Cuối cùng cũng có ngày làm ra được bánh rán của Doraemon nhìn giống trong truyện. Vô cùng là thích. Ngày xưa bé tí có mấy bộ đồ chơi nhỏ xinh bằng nhựa, có những cái bánh rán Dorayaki này bé như cái cúc, đã thích lắm rồi. Nhờ có anh google và anh youtube, cùng với nhiều lần thử nghiệm, đã thành công chiên vàng được cái mặt bánh màu cánh gián đều như "bánh thật":)). Mới hôm qua đi qua một hàng bán các loại bánh truyền thống của Nhật tại trung tâm thương mại, mới thấy cái bánh của chúng họ chiên chẳng đẹp tẹo nào bằng cái của mình. Cũng có tí tự hào. Bản thân Dorayaki phần bánh làm tương tự như pancake từ nguyên liệu cho đến cách chiên. Bởi Dorayaki cũng dùng chảo chiên, mà pancake dịch ra thì chỉ là bánh chảo chứ không phải nướng. Khác một điều là Dorayaki có hình thức là hai chiếc pancake kẹp phần nhân, mà truyền thống là nhân đậu đỏ (tiếng Nhật là anko). Ở Nhật, các món tráng miệng và món ngọt sử dụng rất nhiều phần nhân đậu đỏ này. Nếu như làm đúng như món bánh yêu thích của nhân vật Doraemon thì dùng anko, còn nếu không với công thức bột bánh này có thể ăn với các loại nhân khác như bơ lạc, nhân đậu xanh, mứt hoa quả...như vẫn ăn với pancake. 
_________________________________________________________________________________

D O R A Y A K I  -  P A N C A K E   N H Â N  Đ Ậ U  Đ Ỏ

Nguyên liệu

Nhân đậu đỏ
  • 100g đậu đỏ (có thể thay bằng đậu đen)
  • 80g đường 
  • 1 thìa cà phê vanila (tùy ý)
  • Nước để nấu đậu


Phần bánh
  • 1 chén bột mì (130g)
  • 1/2 chén đường trắng (90g)
  • 2 quả trứng gà
  • 1/2 thìa cà phê baking soda hoặc 1/2 thìa cà phê baking powder 
  • 1 thìa canh mật ong
  • 1 thìa cà phê vanila extract (tùy ý)
  • 3 - 4 thìa canh nước lã
  • Dầu ăn để chiên

Dụng cụ

  • Chảo chống dính mặt phẳng
__________________________________________________________________________________

Cách làm

Nhân đậu đỏ

  • Cho đậu vào bát tô đổ đầy nước. Vớt bỏ những hạt nổi lên trên mặt nước. Rửa sạch đậu rồi ngâm đậu trong nước lạnh từ 4 - 5 tiếng.
  • Rửa sạch lại đậu rồi cho vào nồi, đổ nước xâm xấp mặt đậu nấu cho đậu chín mềm. 
  • Cho đậu vào máy xay, đổ thêm một ít nước luộc đậu rồi xay cho nhuyễn. Thêm 80g đường trộn đều. Nếu không có máy xay, có thể cho đường vào nồi đậu và dùng muỗng gỗ đánh nhuyễn bằng tay. (nhưng mệt lắm =.=)
  • Cho hỗn hợp đậu vào nồi hoặc chảo, đun trên bếp cho khô nước, dùng thìa gỗ đảo nhiều cho đậu không bị dính và cháy ở đáy chảo đến khi đậu cạn nước thì bắc ra. Để nguội. Có thể bảo quản đậu trong tủ lạnh để dùng dần.  
  • Nhân đậu đỏ không cần thiết phải quá nhuyễn và khô, có thể để đậu sệt và còn lợn cợn hạt cũng không vấn đề gì. 

Phần bánh

  • Bột mì và bột nở hoặc baking soda trộn trong một tô, rây mịn.
  • Trong một tô khác đập hai quả trứng và đường vào. Dùng phới đánh tan trứng và trộn đều với đường. Bước này không cần đánh mạnh tay trứng sẽ nổi quá.
  • Cho mật ong vào trộn đều.
  • Rây hỗn hợp bột vào hỗn hợp trứng, dùng phới trộn đều bột và trứng cho mịn. 
  • Cho vanila extract vào hỗn hợp và cho khoảng 3 - 4 thìa canh nước vào hỗn hợp. Lượng nước có thể tùy chỉnh linh hoạt sao cho hỗn hợp cuối cùng không quá đặc. Dùng muỗng thử múc một muỗng bột rót từ trên xuông sao cho bột chảy đều, nhanh xuống không đứt đoạn là được. 
  • Dùng màng nilon bọc tô bột, để ngăn mát tủ lạnh ít nhất 15 phút đến 30 phút.
  • Sau khoảng  15 - 30 phút, lấy tô bột ra khỏi tủ lạnh, dùng phới trộn lại. Lúc này bột có thể hơi nở ra và hỗn hợp đặc hơn trước khi cho vào tủ lạnh, có thể thêm 1 - 2 thìa nước vào hỗn hợp để lỏng ra. 
  • Bắc chảo chống dính lên bếp, phải dùng loại chảo có mặt nhẵn mịn thì bánh mới đẹp, bật bếp cho chảo nóng. 
  • Dùng giấy ăn hoặc bông, vo vào thành viên rồi dùng đũa nhúng giấy ăn vào bát dầu ăn rồi bôi giấy ăn đã thấm dầu vào mặt chảo. Không được để quá nhiều dầu ăn trong chảo, làm sao để chỉ có một lớp dầu ăn rất mỏng gần như không nhìn thấy. Sau khi bôi dầu ăn, có thể dùng một cục giấy ăn khô khác lau lại mặt chảo để sao có không nhìn thấy giọt dầu ăn nào. Nếu để dầu ăn đọng thành giọt trong chảo, khi chiên mặt bánh sẽ không vàng đều và bị rỗ lỗ chỗ do dầu sôi.
  • Để lửa cỡ vừa hoặc hơi nhỏ. Nhất là khi mới cho bột vào chảo, không được để nhiệt độ cao quá. Để lửa lớn bánh sẽ cháy và không vàng được mặt đều.
  • Đổ một muôi nhỏ bột bánh vào chảo, đổ bột từ trên xuống và giữ nguyên vị trí muôi, bột sẽ tự động dàn ra hình tròn.



  • Sau khoảng 30 - 40 giây sẽ thấy phần bột phồng lên và có bong bóng. Khi nào phần bong bóng ở cạnh bánh nhiều và bắt đầu có bong bóng ở giữa thì dùng xẻng lật bánh.
  • Chiên mặt còn lại khoảng 20 giây là được. 
  • Làm tiếp tục cho đến khi hết bột.

Hoàn thành

Bánh đạt yêu cầu :D
  • Lấy một miếng bánh rồi quết đậu đỏ vào mặt trong (mặt không vàng đều) rồi lấy một miếng bánh khác úp lên trên. Thế là đã có thể mời Doremon ăn bánh mà không bị nghi ngời gì :))
__________________________________________________________________________________

Tips:
  • Có một số công thức sử dụng bột mì trộn bột ngô để làm pancake cho nở xốp. Mình đã thử cả hai cách và thấy làm bằng bột mì không vẫn thành công mà không phải mua hai loại bột làm gì. Hoặc có thể làm pancake ăn liền bằng cách mua gói bột pancake bán sẵn chỉ về trộn theo hướng dẫn đảm bảo 100% thành công
  • Để bánh ra màu cánh gián đẹp, việc điều chỉnh lửa và dầu ăn rất quan trọng. Có khi chảo chiên liên tục sẽ bị rất nóng nên lúc cho bột mới vào mình đã tắt bếp đi cho đỡ nóng, rót bột vào rồi lại bật lên để lửa vừa, sẽ cho bánh màu đẹp.
  • Chú ý không bao giờ được để lõng bõng dầu hoặc có một giọt dầu ăn nào trên chảo sẽ thấy bánh lỗ chỗ ngay. 
  • Bánh này dụ trẻ con ăn sáng rất dễ vì đứa nào chả thích giống Doremon :)))
Con đang làm cái mỏ vịt cho dì xem
Thêm ly sữa hoặc nước trái cây là đủ cho bữa sáng


Ở Hà Nội, lại gần chợ Mơ, ăn đậu phụ thường xuyên chế biến đến tỷ kiểu các nhau: bún đậu mắm tôm, đậu sốt cà, đậu nấu chuối ốc, riêu cua là phải ăn với đậu rán...Mỗi miếng đậu Mơ vừa ngon vừa ngậy chỉ có 2.000, ra chợ mua vèo một cái, mắc công tự làm làm gì cho nó khổ. Khổ nhưng mà thích. Lích kích đủ thứ từ ngâm đậu tương, xay, vắt cho đến đè nén miếng đậu cũng mất cả ngày, nhưng mà cái cảm giác tự mình làm ra được cái mà ngày nào cũng mua của người ta thật là yomost!

Lan man chuyện về đậu, thì bún đậu mắm tôm và đậu thả lẩu riêu cua là thứ đậu rán mà tôi thích nhất trong tất cả. Còn đậu rán vẫn xếp thứ nhì, sau cái đậu trần nước sôi nóng hổi, bỏ ra chấm bột canh ăn ngày bé. Cái món đậu trần ấy là tuổi thơ của tôi, khi mà thịt thà cá mú chẳng nhiều để ăn, thì ăn cơm với đậu là món ăn thường xuyên nhất, chắc phải đến 5/7 ngày nhà tôi ăn đậu. Năm lớp hai, tôi đã được giao trọng trách đi chợ và nấu cơm buổi trưa. Chị bán đậu mẹ hay mua, mẹ bàn giao lại cho tôi. Đi bộ từ nhà đến chợ chắc cũng 300-400m, nóng nực. Mua mớ rau 500đ, tôi có 2000đ để mua đậu thì lần nào chị cũng bớt cho tôi 100đ một miếng, hai miếng mất có 1.800đ. 200đ hồi ấy đủ để ăn một cốc thạch găng mát lạnh, bù vào năng lượng đã mất vì phải đi bộ ra chợ. (Thực ra thạch găng 500đ một cốc, nhưng tôi chỉ mua 200đ thôi, thi thoảng vẫn nhớ cô bán thạch lèo bèo rằng 200đ chỉ đủ cho muôi đường ăn thạch, chứ chả có lời lãi gì :)) ). 

Hồi ấy tôi đã biết rán đậu sốt cà, ăn với cơm và rau muống luộc là đủ cho bữa trưa nhanh gọn. Khi nào có bố mẹ ở nhà, thì sẽ có món đậu trần. Tôi vẫn nhớ cái cảnh buổi chiều đi học về, tôi ngồi xem tivi kễnh trên ghế salon chờ cơm. Bố mẹ ở trong bếp, bao giờ cũng trần đậu trong nồi nước luộc rau trước, cho nóng, rồi bỏ riêng ra đĩa, rắc tí bột canh, đưa lên luôn cho tôi và chị ăn lúc còn hôi hổi. Đậu chỉ chế biến đơn giản như thế, nhưng lại rất rõ mùi thơm của đậu nành, vị béo ngậy và mịn màng của miếng đậu. Có khi, chẳng cần mặn ngọt, ăn miếng đậu không tôi cũng thấy ngon.

Đến khi lớn lên, ăn nhiều đi nhiều, mới được thưởng thức đủ kiểu của đậu. Đậu nóng giòn mới rán xong chấm mắm tôm ăn với bún lá, sao mà ngon thế. Lớp vỏ giòn vàng mà bên trong đậu vẫn ngậy và nóng bỏng lưỡi. Đi ăn bún đậu mắm tôm ở Hà Nội, cũng lắm chuyện vui. Quán có đậu ngon thì mắm tôm không biết pha, quán có mắm ngon, thì đậu cũng bình thường. Cứ đi ăn đậu ở khu Mai Động là thích nhất vì đậu ngon không chê vào đâu được. Tiếc là chưa tìm được quán nào pha được mắm ngon. Còn với nước riêu và lẩu, thì đậu phải rán kĩ, lớp vỏ dai dai để khi thả vào nước, miếng đậu mới ngấm được hết vị của nước dùng, lúc ấy thì đậu ngon thôi rồi. Đậu thả vào nồi chuối ốc, hay đậu nhồi thịt sốt cà, rồi đến đậu Tứ Xuyên của Tàu, súp Miso của Nhật cũng ăn đậu, khi ấy các món về đậu mới vạn hóa biến thiên. Hồi ở nhà, miếng đậu ngoài chợ phải to bằng nửa viên gạch. Mỗi bữa một nhà cũng chỉ cần mua 1 - 2 miếng. Lên Hà Nội lại khác, đậu làm trong khuôn nhỏ dài, người ta dùng cái đũa gãy để đo và cắt đậu thành từng miếng. Còn đậu Mơ thì không phải khuôn dài mà mỗi miếng đậu ra hình thù ấy hoàn toàn chỉ nhờ tấm vải. Lên đến Tây Bắc, người ta không ăn đậu nhiều như dưới xuôi. Đậu được làm thành cả một tảng to như khối bê tông, khách mua bao nhiêu, người bán cắt bấy nhiêu. Ở mỗi nơi, văn hóa đậu nó lại khác nhau như thế. 

Lần này thử làm đậu phụ lần đầu, cũng là do nhà có sẵn bộ khuôn mà tôi tha về từ chuyến đi Nhật. Cái khuôn làm đậu bằng gỗ rất xinh, có đủ các chi tiết khuôn, gỗ ép và vải lọc. Suốt từ ấy đến giờ, chẳng có thời gian để làm, bẵng quên mất nó trong ngăn tủ. Đến hôm nay, chiếc khuôn ấy mới được trưng dụng.

Khuôn làm đậu nhỏ xinh mua ở Daiso Nhật Bản gồm khuôn, hai nắp và hai mảnh vải lọc
  ___________________________________________________________________________________

T Ự   L À M  Đ Ậ U  P H Ụ  T Ư Ơ I

| Nguyên liệu | 3-4 miếng đậu phụ 

  • 250gram đậu nành
  • 2,5 lít nước lã
  • 4 tbsp/ thìa canh dấm trắng
  • 1 tsp/ thìa cả phê muối
  • 1/2 chén nước lọc

| Dụng cụ |
  • Máy xay sinh tố
  • Một mảnh vải sợi thưa để lọc
  • Muôi lỗ
  • Khuôn ép đậu (Có thể tự chế bằng cách dùng hộp nhựa chữ nhật, đục lỗ ở đáy để nước thoát ra )
  • Thớt hoặc một vật nặng 3kg để nén
  • Nồi đun sữa
  • Khay hoặc đĩa để hứng nước chảy ra
_________________________________________________________________________________|__

| Cách làm |
  • Đậu nành rửa sạch, cho vào nồi hoặc chậu rồi đổ nước lạnh vào gấp 2-3 lần đậu để ngâm. Nếu có hạt nổi lên thì vớt ra, đây là hạt đã hỏng. Ngâm đậu từ  6 - 8 tiếng cho nở, chú ý không ngâm lâu quá đậu sẽ bị chua. 
  • Đậu đã nở thì đổ ra rổ, rửa lại bằng nước và xóc cho ráo.
  • Bỏ đậu vào máy xay sinh tố làm 2-3 lượt. Vì số đậu nhiều không nên xay cùng một lúc sẽ làm máy hoạt động mạnh cũng như khó xay nhuyễn được hết đậu. Đổ nước xâm xấp mặt đậu rồi xay cho thật nhuyễn mịn. Sau đó cho thêm nước và xay lại một 10-15 giây.
  • Đổ hỗn hợp đậu và nước vào nồi đã lót sẵn khăn và rây lọc cho hết một lượt lọc. Túm đầu khăn lọc thành túi để nước đậu chảy ra, trong quá trình đó dùng tay bóp bên ngoài túi để đậu ra được hết nước. Làm như vậy cho đến khi hết hỗn hợp.
  • Để nước đậu được mịn, sau khi lọc xong có thể lọc lại một lần nữa.
  • Bắc nồi nước đậu lên bếp, bật bếp đun nước đậu cho chín. Trong quá trình đun thường xuyên dùng muôi khuấy nồi nước để tránh đậu lắng dưới đáy nồi bị cháy khê, và tránh tạo váng đậu trên mặt.
  • Sau khi nước đậu sôi thì hạ thật nhỏ lửa.
  • Trong chén nước lọc, cho 4 thìa canh dấm và 1 thìa cà phê muối vào khuấy đều.
  • Đổ hỗn hợp dấm muối vào nồi nước đậu trên bếp, tiếp tục đun bếp nhỏ lửa thêm một xíu mới tắt bếp. Axit trong dấm là nguyên nhân tạo kết tủa trong nước đậu để làm ra đậu, và để tạo kết tủa này, nhiệt độ nước đậu phải đủ từ 70-80 độ C. Vì thế sau khi cho dấm cần tiếp tục giữ nóng nồi sữa. Trong thời gian chờ kết tủa nếu thấy kết tủa chậm có thể để nồi lên bếp đun lại cho nóng đến nhiệt độ cần thiết. 
Nồi nước đậu đã có kết tủa
  • Chờ khoảng 15 - 20 phút, kết tủa đậu và nước sẽ tách hẳn nhau ra. Nước trong nồi sẽ màu vàng trong, không còn màu trắng nữa.
  • Trong lúc chờ đậu kết tủa thì chuẩn bị khuôn.
Dụng cụ ép đậu

  • Để khuôn đậu vào khay để nước không rơi ra khi ép
  • Lót miếng gỗ vào đáy khuôn,  khăn vào khuôn như hình. Rồi dùng muôi lỗ vớt kết tủa đậu vào khuôn. 
  • Sau khi vớt hết đậu trong nồi vào các khuôn, gấp khăn trong khuôn lại phủ kín đậu. Đậy nắp khuôn và dùng vật nặng đè lên nắp để ép đậu.
  • Từ lúc chờ kết tủa cho đến lúc ép đậu, đậu vẫn phải nóng. Nhiệt độ sẽ khiến có các kết tủa đậu gắn kết vào nhau để miếng đậu được chắc và mịn. Nếu không, đậu sẽ không kết lại thành miếng được và sẽ bị bở tơi.
  • Sau khi ép khoảng 10-15 phút thì gỡ khuôn ra. Khuôn nhỏ thì thời gian ép sẽ nhanh hơn khuôn to.
Miếng đậu khi đã tháo khuôn, vẫn còn khăn ở ngoài
  • Nhẹ nhàng gỡ bỏ lớp vải bên ngoài miếng đậu. Thế là được miếng đậu thành phẩm.
Đậu thành phẩm - lần đầu làm không được đẹp lắm cần rút kinh nghiệm
____________________________________________________________________________________

Ă N   T H Ô I

Đậu làm xong rồi, chén thôi, chiên, nấu canh, sốt chua ngọt, làm gì cũng được. Vì nóng lòng được thử chiến lợi phẩm thì tôi đã dùng cách chế biến rất nhanh là rưới lên đậu một ít xì dầu mà một ít cá bào Katsuo để miếng đậu mang phong cách Nhật Bản. Dù sao thì cái khuôn đậu nhỏ xinh kia cũng là kỉ niệm shopping ở Nhật của tôi.

__________________________________________________________________________________

Tips:
  • Nếu không có khuôn chuyên dụng, có thể sử dụng hộp nhựa hình chữ nhật hoặc vuông, đục lỗ ở đáy để nước chảy ra. 
  • Nếu đã có sẵn sữa đậu nành thì có thể sử dụng luôn sữa đậu nành, đun nóng đến 70-80 độ C rồi cho hỗn hợp dấm vào. Các bước còn lại làm tương tự.
11.6.2015 
Ở nhà của Băng


Vịnh Xuân Đài là vịnh duy nhất ở Phú Yên. Cả vũng hay vịnh thì đều là những vùng nước được bao quanh bởi đảo và núi, nơi sóng yên biển lặng và là nơi trú ngụ của cả tôm cá lẫn dân chài. Ở Phú Yên có nhiều vũng, như Vũng La, Vũng Rô, Vũng Lam...theo tiếng anh thì đều gọi là Bay - Vịnh cả. Nhưng chắc theo tiếng địa phương, cái "vũng" nó nhỏ hơn cái "vịnh" tí xíu.

Vịnh Xuân Đài thuộc huyện Sông Cầu, nằm về phía bắc thành phố Tuy Hòa, rất nổi tiếng với món "ghẹ". Đến Phú Yên, thi thoảng dân du lịch sẽ thấp thoáng nghe đến cái từ "ghẹ sông Cầu". Ở trong vịnh này, người dân phần lớn là nuôi tôm hùm, và cả cá ngựa. Đi men theo con đường uốn quanh vịnh, chúng tôi thấy rất nhiều hộ dân nuôi tôm và tàu bè tấp nập. Tháng 3, trời còn mát và đẹp. Chỉ mong cho những vụ tôm cứ thế mà lớn, cứ thế mà ngon, cho nhân dân năng suất cao.

Một chị bảo tôi, hôm ấy nước cao, phải dùng thuyền ra bè cho tôm ăn. Mọi hôm nước cạn, chị đi bộ ra xa kia được. Mò được nhiều ốc lắm.

Chúng tôi có hỏi thăm vài câu tình hình nuối nấng tôm thế nào, chị kể chúng tôi mỗi cân tôm hùm bán đi được 1tr300k/kg. Nhưng mà tùy loại tôm, tôm to, tôm nhỏ, giống tôm nào. Chị còn gợi ý chúng tôi ghé vào nhà nào mà có tôm chẳng may mới chết, ko bán được cho thương lái thì họ bán giá thấp lắm, vào mua mà ăn, vẫn còn tươi chán. Chả may mấy đứa tôi chẳng đứa nào có tiền, lượn lượn quanh ngắm cảnh chứ ăn sao nổi tôm hùm cái giời ấy.
____________________________________________________________________________________

B Ã I   Ô M

Cứ đi men theo con đường ven biển bao vịnh Xuân Đài, tí tí lại hỏi người dân, chúng tôi cập bến bãi Ôm. Bãi Ôm cũng là một trong những bãi biển đẹp ở Phú Yên, chưa được khai thác du lịch và chắc cũng chẳng được khai thác. Đường vào khá xa và rất gần khu dân chài vũng La nên để vào được bãi Ôm, chúng tôi phải đi qua một bãi rác nhỏ, mà người dân chẳng biết quẳng đi đâu, thôi thì quẳng ra biển.

Tuy nhiên bãi Ôm vẫn đẹp lắm, vẫn có hàng dừa, có cát rất rất mịn, có sóng dạt dào và có mỏm đá diệu kì.
Nước rút rất êm, cát rất mịn

Bãi Ôm có những màn nước rất đẹp xô vào bờ và rút êm ru
Vách đá nhỏ có sóng đánh nhìn hay hay - trên đá có khá nhiều dê được chăn thả
Bãi Ôm nhỏ, phóng một tầm mắt là hết bãi, cũng giống như bãi Môn ở Mũi Điện vậy. Tuy nhiên ngay giữa bãi có một dòng chảy xa bờ rất rõ, nếu tắm phải tránh xa vùng này để tránh bị đưa ra xa.

Hướng dẫn đi: Từ trung tâm tx.Sông Cầu đi theo quốc lộ 1A độ 3-4 km dọc theo bờ biển, sẽ gặp một ngã rẽ bên tay phải, đường nhỏ. Con đường này sẽ men theo vịnh, đi dọc theo nó sẽ bắt gặp rất nhiều cảnh vịnh đẹp và cảnh sinh hoạt của ngư dân. Cứ đi thẳng theo con đường và hỏi người dân họ sẽ chỉ ra Bãi Ôm và Vũng La. Rất đẹp.
___________________________________________________________________________________

B Ã I   T Ừ   N H A M

Từ Bãi Ôm, chúng tôi không trở lại con đường cũ ven Vịnh Xuân Đài mà hỏi đường rẽ sang Từ Nham. Theo bản đồ, chúng tôi thấy có một bãi cát dài tên là Từ Nham, rất lớn, lớn hơn tất thảy những bãi biển có trên bản đồ của Phú Yên. Vậy mà trước khi đi, tôi không hề tìm thấy một thông tin hay bức ảnh nào trên Google về bãi biển này.

Bãi Ôm và Bãi Từ Nham trên bản đồ Vịnh Xuân Đài
Cảnh trên đường
Đến Từ Nham, chúng tôi hỏi người dân ở đây mới biết họ có hai bãi Từ Nham, bãi Trước và bãi Sau. Cứ đi thẳng miết vào Từ Nham, qua nhiều trường học, trung tâm văn hóa, qua chợ và đến một cái chùa, chúng tôi mất phương hướng không biết rẽ đường nào. Đi theo lời hỏi thăm, chúng tôi đi qua một trường học cấp bốn THCS Lê Thánh Tông, nằm bên cạnh một bãi rác lớn và một bãi mồ mả, mới ra được bãi người địa phương gọi là Bãi Từ Nham trước.

B Ã I   T Ừ   N H A M   T R Ư Ớ C
Bò, rác, mồ mả và trường học trong cùng một quần thể
Nếu bỏ qua những gì đã thấy trên đường ra bãi, thì bãi trước này khá đẹp và khác hẳn những bãi biển khác mà chúng tôi đã đến ở Phú Yên. Bãi trước rất nhỏ, không có bãi cát, mà là bãi đá. Rất nhiều đá và rong biển dạt vào đây. Bên trên bờ, thay vì cát trắng mịn màng là những mảnh đá san hô nhiều hình dạng khác nhau, nóng bỏng dưới trời nắng gắt. Chúng tôi mỗi đứa một tay, lựa lựa chọn chọn một vài mẩu san hô đẹp về làm kỉ niệm.

Từ trong bờ nhìn ra
Chủ yếu ở đây là bãi đá
Trên bờ chủ yếu là san hô đã chết trôi vào bờ

B Ã I  T Ừ   N H A M   T R Ư Ớ C  -  B Ã I  R Á C  - B Ã I  T H A M  M A -  T R Ư Ờ N G  H Ọ C

Chúng tôi ghé thăm bãi Từ nham giữa cái nắng tháng 3 và vào lúc mặt trời chói chang nhất khiến không ai là không cảm thấy mệt mỏi. Đi từ bãi Từ Nham trước trở ra chợ, chúng tôi định bụng ngồi uống ly nước mía cho lại sức, mà nhìn chiếc máy vắt mía ruồi bâu nắng cháy tôi chẳng dám uống, lại chẳng có chỗ ngồi. Ra đến rìa rìa Từ Nham chúng tôi ngồi uống nước buôn chuyện ở một quán nước nhỏ, ngay trước cổng một trường tiều học. Lũ trẻ nhân giờ lao động, thấy có người lạ, lại có bạn tôi là người nước ngoài, xúm xít đứng quanh nhìn nhìn và xem xem, vì lần đầu tiên trong đời chúng được tiếp xúc với người ngoại quốc. 

Vẫn bức xúc với những gì vừa nhìn thấy, chúng tôi hỏi thăm anh chị quán nước tại sao trường học của trẻ con lại học ở bên cạnh bãi rác và bãi tham ma. Môi trường ô nhiễm như vậy nuôi bò bò còn khó sống chứ học sinh học làm sao nổi. Chị liến thoắng bảo chúng tôi mới chỉ nhìn thấy cái bãi ấy mùa khô, trời nắng, mới chỉ được thưởng thức cái mùi hôi thiu của bãi rác do nắng bốc lên thôi. Đến mùa mưa, nước biển dâng cao, toàn bộ mồ mả và bãi rác ấy còn chìm trong nước, trẻ con đi học chẳng đến nổi trường, có đứa phải được bố mẹ cõng đến lớp. Tôi bất giác nhớ lại khoảnh khắc đi ngang qua bãi rác và căn nhà cấp bốn vừa rồi. Mới đầu, tôi đã không nhận ra đó là trường học, để lúc trở ra đi qua ấy, nghe những tiếng ồn ào, véo von, nghịch ngợm của những đứa trẻ phát ra từ bức tường vàng và cửa sổ xanh, tôi mới quay lại nhìn chính xác cái tên trường THCS Lê Thánh Tông. Cái tên Từ Nham được viết vào cuốn sổ tay của người bạn đồng hành của chúng tôi - để đánh dấu cho một địa điểm cần liệt vào danh sách "cần để mắt" cho các dự án tình nguyện mà chị đang làm tại Phú Yên. Chị vợ bán nước nhiệt tình kể lại cái sự ô nhiễm và còn hẹn nếu cần chị quay video gửi cho chúng tôi xem, mùa mưa sắp đến, họ lại sắp "được" ngập trong rác. Trong đầu tôi cứ văng vẳng tiếng ồn ào của lũ trẻ, và câu hỏi, rác thải ở những khu vực xa xôi như thế này được xử lí như thế nào? Bãi Từ Nham trước là bãi duy nhất thông ra biển của cái xóm nhỏ này, vì thế người dân lấy cái bãi cát thành mồ mả, và cũng lấy cái bãi cát thành bãi rác, vì đơn giản nghĩ rằng vứt rác ra gần biển, rồi nó sẽ trôi đi thôi, miễn ra vứt ra khỏi nhà mình. Cả tôi và xế của tôi cùng nghĩ rằng, nếu như họ không đổ rác ra cái bãi ấy, thì họ cũng sẽ chọn một cái bãi khác ở quanh đấy, để vứt rác, và nó cứ ở đấy, ngày một đầy, ngày một nhiều, miễn là rác không ở trong nhà họ. 

____________________________________________________________________________________

B Ã I   T Ừ  N H A M  S A U

Trở ra từ trung tâm Từ Nham, chúng tôi đi theo chỉ dẫn của người dân địa phương để ra bãi Từ Nham sau. Thực sự đôi khi hỏi đường mà chúng tôi thậm chí không hiểu họ nói gì, vì giọng địa phương ở đây rất nặng. Đi cùng tôi có một "local" mà cũng nhiều khi bó tay chẳng biết họ chỉ đi như nào. 
Cách đi: 
Từ trung tâm Từ Nham thì đi ra lối cũ, thấy bên phải có đường rẽ thì rẽ phải, sẽ thấy biển chỉ dẫn QL1A cách 10km.Còn nếu đi từ phía bãi Ôm lại thì là rẽ phải, còn đi từ Quốc Lộ 1A vào thì bãi Từ Nham chỉ cách QL có 10km.
Từ đưởng rẽ trong Từ Nham, đi qua một cái cầu trắng mới xây (tôi không nhớ chừng bao nhiêu km), sẽ thấy một lối mòn bên tay phải (phía bờ biển). Lối mòn này rất nhỏ, chỉ vừa một xe máy đi, là lối ra bãi Từ Nham sau. Lúc mới vào chúng tôi hoài nghi phải chăng chúng tôi đi nhầm, vì lối đi rất bé, qua 1-2 cái nhà dân, một cái vườn dưa hấu, cây và bụi, chẳng có dấu hiệu gì của một nơi có bãi biển đệp cả. May sao đã đâm lao thì theo lao, chúng tôi đi đến hết đường, thì thấy lỗi mòn ấy mở ra một bãi biển rất rộng và dài.

Ảnh chụp trên đường cái, nhìn xuống bãi biển để tìm bãi Từ Nham sau
Dưa hấu Từ Nham
Bãi Từ Nham sau là một bãi biển rất dài, phóng tầm mắt rất xa. Chúng tôi không đi hết được bãi vì nó dài quá, áng chừng cũng phải từ 400-500m bãi cát. Từ lối đi dẫn vào bãi cũng là một dòng nước ngọt chảy ra biển. Bãi bên trái có rất nhiều các mỏm đá nhô ra, chia bãi Từ Nham sau ra thành nhiều đoạn nhỏ riêng biệt. Chúng tôi thấy có một cái chòi nhỏ không có người, và một  đống nắp vỏ chai được vun lại thành đống, chứng tỏ ở đây cũng có ai đó tự phát làm dịch vụ nước nôi ở đây. Ngoài ra, những mảnh vỏ ngao, củi cháy cũng không khó đoán có nhiều người ra đây picnic. Biển xanh, cát trắng, những tảng đá đôi khi lại làm thành bóng râm, rất thích hợp cho một buổi dã ngoại năng động.

Góc bên phải bãi Từ Nham sau
Góc bên trái, có nhiều đá to lấn ra biển
Sóng ở đây rất to, bãi cát cũng rất dài
Nước biển rất xanh, đứng trên mỏm đá phóng ra xa sẽ nhìn thấy nhiều sắc độ của màu xanh
Nước lên cao, sóng to, để đi dọc bãi biển phải trèo qua đá, rất thú vị
Sóng to đập vào đá tạo ra bụi nước mờ ảo

All post and photos by NK. Được tạo bởi Blogger.

Popular Posts