mới biết Ninh Thuận là đất của nho. Và đây là lý do chính mà chúng tôi thiết kế lịch trình từ Phú Yên, bỏ qua Nha Trang để thẳng đến Ninh Thuận.
      Chúng tôi bắt xe đến Phan Rang - Tháp Chàm tại một quán nước nhỏ nằm đơn độc trên đường quốc lộ 1A, nơi giao với đường đi vào trung tâm Tuy Hòa. Ở đó có rất nhiều xe khách đường dài, thường là xe giường nằm chạy tuyến Bắc - Nam, mà theo như người dân địa phương nói thì gần nhất là tuyến chạy từ Đà Nẵng vào. Cũng tại quán nước ấy, chúng tôi có duyên gặp một anh tốt bụng người Bắc, làm việc trong này, cũng đang đợi xe đi Ninh Thuận. Nhờ có người lạ tốt bụng này, chúng tôi có nhiều hơn các thông tin ăn chơi ở Phan Rang - Tháp Chàm với một phòng khách sạn khá ổn.
      __________________________________________________________________________________

      Ngay buổi sáng hôm sau chúng tôi thuê xe máy đi thăm đồi cát Nam Cương, vườn nho và tháp chàm. Chúng tôi đi từ rất sớm, 6h sáng đã lấy xe đi khỏi khách sạn để tránh cái nắng, cái gió khắc nghiệt ở đây. Phan Rang - Tháp Chàm có thể nói là vùng đất khô hạn nhất Việt Nam, cùng với nắng giữa hè,  hai đứa lúc nào cũng bịt kín từ đầu đến ngón chân với một tá kem chống nắng. Chúng tôi không muốn đặt chân lên đồi cát nóng bỏng nên quyết định lựa chọn đồi cát Nam Cương là điểm dừng chân đầu tiên, trước khi mặt trời nung cát thành cái chảo rang.

      Đ Ồ I   C Á T   N A M   C Ư Ơ N G


      Từ trung tâm thành phố, chúng tôi lái xe tìm đến ngã tư đường Thống Nhất và đường 16/4 đi theo hướng nam đường Thống Nhất, qua cầu Đạo Long rồi rẽ trái tại ngã ba cách đó 1km, theo đường mòn  để tìm đến đồi cát Nam Cương. Ngay dưới chân đồi cát có một quán cà phê với cái biển bằng đá mang tên Đồi cát Nam Cương luôn. Đường vào đây không khó tìm lắm, tuy nhiên hai đứa chúng tôi vì đi theo lời chỉ dẫn của một "người địa phương" mà đã bị đi lạc mất chừng 5km. Đồi cát Nam Cương thuộc dạng sa mạc cát với cát trắng và khô. Thời điểm đẹp nhất để chụp ảnh là lúc mặt trời mọc và mặt trời lặn. Mặc dù chúng tôi đi khá sớm, nhưng cũng sớm đủ để thấy mặt trời mọc, chưa kể thời gian bị đi lạc. Đôi sandal của tôi đa không ít lần bị lún sâu xuống cát khi leo lên trên đồi. Nếu so với những sa mạc cát tôi thực sự muốn ngắm nhìn thì đồi cát Nam Cương chỉ nằm ở mức "khu vực có nhiều cát nên đến xem", nhưng ít ra nó đẹp hơn đồi cát vàng ở Mũi Né vì hoang sơ và lớn hơn nhiều.
      _____________________________________________________________________________________


      V Ư Ờ N    N H O  B A  M Ọ I

      Sau khi rời đồi cát Nam Cương chúng tôi quay trở lại con đường cũ và tạt vào một quán ven đường ăn cháo lòng. Có vẻ như không phải món đặc sản ở đây nhưng mà ăn cũng ngon. Như đã nói, đây là vùng đất khô cằn vào bậc nhất Việt Nam, chính vì thế nó có khí hậu lí tưởng cho việc trồng nho. Rất nhiều nhà ở đây có trang trại nho, nho xanh nho đỏ đủ cả, nhưng nổi tiếng cho khách tham quan và du lịch thì là vườn nho Ba Mọi.


      Để đến được đây thì khá đơn giản, vì lẽ Trang trại nho Ba Mọi đã được check-in trên google map. Vì vậy cứ theo GPS mà đi. Hoặc không thủ công hơn, đi theo Quốc lộ 27 hướng Tháp Chàm, đến ngã tư Tháp Chàm (đường vào Ga) thì rẽ trái hướng về phía Nam đến Cầu Mống, qua khỏ cầu rẽ trái khoảng 400m sẽ đến trường tiểu học Hiệp Hòa, hỏi thăm trang trại nho Ba Mọi. Ngay ở phía ngoài đường có tấm biển chỉ dẫn có mũi tên, xe ô tô có thể vào tận nơi. Khi chúng tôi đến, cũng có một đoàn khách du lịch ở đấy. Vườn nho được tự do tham quan, cứ vào chào hỏi và họ sẽ chỉ đường cho ra vườn nho.
      Như bình thường, bác Ba Mọi sẽ tiếp đón khách và kể một vài câu chuyện về việc trồng nho. Hôm chúng tôi đến, bác chỉ hỏi thăm được vài câu và cáo lỗi với chúng tôi vì bác còn bận việc trang trại. Vườn nho hôm ấy chỉ có nho xanh đương quả, nho đỏ, nho đen không có tại vườn. Bác còn một trang trại khác có giống nho đen ngon đã có chùm mà không phải khu vực dành cho tham quan. Chẳng có mấy ai, chúng tôi tự do tác nghiệp và ngắm nhìn những chùm nho thích thú. Ngoài ra, ngay cạnh vườn nho còn có vườn táo cũng đang rất sai quả, loại táo xanh, to, giòn và ngọt. Bác Ba Mọi còn rất tự hào chỉ chúng tôi giàn hoa ti-gon ở đó cũng hấp dẫn không kém nho.


      Thăm thú vườn nho chúng tôi trở lại khu vực mọi người thu hoạch và đóng gói nho. Bác Ba Mọi ới người làm bưng ra cho chúng tôi một đĩa đầy nho và táo, mời chúng tôi ăn miễn phí và thử cả món siro nho cũng như rượu. Siro nho ngọt ngọt chua chua mát lạnh trong trưa hè nóng bức, có một ly nhỏ mà khoan khoái. Chẳng mấy khách nào ra về mà không mua một ít táo và nho ngon lành về làm quà. Hai đứa chúng tôi mỗi đứa một cân táo, một cân nho, đóng hộp và mang về Hà Nội.



      Sau giấc mơ vào tận vườn hái táo mùa thu ở Nhật, vườn nho Ninh Thuận là mục tiêu "hoa quả" thứ hai mà tôi đã thực hiện được. Vậy là chỉ còn cherry, mận, đào, dâu tây...nữa thôi.
      ____________________________________________________________________________________

      T H Á P   C H À M  P Ô K L Ô N G   G A R A I

      Rời vườn nho Ba Mọi, theo đường cũ quay trở về ngã tư Tháp Chàm, còn ít thời gian, chúng tôi rẽ vào hướng ga để đi Tháp Chàm ngay cạnh đó. Theo như nguồn trên internet, vùng đất Phan Rang ngày xưa đã từng là kinh đô Panduranga của vương quốc Champa cổ, và Tháp PôKlông Garai là một dấu tích còn sót lại. 


      Cũng giống như hầu hết các tháp của người Chăm cổ ở khu vực nam trung bộ này, Tháp PôKlông Garai được xây bằng gạch Chăm không cần xi măng với lối kiến trúc đặc trưng. Từ Tuy Hòa, Nha Trang đến Ninh Thuận đều có thể tìm thấy một vài tháp Chàm ngự trên những đỉnh núi nhỏ. Không có mấy khách tham quan ở đây, chúng tôi chỉ gặp duy nhất một đoàn làm phim và vài ba khách lẻ nhanh nhanh chóng chóng băng qua khoảng sân vào trong tháp để tranh cái nắng gắt của trưa hè. 
      ____________________________________________________________________________________

      Đ I   T Ì M  A N H   C H À N G  C H Ă N   C Ừ U

      Một trong những nét rất đặc trưng của Ninh Thuận chính là hình ảnh những đàn dê núi và cừu nhởn nhơ gặm cỏ. Ngày xưa, thỉnh thoảng tôi có được ăn thịt cừu do một người họ hàng của cô tôi gửi ra từ Ninh Thuận. Tôi không có nhiều ấn tượng lắm về việc thịt cừu có từ đâu và cứ nghĩ cừu phải ở những nơi lạnh và cao như Mộc Châu, tôi nghĩ vậy, vì hẳn chúng có bộ lông dày như vậy để chống chọi với cái lạnh. Có đâu ngờ, cái xứ nuôi cừu nhiều nhất Việt Nam này chính là cái xứ mà khô cằn nắng nóng nhất. Giờ nghĩ lại, tôi mới sực nhớ ra người họ hàng của họ hàng ấy tôi từng gặp mấy lần với trang phục khá lạ, à, đấy là trang phục của người Chăm. 


      Ra khỏi trung tâm thành phố Phan Rang - Tháp Chàm có thể tìm thấy nhiều nơi nuôi cừu, nhất là đi về phía Tây - Bắc nơi có nhiều đồi núi và thảo nguyên. Khu vực có nhiều cừu mà tôi tham khảo về thông tin đi Phan Rang trên internet là đường lên Phước Trung. Chúng tôi phải lái xe đi dọc con đường để may mắn bắt gặp đàn cừu nào đó không, vì cừu không đứng yên một chỗ cho tôi tìm đến. Đi theo hướng bắc quốc lộ 1A về phía Hà Nội, đi chừng 5km gặp ngã ba Lương Cách (cạnh đó có 1 cây xăng) thì rẽ trái và đi thẳng tầm 5km nữa qua Thôn An Xuân. Vào thôn An Hòa, đi qua đường ray tàu hỏa sẽ đến con đường lên Phước Trung. Con đường nhựa mướt mát chạy tít tắp vào chân núi, hai bên đường thi thoảng xuất hiện một vài ngôi nhà, còn lại chỉ có đất và cây. Cây trồng ở đây thấp, đường lại nhấp nhô lúc thấp lúc cao, cho chúng tôi một tầm nhìn rất xa về phía chân núi. Đoạn đường này phải nói là rất đẹp. Thi thoảng chúng tôi nhìn thấy một vài đàn cừu nhỏ đang được chăn thả. Nhưng nhỏ quá, ít quá, phải nhiều hơn, chúng tôi cứ cố đi sâu vào trong. Và bỗng dưng nhìn thấy cả một bầy cừu đang đi qua đường.


      Tôi mãn nguyện vì đã được nhìn ngắm bầy cừu lớn như vậy lần đầu tiên trong đời. Mặc dù sau đó tôi đã nhận xét rằng cừu trong "Shaun the sheep" chỉ là ánh trăng lừa dối, vì sự thật những con cừu này không bông đẹp to tròn như vậy mà gầy hơn, lông cáu bẩn vì đất và cát, có những con lông chưa dài và còn bị đánh dấu đỏ, xanh lên người để phân biệt đàn. Tuy nhiên thì tôi vẫn rất phấn khích chơi với chung. Cừu rất hiền và ngoan, xông vào giữa bầy cừu chúng cũng không phản ứng gì. Việc của cừu là gặm cỏ, còn tôi làm gì cứ làm.


      ____________________________________________________________________________________

      C U Ố I   M Ù A  M U Ố I   T R Ắ N G

      Tôi có một mục tiêu "nhất định phải đi một lần trong đời" nữa là chụp ảnh muối trắng ở vùng biển Việt Nam. Vựa muối lớn nhất nước ta chủ yếu ở khu vực miền trung nơi có bờ biển dài, cát trắng,  nước mặn và nhiều nắng. Cái cảnh sáng sớm mặt trời mọc diêm dân phơi muối với những đụn muối nhấp nhô như cái nón lúc nào cũng hiển hiện trong đầu bắt tôi phải đi cho bằng được. Ruộng muối nổi tiếng chắc phải nhắc tới Sa Huỳnh - Quảng Ngãi và Cà Ná - Ninh Thuận. Ban đầu chúng tôi còn cố nhồi nhét Sa Huỳnh vào trong lịch trình nhưng không thể, vì thời gian quá eo hẹp. Kể cả Cà Ná, nằm cách trung tâm thành phố Phan Rang - Tháp Chàm vài chục cây số, chúng tôi không xoay được để đi đến tận đó trong ngày. Chưa kể tháng 8 là đã gần hết vụ muối, chúng tôi không có ai quen để hỏi tình hình muối men, không biết đi đến nơi rồi có thấy được thứ cần không. Vụ muối rơi vào cuối tháng 2 cho đến tầm tháng 8 tháng 9 là hết. Cũng là lúc thời tiết miền trung đẹp nhất, trời nắng và khô, không có mưa nhiều thì mới phơi được muối. Yếu tố thời tiết và thời vụ quá nên chúng tôi đành hỏi han mọi người về những khu vực làm muối gần thành phố. Theo lời người dân, chúng tôi mon men theo đường bờ biển để đến khu vực Khánh Hải - nơi chúng tôi thấy được một chút muối đã kết tinh trong hoàng hôn.

      Đồng muối gặp ở Khánh Hải
      ___________________________________________________________________________________

      T H À N H   P H Ố   P H A N   R A N G - B I Ể N   N I N H   C H Ữ

      Một ngày của chúng tôi bắt đầu từ rất sớm và kết thúc lúc chiều tối, khi chúng tôi lại lên xe từ Ninh Thuận đến Bình Thuận. Từ cát đến nho, nho đến tháp, tháp đến cừu, cừu đến muối, tất tần tất chúng tôi chỉ đi trong vòng một ngày. Còn nhiều địa điểm khác ở Ninh Thuận chúng tôi phải bỏ qua vì không có thời gian, nhưng những gì hai đứa đã thấy và cảm nhận thì không phụ công chút nào. Nghe có vẻ nhiều điểm dừng chân, nhưng chúng tôi vẫn thong dong, vẫn đi ăn này nọ, vẫn ngồi uống nước bãi biển, vẫn đi ăn món ngon trong thành phố, vẫn về khách sạn nghỉ trưa, vẫn được thưởng thức món nước đậu phộng ngon hết xảy giá 5.000 ở gần cảng Dư Khánh. Chỉ trong một ngày.

      Bờ biển Ninh Chữ đi thẳng từ quảng trường thành phố là đến.
      Trong một ngày ấy tôi đã lái xe đi qua con đường 21/8 và đường Thống Nhất không biết bao nhiêu lần, đến độ chẳng cần xem bản đồ cứ lái xe phăm phăm như kiểu đã ở đấy rất lâu. Khác với Tuy Hòa trẻ trung thoáng đãng ngày hôm qua tôi ở, Phan Rang - Tháp Chàm như một bộ phim cổ kính với những biển hiệu như thể đã ở đó hàng chục năm. Đôi khi tôi còn bắt gặp những chiếc xe ô tô cũ kĩ mà chỉ nhìn thấy trên những bộ phim tôi xem khi còn bé.

      Các biển hiệu nhiều tuổi ở Phan Rang - Tháp Chàm
      Ở Ninh Thuận nếu hỏi ăn gì, thì ai cũng sẽ trả lời rằng đi ăn bánh xèo, ăn bánh canh và cơm gà. Ở đây nổi tiếng quán cơm gà Khánh Kỳ mà buổi trưa chúng tôi rẽ vào rất đông. Cơm gà ở đây không xé nhỏ mà chặt miếng, cơm nấu nước gà không trộn nghệ. Gà giòn, thơm, dai. Chúng tôi còn gọi thêm miếng chả nướng ăn kèm. Rất ngon. Có lẽ quán cơm gà Khánh Kỳ này cũng ở đây được cả chục năm.Lang thang trên hè, chúng tôi còn làm một đĩa bánh tráng trộn đầy ụ giá 10k trước khi rời Ninh Thuận đi Phan Thiết. Tôi vẫn áy náy trong lòng vì đĩa bánh tráng ấy, tuy rẻ nhưng chúng tôi đã không thể ăn hết vì quá cay.

      ____________________________________________________________________________________

      ___________________________________________________________________________________

      Vongole tiếng Ý nghĩa là ngao (nghêu), còn spaghetti chắc hẳn ai cũng biết, là tên một loại pasta sợi dài, trọn và nhỏ được dùng rất phổ biến nhất. Nhắc đến spaghetti, mọi người thường nghĩ ngay đến đĩa một mì Ý phủ sốt cà chua, bò băm và phomai béo ngậy chứ không mấy ai nghĩ đến món mỳ với nghêu này. Lần đầu tiên tôi biết đến nó không phải từ một thực đơn của nhà hàng Ý nào cả, mà là từ một bộ phim Hàn Quốc. Nghe có vẻ không liên quan lắm, vì tôi không phải kiểu người thích sự sến súa lãng mạn của phim Hàn. Tuy nhiên, bộ phim mang cái tên rất ngon "Pasta" với bối cảnh xoay quanh bếp của một nhà hàng Ý ở Hàn Quốc. Ngoài chủ đề ẩm thực ra, "Pasta" còn có một vài anh chàng đầu bếp rất xinh trai, nên tôi không thể bỏ qua. Dù không đánh giá cao phim Hàn ở cốt chuyện, nhưng tôi phải công nhận bất kể một bộ phim tình cảm lãng mạn nào của họ cũng có khả năng truyền thông rất tốt cho một số lĩnh vực nhất định. Thường các câu chuyện yêu đương này đều xảy ra trong một bối cảnh cụ thể như công ty thời trang, giày dép, khoa mỹ thuật của trường đại học, nhà hàng, trang trại trồng nho... nên sau mỗi bộ phim cái tôi ghi nhớ hơn cả chắc là những kiến thức văn hóa hơn nội dung. Ví như "Pasta" -  thì ngoài chuyện tình cảm giữa anh bếp trưởng và cô phụ bếp, người xem được bổ sung một lượng không ít kiến thức về ẩm thực Ý. Chỉ vì bộ phim này mà tôi phải đi nghiên cứu về các loại pasta, phân biệt hình dáng màu sắc và tên gọi của từng loại mì, cũng như các kiểu công thức. Và xuyên suốt bộ phim thì món ăn linh hồn chính là Vongole - món mỳ nghêu mà bạn nhân vật chính đã phải nấu đi nấu lại, nấu mãi nó vẫn chưa đạt nên tôi phải thử xem món này nó thần thánh thế nào. Ngoài ra, còn hai loại pasta nổi bật trong phim nữa là spaghetti với tỏi và dầu olive và ravioli (mỳ Ý có nhân). 
      Spaghetti vongole rất đơn giản với nguyên liệu dễ kiếm, kể cả ở Việt Nam. Món ăn này phổ biến ở mạn giữa của nước Ý, trong đó có Roma và đặc biệt là Napoli - thành phố cảng nổi tiếng của Ý. Với cái tên Spaghetti vongole thì đương nhiên nguyên liệu chính là spaghetti và nghêu, đôi khi người ta cũng dùng lingune - sợi mì dài nhỏ và dẹt để thay spaghetti. Nghêu thì là loại nghêu nhỏ mà rất phổ biển ở Việt Nam (nghêu trắng hoặc nâu), có 20.000/kg đủ một chảo mì cho cả nhà. Ngoài ra thành phần không nên thiếu cho món này là tỏi, dầu olive và rượu trắng. So sánh các kiểu pasta đã từng thử thì vongole là món mình thích ăn nhất. Bởi tất cả những gì ngon nhất - nước từ nghêu, vị béo của dầu olive, cay và thơm của tỏi, ớt, ngọt của rượu đều ngấm vào sợi mì. Không cầu kì, chỉ cần ăn sợi mì thôi cũng đủ cảm nhận hết hương vị của món ăn, mà không bị các loại sốt lấn át. Chính vì vậy, nếu muốn hưởng thụ sự ngon của "sợi mì", những món đơn giản như vongole hay mỳ với tỏi và dầu olive là sự lựa chọn tuyệt vời.
      _________________________________________________________________________________

      S P A G H E T T I   V O N G O L E 


      | Nguyên liệu |
      • 140g mỳ spaghetti loại khô
      • 500g ngao
      • 150ml rượu trắng
      • 2 - 3 tép tỏi
      • 1 quả ớt hiểm
      • 1 nhúm rau mùi tây, băm nhỏ
      • dầu olive
      • muối, tiêu
      _________________________________________________________________________________

      | Cách làm |
      • Bắc nồi nước lên bếp để luộc mì, nên dùng loại nồi có thành cao là tốt nhất cho spaghetti. Trong thời gian chờ nước sôi thì chuẩn bị tỏi, ớt và ngao sạch. Nước sôi cho mì cùng một nhúm muối vào nồi luộc từ 8 - 10 phút. Mì luộc không chín mềm mà còn hơi cứng, sau này còn đổ vào nấu chung với ngao, nếu nấu chín quá mì sẽ nát.
      • Tỏi bóc vỏ, thái lát hoặc băm nhỏ. Ớt hiểm bổ dọc, bỏ hạt rồi băm nhỏ.
      • Trong lúc luộc mì, bắc chảo lên bếp, cho khoảng 2 - 3 muỗng canh dầu olive vào chảo nóng. Tiếp đến cho tỏi và ớt vào xào cho thơm.
      • Cho ngao vào chảo đảo đều, nêm nếm một ít muối và tiêu.
      • Tiếp đến cho rượu vào chảo ngao rồi đậy nắp chảo lại. Đun chừng 3 - 5 phút đến khi ngao bắt đầu mở vỏ thì mở nắp, dùng tay xóc chảo cho ngao nóng đều và mở hết. Loại bỏ những con không mở hoặc bỏ ra ngoài, dùng tay cậy miệng nó ra.
      • Cho rau mùi tây băm nhỏ vào.
      • Lúc này mì luộc vừa chín tới, vớt mì ra để ráo bớt nước rồi cho vào chảo ngao đang nấu. Đảo đều mì và ngao khoảng 1 - 2 phút cho sợi mì ngấm đều nước sốt ngao.
      • Cho mì ra đĩa, trình bày với vài lá thơm cho đẹp mắt.
      _________________________________________________________________________________

      | Tips |
      • Ở các nhà hàng Ý, sau khi nấu xong và gắp mì ra đĩa, họ còn rưới thêm dầu olive. Tuy nhiên nếu không muốn ăn nhiều dầu thì bỏ qua.
      • Chảo dùng làm món này không nên dùng chảo chống dính, vì việc đảo ngao có thể làm xước lớp chống dính của chảo.
      • Món này làm rất nhanh, vì thế nên căn thời gian luộc mì làm sao khi chảo ngao vừa chín, mì cũng sẵn sàng để bay từ nồi nước sang chảo ngao.




      Chuyến đi Vân Nam lần này phải nói là rất thành công, so với những gì mà hai đứa chúng tôi đã đặt ra. Mỗi chuyến đi đều có những mục tiêu riêng và địa điểm nhất định "phải đến", tùy thuộc vào sở thích của mỗi người, vì thế tôi đã tự lên lịch trình và đi theo những gì mình thích. Tham khảo rất nhiều thông tin trên mạng của mọi người về cung đường Lào Cai - Côn Minh - Đại Lý - Lệ Giang - Shangrila với số tiền và thời gian bỏ ra không ít, hai đứa phải làm sao xoay sở để trong vòng 9 ngày (số ngày tối đa mà có thể đi được), đạt được mục tiêu : hoa anh đào, hoa cải vàng, phố cổ và núi tuyết với chi phí rẻ nhất có thể. Do đó chúng tôi đã bỏ qua Đại Lý, mà thay vào đó là đi La Bình - nơi có những cánh đồng cải vàng rộng đến nỗi ngồi trên trực thăng cũng không thấy hết được Cả hai đứa đều có sở thích về thiên nhiên và phong cảnh tự nhiên nên cả chuyến đi này đều nghiêng về "cảnh" hơn so với các yếu tố khác. Thời điểm này là mùa xuân, cả hoa, cả tuyết, cả chim hải đâu đều phụ thuộc vào yếu tố thời gian và thời tiết, nên chúng tôi dồn hết thời gian cho nó, vì có muốn đi thời điểm khác cũng khó bắt gặp những cảnh đẹp này. Vì vậy trong lịch trình sẽ hầu như không có kinh nghiệm về các kiểu shopping, ăn uống, vui chơi, show ca múa nhạc....mà chỉ có hoa và chim thôi. 

      Theo kinh nghiệm bản thân và những gì google bảo, Côn Minh và La Bình đẹp nhất là mùa xuân. La Bình đi thời điểm không có cải thì không hề có gì cả. Lệ Giang đi mùa nào cũng đẹp. Còn Shangrila đi mùa đông hầu như không có ai đến vì quá lạnh và mùa xuân thì cũng không khá khẩm hơn. Vậy mà cảnh sắc ảm đạm nhuốm màu úa của cỏ và đất mang lại những trải nghiệm và những bức ảnh đẹp đến không ngờ. Thường thì ở Shangrila đông đúc nhất là mùa hè khi hoa ở khắp các thảo nguyên nở rộ, các cánh đồng bát ngát ngựa và bò nhâm nhi cỏ xanh. Tùy vào mục đích của bạn là gì, có thể linh hoạt chọn thời điểm đến thăm các điểm khác nhau ở Vân Nam.

      Ảnh: Sáng sớm ở Shangrila - đối với người thích mùa đông mà sống ở nước nhiệt đới như tôi thì đi Shangrila mùa xuân cũng rất nhiều cái để thích.

      L Ị C H   T R Ì N H

      • Ngày 0 (27/2/2015): Đêm đi tàu Hà Nội - Lào Cai
      • *Ngày 1 (28/2/2015): Lào Cai - Côn Minh, đêm ngủ Côn Minh.
      • Ngày 2 (29/2/2015): Sáng, chiều chơi ở Côn Minh. đêm đi tàu Côn Minh - Lệ Giang (ngủ tàu)
      • Ngày 3 (1/3/2015): Chơi cả ngày ở Lệ Giang
      • Ngày 4 (2/3/2015): Sáng, chiều ở Lệ Giang. 5h30 bắt xe Lệ Giang - Shangrila. Tối ngủ Shangrila
      • Ngày 5 (3/3/2015): Chơi Shangrila
      • Ngày 6 (4/3/2015): Chơi Shangrila (đi Baishuitai). 19h đi xem bus đêm Shangrila - Côn Minh
      • Ngày 7 (5/3/2015): Côn Minh - La Bình. Đêm ngủ La Bình
      • *Ngày 8 (6/3/2015): Sáng, trưa La Bình, chiều 17h bắt xe về Côn Minh. Đêm đi xe Côn Minh - Hà Khẩu
      • *Ngày 9 (7/3/2015): Hà Khẩu - Lào Cai - Hà Nội


      Với lịch trình này chúng tôi đi khá là gấp rút và riêng hai ngày cuối cùng tôi đã trải qua hơn 14 chuyến xe các kiểu kể cả đi chơi cho đến lúc về đến nhà tại Hà Nội. Mặc dù đã tham khảo nhiều thông tin và lên kế hoạch hơi hơi cẩn thận, bọn tôi đã gặp rất nhiều rắc rối vì các thông tin trên mạng đã bị "out date" so với thời điểm hiện tại. Trong hành trình này, ngày 1 ngày 8 là khủng hoảng nhất trong việc đi lại do bị "HẾT VÉ XE" chặng Hà Khẩu - Côn Minh - Hà Khẩu. Chúng tôi đã không đi thẳng được mà phải bắt xe từng chặng ngắn để đến được nơi. Kinh nghiệm vụ này tôi có viết trong bài về Côn Minh Ở ĐÂY.

      T Ổ N G   C H I   P H Í
      Tổng cộng chi phí cho chuyến đi này, kể cả tiền visa (không bao gồm tiền mua sắm), chúng tôi tiêu hết tầm 7-7.5 triệu/ người. Một con số không thể ngờ, nói không ai tin, chỉ người trong cuộc mới có thể hiểu. Ngoài tiền visa 75$ cho một người (gồm cả phí dịch vụ) thì mỗi đứa cầm đi khảng 4000 CNY sang bển, cuối cùng chỉ tiêu hết tiền của một đứa, còn tôi vẫn cầm nguyên cục tiền về Việt Nam. Chưa kể mỗi đứa còn mua hớ 1 cái vé tham quan 80 CNY mà ko dùng đến. Chúng tôi đi siêu tiết kiệm, nhưng ở vẫn tiện nghi, ăn uống vẫn bình thường không có mang gói mì tôm nào sang, vẫn đạt được hết các mục tiêu đề ra. Nói chung đi bụi thì tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy, nhưng cần chi cái gì thì vẫn phải chi.

      V I S A   T R U N G   Q U Ố C - ko phải lúc nào cũng dễ.
      Chúng tôi xin visa không suôn sẻ lắm, mặc dù đã xác định là làm dịch vụ cho nhanh. Visa Trung Quốc bây giờ có nhiều thay đổi, trước kia loại nhập cảnh 1 lần trong vòng 3 tháng là có thể lưu trú tối đa 30 ngày. Bây giờ, thời gian tối đa chỉ còn 15 ngày và giá visa cũng tăng lên thành 70$ phí. Chúng tôi làm dịch vụ hết tổng cộng 75$.
      Thời điểm tôi xin visa sát sàn sạt Tết, còn có một tuần nữa là Đại sứ quán cũng nghỉ về quê ăn tết. Mặc dù visa Trung Quốc nổi tiếng làm nhanh, làm dễ mà lần này chúng tôi có 3 đứa nộp hồ sơ, thì chỉ có hồ sơ của tôi không có vấn đề gì. Không biết thời điểm đó có gì nhạy cảm, nên tất cả các hồ sơ nào hộ khẩu Hải Phòng đều rơi vào vòng "có thể bị từ chối". Vì thế cái hộ chiếu mác Hải Phòng phải nộp lần hai, thuê một dịch vụ khác, visa mới được dán. Còn một người bạn nữa của tôi đã bị Đại sứ quán Trung Quốc đã trả lại 2 lần hộ chiếu và từ chối cấp visa mà ko có lí do. Vậy là nhóm 3 người chuyển thành 2. 
      Có thể thời điểm chúng nộp visa sát Tết quá nên cũng khó khăn hơn. Về visa Trung Quốc thì theo kinh nghiệm bản thân, cứ alo gọi dịch vụ họ đến tận nhà mang hộ chiếu đi và giao tận nơi là nhanh gọn nhất, không mắc công và giá rẻ.

      P H Ư Ơ N G   T I Ệ N   Đ I   L Ạ I 



      Đi lại trong thành phố:
      - Taxi: Ở Vân Nam đi đến đâu cũng bắt được taxi, nhất là khu vực nhà ga, bến xe thì nhiều vô kể. Taxi ở đây thường không đi theo đồng hồ tính tiền mà mình cứ như xe ôm mà mặc cả. Hỏi họ tao muốn đi từ đây đến kia, bao nhiêu tiền, đắt quá giảm giá đi, nhì nhằng đến khi nào họ ok thì đi. Ở Côn Minh thành phố rộng mặc cả taxi sẽ khó hơn vì mình không biết quãng đường xa gần thế nào, chứ ở các địa điểm khác như Shangrila, Lệ Giang thì đi từ chỗ này đến chỗ kia chỉ tầm 5 -10 CNY là hết. Để tiết kiệm, bọn mình không đi taxi nhiều, chỉ đi ở Shangrila và 1 lần ở Côn Minh, do đi từ ga về hostel xa và không biết đi như nào do cái bản đồ của nó khó xem khủng khiếp :))) 
      - Public bus: Vị cứu tinh của những đứa du lịch bụi. Xe bus công cộng ở đây rất thuận tiện và rẻ. Ở Côn Minh hay nông thôn La Bình thì cũng chỉ có 1¥  (bằng 1/2 giá xe bus Hà Nội), vì thế tốt nhất khi đến đâu cũng nên hỏi khách sạn/hostel cái bản đồ du lịch cho người nước ngoài rồi tự tìm đường đi bằng xe bus. Bus ở đây ko có phụ xe, chỉ có lái xe nên ko có người soát vé và trả tiền thừa. Vì thế phải chuẩn bị sẵn tiền lẻ 1¥ để khi lên xe đút vào cái thùng ở ngay chỗ lái xe ngồi. Được cái bus ở đây đi từ tốn và cẩn thận hơn anh bus Hà Nội nhà mình. Chính cái bus này là nhân tố khiến bọn mình tiết kiệm được một đống tiền. Ở Côn Minh, chúng tôi đi từ ga về hostel mất 40¥ taxi trong khi đi từ hostel ra ga bằng xe bus mất có 1¥ - có một sự khác biệt không hề nhẹ.

      Đi đường dài:
      Đi bất kể phương tiền đường dài nào ở Trung Quốc đều phải xuất trình giấy tờ cá nhân, mà với bọn mình là hộ chiếu. Ở đây không có chuyện bắt xe dọc đường (trừ khu vực quá xa xôi), mọi chặng đều phải mua vé có xuất trình passport, xe và tàu chỉ chở đúng số người quy định, khách lên đúng xe, ngồi đúng số ghế và xe xuất phả rất đúng giờ.
      Kể cả tàu hỏa và bus đường dài đều có cửa ra riêng cho từng tàu/xe. Hành khách chỉ được mở cửa ra tàu/xe 15 phút trước khi chạy thôi.
      - Tàu hỏa: Đây là phương tiện rất phổ biến và giá thành rẻ ở Trung Quốc, vì thế mà vé rất nhanh hết. Do đó đi đâu cũng phải mua vé trước 1-2 ngày. Vé ghế cứng ở đây không phải ghế gỗ cứng như Việt Nam, nó vẫn là ghế đệm, chỉ có điều ko ngả ra được thôi, và rất rẻ. Ví dụ đi Côn Minh - Lệ Giang, ghế cứng là 89¥, còn giường cứng là 142¥. Chúng tôi mua vé đi Lệ Giang trước 1 ngày mà ko còn ghế mềm, phải mua ghế cứng, đi một nửa chặng thì khách xuống ga Đại Lý rất nhiều nên sau đó thừa chỗ để nằm thoải mái.
      Ở lịch trình này, từ Côn Minh có thể đi tàu đi Lệ Giang, La Bình. Không có đường sắt lên đến Shangrila. Để tra giá tàu, giờ tàu, có thể tham khảo ở ĐÂY

      Vé tàu và các thông tin

      - Xe khách: 

      CÔN MINH đi
      Vì Côn Minh là trung tâm nên tất cả các điểm đều có thể bắt xe khách đi từ Côn Minh. Ở thành phố Côn Minh có những 4 bến xe khách theo 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc.Vì thế phải nắm được địa điểm mình cần đi sẽ bắt xe ở bến xe nào. Cả lịch trình tôi chỉ đi tàu từ Côn Minh - Lệ Giang, còn lại hoàn toàn đi bằng xe bus vì mua vé tàu toàn bị hết vé.
      - Bến xe khách phía Tây (Xi Bu): Các xe đi Dali (Đại Lý), Lijiang (Lệ Giang), Diqing (Shangrila - 201¥), Chuxiong, Baoshan, Dehong, Lincang ...
      Đi đến bến xe: Các xe bus số 80 (từ ga Côn Minh - 5¥), 82, 148, 151, 153, C65
      - Bến xe khách phía Đông (Dung Bu): Là bến xe có các xe đi về hướng Đông và Đông Nam, các xe đi La Bình, đi theo cao tốc Thạch Lâm, Mông Tự...để về Hà Khẩu, về Việt Nam thì ra bến xe này.
      Còn các bên xe khác mình không đi, nếu cần thông tin có thể xem thêm ở ĐÂY
      Phần lớn xe chạy đường cao tốc nên an toàn và rất nhanh. Lượt đi Lệ Giang tôi đi tàu rồi đi bus lên Shangrila, lượt về chúng tôi đi bus thẳng từ Shangrila về Côn Minh mất có 5 tiếng buổi đêm, còn lại lái xe dừng lại ngủ 3 tiếng, vậy là tiết kiệm được phí một đêm ở khách sạn.

      LỆ GIANG đi
      - Ở Lệ Giang có một bến xe khách nằm phía Tây Nam phố cổ, trên đường Minzhu (民主路), có xe bus số 8 và số 11 đi qua.
      - Ở đây có thể mua vé xe đi về Côn Minh hoặc đi Shangrila.

      Về thông tin đi lại và giá cả cụ thể, có thể đọc chi tiết hơn tại từng bài viết ở mỗi điểm.
      Côn Minh - La Bình: Ở La Bình có rất nhiều loại xe công cộng nhé, đi mỗi nơi có một loại xe phục vụ riêng. Link ở đây
      Côn Minh - Lệ Giang: Link ở đây (Đoạn đầu)
      Đến và đi Shangrila: Link ở đây (Đoạn cuối)
      Nhỡ xe Hà Khẩu - Côn Minh và Côn Minh - Hà Khẩu hai lần - mua vé thay thế  link ở đây

      ***MỘT SỐ LƯU Ý KHI ĐI TRUNG QUỐC
      Vì Trung Quốc không nói tiếng Anh, lại dùng chữ tượng hình nên đối với những ai không biết tiếng Trung cần chuẩn bị rất kĩ. Bản thân tôi đã từng học tiếng Trung nhưng quên gần hết, vẫn có thể nghe hiểu 1 tẹo. bạn đi cùng mình thì giỏi rồi, nên nhờ đó mà bọn mình giải quyết được khá nhiều vấn đề. Có một số lưu ý sau, nếu chuẩn bị tốt sẽ không lo gì cả:
      1. Đừng trông chờ vào internet ở Trung Quốc: Cái này thì Trung Quốc rất nổi tiếng ở việc dùng các sản phẩm nội địa. Bạn sẽ không vào được google và tất cả các sản phẩm liên kết với google để tra cứu thông tin. Mạng Trung Quốc có trang riêng để tìm kiếm là www.baidu.com. Tuy nhiên các kết quả chỉ ra nhiều nhất khi tìm kiếm bằng tiếng Trung, còn nếu dùng tiếng Anh rất ít kết quả và tiếng Việt thì gần như không có. Rất nhiều website thông tin của Việt Nam đều không truy cập được để tham khảo. Vì thế tốt nhất hãy lưu website thông tin bổ ích với chế độ đọc offline vào điện thoại để dùng khi cần.
      1. In cách viết và cách đọc một số từ:  đặc biệt là tên các địa danh, tên món ăn, các nhu yếu phẩm cần mua. Người dân họ không đọc được phiên âm, hoặc là cho họ xem hình ảnh, hoặc là cho họ xem chữ Hán. Cái này nên chuẩn bị cả một list các tên, cách viết chữ Hán, phiên âm, cách đọc rồi in ra mang theo người. Nếu dùng smartphone, có thể lưu lại file trong điện thoại.
      2. Chuẩn bị bản đồ từ nhà: Có rất nhiều người đã đi và chụp lại bản đồ có lưu ý cụ thể rồi, tốt nhất nên in ra và cầm theo. Như thế mình dễ hiểu, lại vẫn có cả bản đồ gốc của TQ để dễ bề hỏi han. Ở bên này mình mua bản đồ du lịch mà nó toàn chữ Hán là chữ Hán xem rất khó (mình chỉ đọc đc bằng phiên âm). Hoặc tốt nhất là đi đến đâu, việc đầu tiên là xông vào lễ tân khách sạn/hostel xin cái bản đô du lịch cho khách nước ngoài để thuận tiện đi bộ và bắt xe bus. Dùng bản đồ offline của điện thoại cũng được, nhưng phải tải app và bản đồ sẵn từ Việt Nam.
      3. Nhà vệ sinh ở bên này thường là xí xổm, ít dùng xí bệt, kể cả trong nhà nghỉ. Có rất nhiều nhà vệ sinh công cộng, tùy từng nơi họ thu phí khác nhau, nhưng thường là 0.5 - 2¥. Cơ mà tốt nhất là tận dụng đi wc ở khách sạn hoặc nhà hàng, đừng đi wc công cộng vì nó siêu siêu bẩn và mùi. Có lần bọn mình vào hẳn một cái fast food nhìn wc có vẻ sạch sẽ hiện đại, ai dè vào đến bên trong nó vẫn mùi kinh dị.
      4. Nhớ cầm theo 1 cuộn giấy vệ sinh (ko lõi) đế đi đâu cũng có để dùng. WC công cộng ở đây ko có giấy và phải mua gói giấy ăn bé bé.
      5. Áo ấm: Bắt đầu từ Lệ Giang là trời lạnh rồi, cần chuẩn bị áo ấm. Tốt nhất mặc nhiều lớp áo để dễ bề cởi, do ban ngày trời nắng vẫn thấy nóng, nhưng chỉ cần một đám mây ngang qua là rét run, giữa trời nắng tuyết vẫn rơi mà. Ở Shangrila, đêm nào nhiệt độ cũng dưới 0 độ C và tuyết rơi.
      6. Cẩn thận với người bản địa:  Đối với những điểm nổi tiếng du lịch như Lệ Giang, Shangrila có rất nhiều "cò du lịch", đặc biệt với những người tự đi mà hỏi đường phải những người "cò" này, họ sẽ đòi tiền để dẫn đến chỗ mình cần đến, hoặc chỉ không đúng đường, hoặc gạ gẫm sử dụng dịch vụ của họ mà không đến được nơi mình cần. Rất nhiều trường hợp du khách tìm đường tự đi lên núi tuyết Ngọc Long thuê ngựa đi và bị dẫn đi loanh quanh ở chân núi ko lên được đến nơi.
      7. Chỗ ở: ở đâu cũng vậy, ở trung tâm sẽ đắt hơn các chỗ khác. Vì thế nên tìm nhà nghỉ ở khu vực rìa trung tâm, nghĩa là đi bộ 5-10 phút là đến trung tâm mà vẫn rẻ. Mình toàn ở khu vực như vậy, giá phòng chỉ từ 60-80¥ cho 2 người. (ở Côn Minh hostel đắt nhất là 40¥/người, còn lại toàn phòng đôi tiện nghi đầy đủ có 60,70¥/2 người/đêm).
      Còn nếu có điều kiện, ở Lệ Giang những phòng trọ style cổ siêu đẹp siêu thích giá tầm 300-500¥ thì thôi rồi thích mê tơi.
      Phòng ngủ 70¥/đêm hai giường, đủ đệm điện, máy tính bàn, điều hòa, tivi, nóng lạnh ở Shangrila

      8. Mua thịt bò Yak: Nhớ là nếu đi cả Lệ Giang và Shangrila mà muốn mua thịt bò Yak khô, ướt gì gì thì mua ở Shangrila sẽ rẻ hơn rất nhiều.
      9. Phí bảo tồn ở Lệ Giang: Ở Lệ Giang là phố cổ, cũng như ở Hội An, việc mua vé tham quan là không bắt buộc. Việc mua vé sẽ bắt buộc nếu đi Ngọc Long Tuyết Sơn, hoặc vào Mộc Phủ có bán vé riêng. Còn nếu chỉ thăm phố cổ, đi công viên Hắc Long...thì không cần mua. Chúng tôi khi đến công viên Hắc Long thấy người ta bán vé ngoài cổng, không đọc kĩ đã mua vé mỗi người mất 80 CNY. Đến khi vào trong công viên mới thấy người ta ra ra vào vào tự do, đọc lại mới biết hóa ra vé này không bắt buộc.
      10. Soi hành lý: Bất kể vào bến xe hay ga tàu hỏa, tàu điện ngầm ở Trung Quốc đều phải soi chiếu hành lí. Mọi người mua vé hay qua cửa soi đều xếp hành rất trật tự ngay ngắn.

      Ở mỗi điểm đến lại có những câu chuyện riêng, có những thông tin riêng kể về hành trình của chúng tôi, vì thế nếu cần thông tin chi tiết hơn thì phải đọc các bài cụ thể. Khi về đến Việt Nam rồi, tôi vẫn còn tiếc khá nhiều địa điểm mình đã không đi được. Nhưng thời gian và tiền bạc có hạn, chúng tôi bắt buộc phải lựa chọn một số trong rất nhiều lựa chọn. Chắc chắn trong tương lai, tôi sẽ trở lại Vân Nam với một cung đường khác, vì còn nhiều điểm mà tôi "phải" ở đó một lần trong đời.

      Vân Nam 
      Tháng 3 - 2015

      _____________________________________________________________________________________


      Lần đầu tiên tôi được ăn món chả ốc lá lốt này là ở quán 1946 - quán ăn các món ngon Hà Nội xưa và nay nằm trên đường Mai Anh Tuấn . Thực sự lần đầu tiên ấy đã khiến tôi phải lòng cái món này suốt từ lúc ấy đến bây giờ là đã ngót một năm. Mở gói giấy bạc vuông vắn còn đang nóng hổi trên đĩa, mùi lá lốt thơm nồng bay ngào ngạt, quyện với mùi nhân thịt ốc bên trong làm tôi không thể ngăn lại việc gắp một miếng mà thử mùi vị. Miếng chả ốc nóng hổi, thịt thơm và ngọt lẫn với những miếng ốc sần sật, cảm giác vừa lạ vừa quen. Quen vì nó vẫn đơn giản là chả bọc lá lốt - món ăn dân dã quen thuộc, vẫn cái mùi ấy, vẫn vị ấy, lạ vì sao lẫn đâu cái miếng sần sật thơm thơm sao mà hợp thế. Tôi đã tự hỏi cái món này đã ở đâu suốt thời gian tôi ở đất thủ đô này, tại sao nó được "liệt vào" danh sách đặc sản Hà Nội mà đến tận lúc ấy tôi mới biết??? Thế là, từ ngày ấy lần nào đến quán tôi cũng phải gọi một suất chả ốc, cho bõ thèm. Và đương nhiên, nó được bổ sung vào thực đơn bếp hàng ngày. Ban đầu, tôi làm không được thành công cho lắm, vì chả thường hay bị khô mặc dù nướng trong giấy bạc. Sau này rút kinh nghiệm, thịt làm chả ốc phải pha với thịt mỡ thì chả mới mềm và ngậy. Mỡ không cần xay nhuyễn, để lợn cợn hoặc thái hạt lựu trộn cùng thịt ốc cũng được. Còn với những ai không ăn được thịt mỡ mà lỡ ăn phải miếng "hạt lựu" này thì chắc mất cả bữa cơm mất. Mới mấy hôm trước, nhà họ hàng cho cả một bao tải lá lốt "sạch" trồng tại vườn nhà, thành ra cả nhà cô, nhà chú, nhà chị, nhà tôi đều ăn các kiểu lá lốt. Nhân có sẵn ốc trong tủ lạnh, tôi lại làm chả ốc, nấu thêm nồi cơm và bát canh, bữa tối chẳng còn gì bằng.
      ___________________________________________________________________________________

      C H Ả   Ố C   L Á   L Ố T   N Ư Ớ N G   G I Ấ Y   B Ạ C  

      | Nguyên liệu | (cho 3 miếng chả cỡ 7x7cm)

      • 200g thịt lợn xay (chọn miếng có lẫn thịt mỡ)
      • 100g thịt ốc (mình dùng loại đông lạnh đã làm sẵn)
      • 2 - 3 tai mộc nhĩ
      • 1 quả ớt sừng
      • 2 củ hành khô
      • 2 tép tỏi
      • 12-15 lá lốt
      • Muối, tiêu 
      • Giấy bạc và khuôn vuông (mình dùng hộp đựng thực phẩm hình vuông)
      ___________________________________________________________________________________

      | Cách làm

      • Thịt lợn xay mua về bỏ vào ngăn đá tủ lạnh trước khi xay tầm 15-20 phút. Như thế sẽ dễ xay hơn. Hoặc không có thể thay thịt lợn xay bằng giò sống (nên mua thêm một ít mỡ, xắt nhỏ trộn cùng để chả không bị khô)
      • Mộc nhĩ ngâm nước lạnh cho nở, rửa sạch, xắt nhỏ
      • Hành khô và tỏi bóc vỏ, băm nhỏ
      • Ớt sừng thái lấy 3 miếng to, đẹp để riêng. Còn lại băm nhỏ, để cho vào chả. Nếu không ăn cay có thể bỏ qua phần này, tuy nhiên chả ốc phải có tí cay mới đúng vị. 
      • Ốc ra đông, rửa sạch với muối, băm nhỏ.
      • Cho thịt lợn, ốc, mộc nhĩ, hành, tỏi, ớt vào máy xay nhuyễn. Nếu muốn ăn miếng ốc giòn sần sật thì xay thịt trước, cho ốc vào sau và xay sơ sơ thôi, để ốc vẫn còn lợn cợn, khi ăn mới cảm nhận được cái giòn của ốc.
      • Cho bột canh/hạt nêm và tiêu vào hỗn hợp.
      • Để riêng khoảng 7-8 lá lốt to ra một chỗ. Số còn lại băm nhỏ, trộn vào hỗn hợp thịt ốc đã xay. Trộn đều. Khi này ta đã có hỗn hợp cuối cùng.
      • Chuẩn bị khuôn: (trong lúc này thì bật trước lò nướng ở nhiệt độ 170 độ C, hoặc có thể nướng trên than hoa)
      • Với nguyên liệu như trên có thể dung 1 khuôn vuông 12x12 hoặc 3 khuôn nhỏ 7x7cm như mình. Dùng khuôn nhỏ nướng nhanh chín hơn, miếng nhỏ nhắn, tiết kiệm điện lò nướng, ăn được nhiều vỏ bọc lá lốt (mình thích lá lốt) và dễ bề trình bày, chụp ảnh ( :D vì thế mình dùng 3 khuôn bé).
      • Đối với khuôn nào thì khuôn, đầu tiên là cắt giấy bạc rồi lót vào khuôn cho đẹp và sao cho đủ để gói miếng chả. Sau đó đặt  khoảng 2-3 cái lá lốt lót dưới, mình chỉ lót phần đáy và thành, rồi sau đó cho phần hỗn hợp thịt ốc vào khuôn, dàn chặt cho đầy khuôn, rồi đặt 1 miếng ớt sừng đã thái ở giữa. Bọc giấy bạc vào.  
      • Gói xong rồi thì cho vào lò nướng thôi!!! Nhiệt độ 170 độ C nướng trong thời gian khoảng 10-15 phút là chín vì miếng chả bé nên rất nhanh. 
      • Mở giấy bạc ra, bày ra đĩa, cắt chéo thành 4 miếng. Lúc này miếng chả vuông sẽ có cơ cấu bên dưới bọc lá lốt, còn phần trên để lộ phần nhân, có tí ớt đỏ đỏ ở trên, rất bắt mắt và mời gọi. 
      Nhiệm vụ cuối cùng: Rót tí mắm ngon với tiêu, chấm miếng chả nóng ăn cùng cơm trắng!
      ___________________________________________________________________________________


      ___________________________________________________________________________________

      | tips |
      • Ốc có thể mua ốc tươi về làm. Tuy nhiên, ruột ốc đông lạnh cũng rất phổ biến, lại được làm sẵn chỉ cần rã đông, rửa qua và chế biến, sẽ đỡ mất thời gian hơn. 
      • Ngoài quán thường nướng một miếng chả ốc to cỡ 10x10cm. Tuy nhiên, làm miếng chả nhỏ sẽ tiết kiệm thời gian nướng, miếng cũng vừa xinh, phục vụ chụp ảnh cũng tốt.
      • Nếu không có lò nướng, thôi thì với cái nhân ấy, dùng lá lốt cuốn lại như món chả lá lốt hàng ngày vẫn làm, đem lên chảo rán. Tuy nhiên nướng trong giấy bạc sẽ làm cho lá lốt không bị cháy và khô, nước thịt làm lá lốt mềm giữ được vị nên ngon hơn. Rán chả còn nhiều dầu mỡ, nên tôi thích ăn nướng hơn. 
      All post and photos by NK. Được tạo bởi Blogger.

      Popular Posts