Tình cờ và bất ngờ, tôi lại trở lại Trung Quốc lần thứ 2 trong năm, chỉ vì Vietnam Airline mở bán vé máy bay khuyến mại đi Thành Đô (Chengdu) vào tháng tám. Năm ngoái, chúng tôi đã bị tuột mất chuyến đi này, mặc dù vé đã đặt, plan đã lên, nhưng căng thẳng biển đông đã khách quan hủy tất cả chuyến bay thẳng đi Thành Đô thời điểm đó. Ấp ủ được một lần tới chốn mọi người vẫn gọi là “Paradise on earth – thiên đường hạ giới” từ vài năm rồi, đến một ngày đùng một cái đứa bạn giục giã đặt vé đi. Thế là đi. 
Chuyến này chúng tôi đi không giống lịch trình bất kì ai mà tôi đã từng ngâm cứu, vì ngoài Cửu Trại Câu và Hoàng Long ở Tứ Xuyên, chúng tôi còn bắt xe đi một chặng rất dài lên tận Trương Dịch, Cam Túc để được một lần nhìn thấy Núi Cầu Vồng tại công viên địa chất Trương Dịch. Hai nơi này không liên quan nhau mấy vì khoảng cách xa xôi 800km, và việc ngồi trên xe 12 tiếng để đến nơi tham quan chụp ảnh 3 tiếng rồi đi về 12 tiếng thì cực kì vất vả. Vì vậy đối với một chuyến đi, mỗi người có một mục tiêu riêng, việc lên kế hoạch đi đâu và làm gì nên linh hoạt để có chuyến đi thỏa mãn nhất. Nếu bạn chỉ muốn đi Cửu Trại Câu và ngắm những hồ nước trong vắt đủ màu, thì hãy cắt bớt lịch trình đi, và có thể thử nhiều hơn những món ngon của Tứ Xuyên hay xem múa Đối Mặt ở Thành Đô. Chúng tôi không tiêu nhiều tiền vào phần ăn uống và xem múa, một phần vì đồ Tứ Xuyên không phải dễ ăn, một phần vì chúng tôi đặt sự quan tâm hàng đầu vào “cảnh”.
_____________________________________________________________________________________

L Ị C H   T R Ì N H 
(từ ngày 30/10/2015 – 8/11/2015)
Dưới đây là lịch trình cả chuyến đi trong 10 ngày với các địa điểm chính là: 2 ngày tham quan khu bảo tồn Cửu Trại Câu (Tứ Xuyên), 1 ngày tham quan núi cầu vồng Trương Dịch (Cam Túc), 1 ngày tham quan núi Hoàng Long (Tứ Xuyên) và 1 ngày nghỉ ngơi mua sắm ở Thành Đô (Tứ Xuyên) trước khi bay về. Số ngày còn lại giành cho việc di chuyển.

Ngày 1 – T6 – 30/10/2015: Hà Nội – Thành Đô (Bay Vietnam Airline)
Ngày 2 – T7 – 31/10/2015: Thành Đô – Cửu Trại Câu (bus)
Ngày 3 – CN – 1/11/2015: Tham quan Cửu Trại Câu – Tối ngủ ở làng Tạng
Ngày 4 – T2 – 2/11/2015: Tham quan Cửu Trại Câu ngày 2
Ngày 5 – T3 – 3/11/2015: Cửu Trại Câu – Lanzhou – Zhangye (Bus + tàu)
Ngày 6 – T4 – 4/11/2015: Zhangye – Danxia ( tham quan núi Cầu Vồng) – Zhangye – Lanzhou (bus + tàu)
Ngày 7 – T5 – 5/11/2015: Lanzhou – Cửu Trại Câu (bus)
Ngày 8 – T6 – 6/11/2015: Cửu Trại Câu – Hoàng Long (tham quan núi Hoàng Long) – Songpan (hết vé bus, thuê xe riêng)
Ngày 9 – T7 – 7/11/2015: Songpan – Thành Đô (bus)
Ngày 10 – CN – 8/11/2015: Thành Đô – Hà Nội


Nếu eo hẹp về mặt thời gian và tài chính, cũng như mục đích chỉ là những ao hồ trong vắt đủ màu thì các bạn có thể cắt ngày thứ 5,6,7 trong lịch trình và nhảy sang ngày thứ 8 luôn vẫn khớp
____________________________________________________________________________________

C H I   P H Í

Phải nhắc lại rằng chi phí của mỗi chuyến đi phụ thuộc rất nhiều vào người đi. Có những người sẵn sàng tiêu nhiều tiền để có một chỗ ở sang trọng, thử đủ các loại đặc sản trong vùng nhưng cũng có những người ko quá quan trọng điều ấy. Nhịn ăn nhịn ở một chút để có tiền nhìn, ngắm, mua, chơi những cái khác. Chi phí của chúng tôi phải gọi là RẤT tiết kiệm, một phần vì trước khi đi đã tính các phương án rẻ nhất, và một phần vì toàn con gái nên chuyên ăn cũng không chiếm nhiều lắm. Việc 2 bữa ăn mì gói để một bữa cơm rau thịt cá là hoàn toàn bình thường. ( mặc dù đến ngày cuối cùng đi shopping thì tiêu tiền không nghĩ J) )
Vé máy bay: 4.200.000/người đã bao gồm thuế phí của Vietnamairlines  mua đợt khuyến mại. Thường VNA mở bán vé đi Thành Đô (CTU) vào tháng 3 và tháng 8 hàng năm (hoặc có thể nhiều hơn). Chúng tôi mất 3 ngày để canh, mỗi ngày book được một vé để đi cùng nhau. Việc mua được vé máy bay rẻ ảnh hưởng rất nhiều đến chi phí chuyến đi
Phí visa: 70$
Chi tiêu ở Trung Quốc: 2300 CNY tương đương 8tr500k (không kể tiền mua sắm quà cáp cá nhân)

Tổng chi phí cứng cho chuyến đi, bao gồm vé máy bay, visa, ăn, ở và đi lại cho chuyến 9 ngày kể trên khoảng 14 triệu. Với chi phí này, duy nhất chỉ có một lần bay chặng HAN – CTU, còn lại chúng tôi hoàn toàn sử dụng xe bus công cộng, tàu ghế cứng và các phương tiện công cộng giá rẻ khác. Ăn uống không đáng kể lắm vì khá rẻ, trước khi đi chúng tôi dự tính 60 Tệ/người/ngày tiền ăn nhưng hầu như không tiêu hết con số ấy.
_____________________________________________________________________________________

CHỖ Ở - TIP ĐỂ CÓ PHÒNG GIÁ RẺ MÀ VẪN SANG CHẢNH

1. Đặt online: Đối với những người đi Trung Quốc không nói được tiếng bản địa thì việc đặt trước khách sạn là nhất thiết nên. Các bạn có thể đặt phòng với giá khá hợp lí trên các trang agoda.com, booking.com, hostelworld.com….Tôi thường đặt phòng của www.booking.com vì site này không yêu cầu thanh toán luôn, tiền phòng sẽ trả tại khách sạn và được free hủy phòng đến sát ngày đặt. Đại loại không cần phải dùng thẻ gì cả, chỉ nhập thẻ để bảo đảm thôi, nên thẻ không có tiến cũng không sao.
Ở Thành Đô, hai lần chúng tôi đều ở Chengdu Dream Travel International Hostel. Hostel này quá quen thuộc cho những ai đi Thành Đô vì giá khá hợp lí và vị trí siêu thuận lợi, ngay đối diện cổng của Vũ Hầu và cách cổng phố cổ Cẩm Lý có 5 phút đi bộ.

2. Tìm khách sạn ở bến xe: Toàn bộ nhà nghỉ trong các ngày còn lại, chúng tôi không đặt trước. Ở những khu vực có nhiều điểm du lịch ở Trung Quốc có đặc điểm là xe khách vừa cập bến, có rất nhiều người làm dịch vụ xe cộ và ăn ở sẽ chờ bạn để mời bạn sử dụng dịch vụ của họ (nói thẳng ra là “cò” nhà nghỉ, tour các kiểu ấy). Chúng tôi đã có kinh nghiệm này khi đi Lệ Giang đầu năm nay, nên áp dụng nó cho chuyến này, miễn là bạn hiểu tiếng Trung họ nói gì, hoặc không hiểu thì cố mà hiểu. Những người này sẽ cầm theo ảnh chụp phòng khách sạn, giơ cho bạn xem và rao giá. Thường thì giá rẻ hơn nhiều so với những nhà nghỉ có thể tìm thấy trên mạng, vì những nhà nghỉ này của người dân địa phương không có nhiều điều kiện sử dụng dịch vụ đặt phòng. Ngoài ra chúng tôi có thể mặc cả thoải mái. Ở Cửu Trại Câu, bà chủ người Tạng mời chúng tôi ở nhà bà với giá 150 Tệ/phòng rồi xuống dần dần còn 110 Tệ/phòng cho ba người. Thực với giá ấy, bạn chỉ có thể ở dorm nhiều người, dùng chung nhà tắm và nhà vệ sinh nếu đặt online. Còn ở đây, chúng tôi có một phòng hai giường đôi sạch đẹp, ghế salon đệm nhung, nước nóng dùng mãi không hết, giường nào cũng có đệm sưởi và đặc biệt chủ nhà sẵn sang đưa đón chúng tôi đi và về khu bảo tồn.
Chúng tôi sử dụng cách này ở hầu hết các điểm, tuy nhiên nếu bạn đi vào đợt cao điểm nhất Cửu Trại Câu, không chắc nó có tác dụng vì có thể hết phòng

Phòng 110 Tệ cho 3 người đầy đủ tiện nghi
____________________________________________________________________________________

C H U Ẩ N    B Ị    T R Ư Ớ C    K H I    Đ I

1. Xin Visa: lần nào đi Trung Quốc cũng làm dịch vụ cho nhanh, mà tỉ lệ đậu dễ dàng. Visa Trung Quốc loại đi một lần phí là 70$, làm dịch vụ thêm có 5$ mà nhàn, sau một tuần sẽ có. Visa loại này chỉ được lưu trú ở Trung Quốc tối đa 15 ngày. Tính ra mỗi ngày phải mất 5$ để được ở đất Tàu, thật đắt đỏ.
Contact: Chị Hà 0912573357 – 43 Hàng Cót.

2. Thẻ sinh viên Quốc tê: hay còn gọi là thẻ sinh viên thần thánh, thẻ sinh viên kì diệu, vì nhờ có nó mà chuyến đi tiết kiệm được rất rất nhiều tiền. Nếu bạn đang là sinh viên trường Quốc Tế và có sẵn cái thẻ này thì khỏi phải làm, còn không thì hãy làm đi vì nhớ nó mà vé vào các điểm tham quan được giảm gần một nửa. Cho dù không phải sinh viên thì cũng vẫn làm được, chỉ cần file ảnh thẻ nền trắng, thông tin cá nhân và 100k là có nó (tất nhiên là fake rồi). Nếu làm đông người có thể giá sẽ rẻ hơn.
Thẻ này sẽ cho bạn giả làm sinh viên trong thời gian 4 -5 năm, nếu như bạn có dự định đi đâu ở Trung Quốc hay các nước khác có thể sử dụng thẻ trong thời gian tới thì nên yêu cầu làm thời hạn thẻ xa xa một chút.
Contact: Thy -  01659 295 316 - lethythi@gmail.com (Hà Nội)

3. Bảo hiểm du lịch: Người Việt Nam đi du lịch không có thói quen mua bảo hiểm, đặc biệt là đối với những người đi du lịch bụi thì ít khi mua để giảm chi phí. Mọi lần chúng tôi đi cũng không hay mua bảo hiểm, tuy nhiên tùy từng khu vực đến mà cân nhắc về vấn đề này. Giả như đi leo núi hay du lịch mạo hiểm, thì NÊN mua. Lần này đến Tứ Xuyên và đi Cửu Trại Câu đường đèo có phần trắc trở, cộng với đây là khu vực đã từng có động đất rất lớn nên chúng tôi đã mua bảo hiểm của AIG để đề phòng. Còn nếu không muốn, các bạn có thể miễn phần này.

4. Đồ ăn khô Việt Nam: Đây là vị cứu tinh của cả chuyến đi cho hai người bạn của tôi. Thức ăn Trung Quốc phải nói là ngon, nhưng nếu không quen thì sẽ là một vấn đề lớn. Tứ Xuyên nổi tiếng với đồ ăn cay nên tốt nhất những ai khảnh ăn thì nên chuẩn bị ruốc thịt, ruốc nấm hay bánh trái Việt để tồn tại.

5. Quần áo ấm: Thời tiết trong ngày có sự thay đổi khá lớn. Sáng sớm và đêm rất lạnh, nhưng đến trưa trời nắng gắt lại chỉ muốn cởi bỏ hết các lớp áo. Vì thế cần cân nhắc mặc nhiều lớp để làm sao vừa chịu được lạnh mà vừa giải quyết được lúc nóng.
Có thể mang theo miếng dán giữ nhiệt làm ấm cơ thế với những ai không chịu được lạnh, vì ban đêm ở đây nhiệt độ có thể xuống âm độ và núi Hoàng Long đã có tuyết rơi.

6. Các phần mềm vào facebook/google cho điện thoại: Hầu hết tất cả các nhà nghỉ, kể cả nơi công cộng ở Trung Quốc đều có wifi free. Có khi đứng ngoài cổng Cửu Trại Câu vẫn có wifi phủ sóng rất rộng. Tuy nhiên mạng ở Trung Quốc có như không có, vì họ chặn phần lớn các mạng xã hội Facebook, Google, Youtube, Istagram…điện thoại của tôi dùng android mọi phần mềm đều sync với Google nên hầu như chẳng vào được gì. Trung Quốc có trang tìm kiếm riêng là www.baidu.com giống như google, tuy nhiên các kết quả tìm được cũng chỉ nội địa thôi và phần lớn là tiếng Trung. Vì vậy, trước khi đi nên ở nhà tải và cài đặt mọi thông tin, phần mềm, trang web cần thiết. Để vào facebook và google, các bạn có thể dùng các phần mềm như ultra surf, vpn, hotspot shield….

7. In cách viết và cách đọc một số từ (nếu không biết tiếng Trung):  đặc biệt là tên các địa danh, tên món ăn, các nhu yếu phẩm cần mua. Người dân họ không đọc được phiên âm, hoặc là cho họ xem hình ảnh, hoặc là cho họ xem chữ Hán. Cái này nên chuẩn bị cả một list các tên, cách viết chữ Hán, phiên âm, cách đọc rồi in ra mang theo người. Nếu dùng smartphone, có thể lưu lại file trong điện thoại. Tốt nhất nên có người nói nghe đọc được tiếng Trung đi cùng đoàn thì sẽ dễ dàng hơn
___________________________________________________________________________________

M Ộ T   S Ố   L Ư U    Ý   K H I    Ở   T R U N G   Q U Ố C

1. Đồ ăn Tứ Xuyên:  Tứ Xuyên nổi tiếng với lẩu và đồ ăn siêu cay. Đối với những ai kén ăn và không ăn được cay thì việc gọi thức ăn cần phải rất cẩn thận. Người Trung Quốc nấu ăn món nào cũng nhiều dầu mỡ và ớt, đặc biệt ở Tứ Xuyên hay sử dụng một loại hạt họ mắc khén cho tất cả các món ăn, hạt này gây tê lưỡi và khiến vị giác khó tả (tôi cảm thấy ăn mọi thứ vào bị lợ lợ và buồn nôn). Có lần chúng tôi đã yêu cầu nhà bếp nấu cơm không cay, không hành, không dầu mỡ...nhưng họ vẫn xào nấm thịt với hạt ấy và cả lũ bỏ nguyên vì hai đứa đi cùng tôi kén ăn, tôi thì cũng không mặn mà với cái vị ấy lắm vì quả thực không thấy ngon. Còn lại các thức ăn khác thì siêu cay do nhiều ớt nên rất nóng. Vì vậy ăn uống cần bổ sung nhiều rau quả cho người cân bằng. 

2. Nhà vệ sinh: Nỗi kinh hoàng mỗi lần đi Trung Quốc là đây. Do văn hóa, người Trung Quốc vẫn thích dùng xí xổm hơn là xí bệt (ko hiểu sao), nên đa số các nhà vệ sinh ở đây là xí xổm, chỉ trừ nhà nghỉ ở khu du lịch hoặc nhà hàng sang chảnh. Ngay ở hostel ở Thành Đô, khu vệ sinh cũng có hai loại là "Chinese toilet" và "Western toilet" - đương nhiên chúng tôi dùng Western Toilet. Còn ở những nơi công cộng như nhà ga, bến xe, bến dừng nghỉ, các cửa hàng ăn...đều là xí xổm và luôn luôn có thứ mùi rất dễ tả không bao giờ hết. Ở những nhà ga lớn thì còn có phần sạch sẽ (nhưng vẫn mùi), còn nếu chẳng may buồn vệ sinh ở giữa chặng và phải vào những điểm dừng nghỉ thì thôi không dám miêu tả luôn. 
Đa số các nhà vệ sinh công cộng đều thu phí 1 - 2 Tệ/người. Và phần lớn là không có giấy vệ sinh, phải tự chuẩn bị. 

3. Nhớ cầm theo 1 cuộn giấy vệ sinh (ko lõi) đế đi đâu cũng có để dùng. WC công cộng ở đây ko có giấy và phải mua gói giấy ăn bé bé.

 _____________________________________________________________________________________

P H Ư Ơ N G   T I Ệ N   Đ I   L Ạ I


1. Từ Sân bay về trung tâm Thành Đô
- Shuttle bus (recommend): Nếu như bạn đặt chỗ nghỉ ở Dream travel youth hostel hoặc các nhà nghỉ ở khu vực đường Vũ Hầu thì tiết kiệm và nhanh nhất là mua vé Shuttle Bus. Xe sẽ dừng ở cổng to Vũ Hầu, ngay đối diện Dream travel hostel luôn và giá chỉ 10 Tệ/người. Quầy mua vé Shuttle bus nằm ở ngoài cửa ra của sân bay, tên là Chengdu Express màu vàng chóe.
- Taxi: Taxi về trung tâm có giá khoảng 50 -60 Tệ. 
- Xe khách sạn: Các khách sạn cũng sẽ đón khách. Tuy nhiên giá cước tính theo chuyến, 80 Tệ/chuyến chia đều cho số khách. Vì thế đi càng đông càng rẻ. Tùy khách sạn có dịch vụ đón sân bay với giá khác nhau (gọi hoặc email để hỏi)

2. Đi lại nội thành
- Xe buýt công cộng: Trong lịch trình này, chỉ Thành Đô (Chengdu), Lan Châu (Lanzhou) và Trương Dịch (Zhangye) là có xe buýt công cộng. Tùy tỉnh thành mà giá xe buýt là 2 Tệ, 1.5 Tệ và 1 Tệ. Xe buýt ở đây không có phụ xe, chỉ có lái xe và khi lên xe sẽ thấy cái hộp tiền ở ngay cạnh lái xe, ghi số tiền phí, khi lên thì nhét tiền vào đó. Bạn phải chuẩn bị tiền lẻ vì không ai trả lại tiền thừa đâu, hoặc nếu không có tiền lẻ phải chấp nhận mất số tiền thừa. (Trung Quốc còn kém xa Nhật ở khoản này, vì bus của Nhật tự động trả tiền thừa)
- Taxi: Taxi ở Trung Quốc khá rẻ. Giá mở cửa là 8 Tệ và nếu đi loanh quanh không xa lắm thì rất rẻ. Chúng tôi đi từ Hostel ở Vũ Hầu đến trung tâm mua sắm ở Quảng Trường Thiên Phủ có 15-16 Tệ hoặc ra bến xe đi CTC là 11 Tệ. Ở Trung Quốc rất khắt khe số người được phép chở trong xe, taxi 4 chỗ sẽ không nhận thêm người nếu bạn chỉ dư có một người. 
Ngoài ra taxi ở đây cũng có thể thỏa thuận giá. Đặc biệt ở các bến xe, tàu có thể tìm thấy những xe taxi trả giá. Kiểu này có thể áp dụng đối với những chặng đi xa xa, không ước lượng được số tiền, thì cứ hỏi lái xe tao đi từ bến xe A sang bến xe B bao nhiêu tiền, rồi mặc cả đến khi nào hai bên cùng xuôi thì đi. 

3. Di chuyển xa
Việc di chuyển từ Thành Đô đi Cửu Trại Câu, từ Cửu Trại Câu đi Hoàng Long, Trương Dịch sẽ viết rõ cụ thể trong từng bài. Mọi review cũng như chi tiết chuyến đi từng nơi cũng sẽ có trong từng bài dưới đây. 
* THÀNH ĐÔ - CỬU TRẠI CÂU
* CỬU TRẠI CÂU - LAN CHÂU - TRƯƠNG DỊCH - NÚI CẦU VỒNG
* CỬU TRẠI CÂU - HOÀNG LONG - SONG PAN
* SONG PAN - THÀNH ĐÔ
_____________________________________________________________________________________
Dựa vào những thông tin trên đây, hi vọng phần nào các bạn có thể tự xây dựng cho mình một lịch trình đi thăm các thắng cảnh phía Tây Trung Quốc một cách hợp lí và trọn vẹn!

Từ Sơn La về Hà Nội, tay xách nách mang, tôi có nguyên cả một thùng carton chỉ đựng đồ ăn. Phần lớn cân nặng là mận, vì mận Sơn La vào mùa. Còn lại toàn là những gia vị đặc trưng Tây Bắc, tôi mang về để dùng dần. Đương nhiên, trong đó không thể thiếu mắc khén. Lần đầu tiên biết đến thứ hạt gia vị thơm lừng này không phải ở Tây Bắc, mà khi tôi ăn hải sản ở Bắc Kinh. Món tôm đất sốt cay, thi thoảng ăn lại vấp phải những hạt nhỏ gây tê tê ở đầu lưỡi, mà không phải ai ăn cũng quen. Về sau này, ăn nhiều món miền núi, tôi mới nhận ra mùi vị này. Mắc khén ở Tây Bắc thường được giã thành bột và tẩm ướp với các món thịt nướng hoặc nấu các món ăn đặc trưng. Ở nhà bạn người dân tộc Thái, món ăn nào gần như cũng thoang thoảng của mắc khén. Đôi lúc tôi cảm thấy mắc khén như là linh hồn của những món ăn người Thái. Món nướng mắc khén, canh cũng có mắc khén, món hầm cũng mắc khén, món chấm cũng mắc khén. Khi hạt đã giã nhỏ, tẩm ướp với thức ăn thì cái tác dụng gây tê tê đầu lưỡi sẽ không còn mạnh mẽ, như khi chẳng may cắn vào nguyên hạt.
Lần này trong tủ gia vị của tôi có một gói mắc khén nguyên hạt khô mua ngoài chợ, mà một gói mắc khén đã giã mà mẹ bạn dồn số mắc khén còn lại trong nhà cho tôi. Quý lắm, thích lắm. Nhân tủ lạnh có nửa con vịt đang chờ ngày nấu, có sẵn mắc khén, tôi làm món ăn thường ngày nhưng có ít biến tấu mang phong vị của người Thái. Phần đầu, cổ và chân mang đi ninh nước cho ngọt, nấu với măng để ăn cùng bún. Phần thịt thà mượt mà đem ướp mắc khén, muối, tiêu rồi nướng lò. Thế là đủ cho một bữa trưa ngon lành.
_________________________________________________________________________________

B Ú N   M Ă N G   V Ị T   N Ư Ớ N G   M Ắ C   K H É N


| Nguyên liệu | - Cho 3 người ăn

Phần vịt nướng
  • Một ít gừng và rượu trắng
  • 1/2 con vịt (bao gồm cả đầu và cổ)
  • 1 tablespoon mắc khén giã
  • 1 teaspoon hạt tiêu
  • 2 teaspoon bột canh/hạt nêm
  • 1 1/2 tablespoon hạt vừng 
Phần canh măng
  • 300 gram măng đã xé
  • 1 - 2 củ hành tím
  • Vài cọng hành lá
  • Rau húng ăn kèm
  • Bột nêm và gia vị
  • Bún ăn với canh măng
_________________________________________________________________________________

| Cách làm |

Vịt nướng 
  • Dùng rượu hòa với một ít gừng giã nhỏ. Dùng rượu gừng xát khắp miếng vịt để khử mùi hôi của thịt vịt. Chặt riêng phần đầu, cổ, chân để riêng. 
  • Phần mình con vịt để nguyên rồi ướp với các gia vị mắc khén, hạt tiêu, bột canh/hạt nêm. Dùng tay xoa đều các gia vị trên miếng vịt cả trong lẫn ngoài.
  • Ướp thịt trước khi nướng ít nhất một tiếng. Để qua đêm càng tốt. Đối với các món thịt ướp mắc khén, tốt nhất chỉ nên ướp cùng tiêu và muối. Nếu thích ăn cay có thể thêm bột ớt. Không nên cho thêm nhiều gia vị sẽ làm mất đi mùi vị thơm ngon đặc trưng của mắc khén.
  • Vặn lò lên 200 độ C.
  • Lót giấy bạc hoặc giấy nến lên khay. Đặt miếng vịt đã ướp lên rồi cho vào lò nướng trong vòng 40 - 50 phút.
  • Trong thời gian nướng phải canh lò và thỉnh thoảng lật miếng thịt cho chín vàng hai mặt và không bị cháy.
  • Tada! Vịt nướng ra lò màu vàng ươm hấp dẫn cùng mùi mắc khén thơm lừng
  • Trước khi thịt chín khoảng 5 - 7 phút, lấy khay vịt ra và rắc hạt vừng lên. Cho khay vịt vào nướng tiếp đến khi vừng chín và thơm thì lấy ra.
Note: nếu nướng bằng than, cách ướp tương tự rồi cho vịt vào vỉ nướng kẹp, nướng trên than hồng. 

Canh măng
  • Nếu cổ và đầu vịt chưa đủ để làm nước ngọt, có thể sử dụng thêm khoảng 200 gram xương heo để ninh cùng. Tuy nhiên mình không dùng xương heo vì thấy không cần thiết và cũng không muốn ăn quá nhiều đạm thịt.
  • Trong lúc nướng mình vịt, thì phần đầu và cổ chặt miếng vừa ăn, rồi ướp cùng một ít bột nêm, hành tím băm cho thơm trong 15 phút.
  • Măng đã xé cho vào nồi nước luộc kĩ rồi đổ phần nước đi. (thường mọi người luộc măng trước khi nấu để khử độc măng. Ngoài ra ở ngoài chợ họ cũng đã ngâm măng trong nước, cũng đã khử được rồi. Nhưng mình cứ luộc lại cho chắc ăn).
  • Cho phần vịt vào nồi xào săn rồi cho nước vào đun sôi. Sau khi sôi thi vặn lửa nhỏ liu riu cho vịt chín mềm và ra hết phần ngọt vào nước.
  • Khi vịt đã đạt yêu cầu, cho măng vào nồi vịt, đun khoảng 5 - 6 phút rồi nêm gia vị nồi canh cho vừa ăn.
_________________________________________________________________________________

| Serving |
  • Chan nước dùng vịt và măng vào bát bún, ăn kèm với thịt vịt đã nướng. Rắc hành lá lên trên. 
  • Vịt ăn ngon nhất cùng với rau húng và nước mắm hoặc xì dầu tỏi ớt.


| Tips |
  • Sắp xếp thời gian khi nướng vịt xong nồi canh măng cũng xong là đẹp tròn trịa nhất
  • Khi nướng vịt, vịt ra rất nhiều mỡ. Có thể đổ phần mỡ này vào nồi nước canh măng cho tăng mùi vị.
  • Vịt sẽ ngon hơn nếu được nướng bằng than. Cách ướp thịt tương tự, khi nướng kẹp cả miếng vịt vào vỉ và nướng trên than hồng âm ỉ. Chú ý lật nhiều lần để tránh bị cháy xém. 


Cũng vài năm rồi từ lần gặp Mộc Châu đầu tiên, theo chân các đàn anh đàn chị lên Mộc Châu mùa hoa cải tháng 11. Dấu ấn để lại mới chỉ là cải bạt ngàn và những km ngồi sau xe máy lạnh căm, là tiếng ồn ã của một Mộc Châu phải đón quá nhiều thanh niên thủ đô lên ngắm cải. Cứ ba năm phút lại thấy một đoàn vài chục xe cắm cờ đỏ vụt qua. Nhà trọ nào cũng đầy ắp người, quán ăn nào cũng ồn ã tiếng cười nói. Lần đầu với tôi, Mộc Châu huyên náo như thế. Cánh đồng cải rất đẹp, thực sự choáng ngợp, nhưng lô nhô người là người, từ những tay máy ống ngắn ông dài đến những chị em váy áo diêm dúa kết hoa cải hành vòng chụp ảnh. 
Sau hơn ba năm, tôi trở lại Mộc Châu vỏn vẹn hai mươi tư tiếng đồng hồ. Sáng sớm bắt xe từ Hà Nội, đến Mộc Châu lúc 2h chiều, và cũng giờ ấy ngày hôm sau, chúng tôi rời đi. Có chút gì đó tiếc nuối, nhưng cũng rất thỏa mãn. Bởi nếu lần đầu, tôi được "nhìn" một Mộc Châu tuyệt đẹp thì lần này, tôi đã được "sống" một Mộc Châu đúng nghĩa thanh cảnh và yên bình.
__________________________________________________________________________________________

Nắng rất to.
Tôi và đứa bạn vàng - kẻ rủ rê tôi lên Sơn La những ngày thất nghiệp, ngủ lăn ngủ lóc trên chiếc xe khách 24 chỗ. Thi thoảng mở mắt được vài phút, hình ảnh lọt vào trí óc tôi đầu tiên là những cục bông mây trắng nổi bật trên nền trời xanh ngắt. Cây phủ núi, nương rẫy phủ đồi cũng đang độ xanh rất mát mắt. Tôi mới giật mình nhận ra, đây là lần đầu tiên mình lên Tây Bắc vào mùa hè. Lúc nào chúng tôi cũng chọn mùa thu lúa vàng, mùa đông và xuân hoa mai hoa mận là thời điểm vàng để đến với núi rừng. Mùa hè mưa bão với những dòng nước chảy xiết đục ngầu, với những vụ sạt lở do mưa lũ, chưa bao giờ là thời điểm chúng tôi lựa chọn để xê dịch lên đây. Vậy mà, dưới cái nắng nóng hơn ba mươi gần bốn mươi độ gay gắt, màu xanh mơn mởn của đủ thứ cây cối trời mây đã chính thức hạ gục tôi.
Xe khách dừng, từ đường quốc lộ, chúng tôi bắt taxi đi vào trung tâm Mộc Châu, rồi tiếp tục đi rẽ vào con đường đất nhỏ chừng 7km - 8km, qua những xóm nhỏ và cánh đồng cỏ xanh, để vào nhà một người quen - nơi mà chúng tôi trải qua hai mươi tư giờ đáng giá. Dưới cái nắng chang chang của Mộc Châu lúc 2h chiều, chúng tôi mon men cuốc bộ vào một ngõ nhỏ, tìm đến ngôi nhà gạch hai tầng nhỏ nhắn nằm ngay dưới chân những đồi chè. 
Đâu cũng thấy bạt ngàn cỏ xanh, trời xanh và mây trắng. Đẹp như tranh vẽ.
Ngôi nhà nhỏ, nhưng khuôn viên lại rất rộng. Riêng cái hiên nhà cũng đã đủ rộng để dựng chục cái xe máy. Trên đường mòn nhỏ dẫn vào nhà, cô chú trồng đủ thứ cây: bưởi quả đã to bằng cái bát ăn cơm, thanh long cũng có hoa, cây mận bên hông nhà cũng đã ra đầy quả. Ngay khi vừa đặt chân vào nhà, uống được ngụm nước lấy linh thần, chúng tôi đã tót ra ngoài để tìm "mận" chín. Việc ghé Mộc Châu lần này, chúng tôi có một mục đích cao cả nhất, đó là được tung tăng trong vườn mận sai quả. 
Niềm vui hái được mận của Chi Gà
Vài ba cây mận với bưởi trước nhà mới chỉ là khoảng đất nho nhỏ chúng tôi mới gặp. Vặt được vài quả mận, chụp vài tấm ảnh mây trắng trời xanh chúng tôi chui vào nhà nghỉ ngơi vì quá nắng. Phải nghỉ ngơi để thực hiện phi vụ tiếp theo - đi câu cá. Ngoại trừ việc đi đâu cũng thích vào vườn hái quả, ngắm hoa thì câu cá là một trong những mối quan tâm hàng đầu tiếp theo của tôi. Cứ đâu thấy ao là tôi hỏi cái cần, mặc dù có tí kinh nghiệm nào đâu. Nhưng cái cảm giác thả cần xuống nước, chả biết có gì bên dưới, rồi hồi hộp chờ chờ, kéo lên được con cá, thích thế. Cũng được cái tôi có tính kiên nhẫn cao, ngồi không hàng giờ chỉ ngắm con bọ nó bay qua bay lại cũng được, nên bộ môn câu cá khá thích hợp với tôi. Ngờ đâu ngôi nhà tôi đang ở Mộc Châu đây, có hai cái ao cá rất to ở dưới con dốc sau nhà, mà nghe giới thiệu thì mọi người rất hay qua câu, cá đớp liên hồi.
Chú cá nho nhỏ của Chi Gà
Sau vụ câu cá này, tôi và đứa bạn vàng mới công nhận với nhau hai đứa không có vía câu. Cứ đi đâu trực tiếp câu hay xem mọi người câu cá, đều thu hoạch rất tệ. Cho dù ở những cái ao bình thường có rất nhiều cá. Và lần này, cả vụ tôi câu được có ba con cá trung trung, bạn câu được toàn cá rô phi nhỏ bằng hai ngón tay. Chú ngày nào cũng ngồi câu còn thốt lên với chúng tôi, hôm nay cá không lên, thôi đi về, chẳng câu nữa.


Hai ao cá được bao quanh toàn chanh là chanh, cao ngang tầm mắt hai đứa loắt choắt một mét năm mươi. Cây nào cũng sai chĩu quả. Nhân lúc ba chú cháu ngồi câu, cô cũng mới đi làm về ra ao ngồi trò chuyện hỏi han chúng tôi. Chỉ nhớ, câu cửa miệng cô hay nói là "trẻ không chơi, già hối hận", làm hai con bé đắc chí lắm. Một lúc ngồi câu không được cá, cô cầm cái xô, dạo quanh ao một vòng, được đầy ắp chanh.  Quá hợp với bát nước mắm chanh tỏi để chấm cá rô phi rán giòn.
Con cá to nhất luộc, số còn lại rán giòn rụm, cuốn lá sung chấm mắm chanh tỏi ngon thật ngon
Mâm cơm đầy đặn ồn ã tiếng cười nói. Bình thường căn nhà chỉ có hai cô chú cùng chia sẻ. Mấy tháng này chị con dâu - cũng là người quen của đứa bạn tôi, mới sinh em bé nên ở lại đây vài tháng. Nhân có cả hai đứa thanh niên ham chơi này, mâm cơm mới vồn vã chộn rộn hơn bình thường. Hai cô chú đều là giáo viên, ban ngày đi làm xa nhà vài chục cây, ở những điểm trường sâu trong núi. Với ngôi nhà nhỏ và mảnh vườn rộng, về nhà chẳng khi nào mọi người ngơi tay. Chăm cây, cuốc đất, bắt sâu, nuôi cá, thả gà, cuộc sống điển hình của những hộ gia đình công chức ở Mộc Châu như thế. Còn phần lớn các hộ gia đình khác đều lấy nông nghiệp làm nghề chính.  Với khí hậu mát mẻ quanh năm, thời tiết thích hợp chăn nuôi bò sữa và các loại rau quả, mỗi mét đất đều được mọi người quý như vàng. Khắp nơi nơi đều có thể hít hà thấy mùi bò ngai ngái, đều nghe thấy tiếng ựm bò từ đằng xa. Đi đâu cũng là màu xanh của cỏ, của chè, của su su, của rau xà lách, của mận, của đào...Rồi mỗi mùa xuân về, Mộc Châu lại ngập trong sắc hoa. Cải trắng, cải vàng thành những cánh đồng bạt ngạt, hoa mơ hoa mận nở trắng núi đồi, hoa đào xuân khoe sắc e lệ, dã quỳ phong trần nở vàng hai bên đường. 
__________________________________________________________________________________________

Tối nằm ngủ ở Mộc Châu giữa mùa hè mà chúng tôi cuộn tròn trong chăn bông. Sương xuống gió se se lạnh như trời thu. Lúc gần sáng, tôi nằm lơ mơ nghe tiếng bò kêu thống thiết ở ngay nhà bên, tiếng chó sủa, tiếng gà gáy, ngan vịt quang quác gọi nhau, những âm thanh chộn rộn sáng tinh mơ thấp thoáng vụt lên rồi tắt, tắt rồi vụt lên đến khi tôi lại chìm trong giấc ngủ. Mát quá, chẳng bù với Hà Nội đêm ngủ vẫn oi, bật bao nhiêu quạt cũng không lại, tôi cứ dền dứ cố nằm thêm vài ba phút chẳng muốn dậy. Rồi tiếng những cô bò thấp thoáng trong giấc ngủ của tôi hiện hình ngay trong ly sữa tươi ngon đặt sẵn trên bàn lúc tôi ngủ dậy. 4h sáng, giờ mà các trang trại bò vào ca vắt sữa, không biết ai trong nhà đã chạy sang trang trại nhà hàng xóm, mua những lít sữa tươi nhất để sẵn. Còn tôi, đêm hôm trước có ủ mưu đi xem vắt sữa bò, đã không thể dậy vì bị cái chăn bông dưới trời se lạnh giữ lại. Sữa bò tươi nguyên kem, đun thanh trùng còn ấm nóng và béo ngậy quá hợp cho một buổi sáng trong lành. 


Ngồi nhà nhỏ và buổi sáng mùa hè
Ngay khi ăn xong, hai đứa chúng tôi xách người và xách máy dạo chơi vườn mận. Chẳng phải đi đâu xa, ngay bên nhà hàng xóm, kề bên ao cá là vườn mận đang sai quả, trồng xen kẽ trong những hàng chè xanh mượt mà. 
Thế là tôi lại thực hiện được thêm một điều trong các mục tiêu vườn ao chuồng của mình. 
Cành mận chín
Tui là cô gái hái mận :))
Làm sao mà phải e ấp?
Những quả mận điệu đà khép nép trong tán cây. Mận chín cây không tím đậm như người ta vẫn thấy ngoài chợ, bởi còn phủ một lớp phấn trắng. Khi người ta hái mận, vận chuyển, đóng gói, phấn mới mất và vỏ mới tím đậm thường thấy. Khi về Sơn La, đi chợ mua mận cũng rất thích, những mẹt mận mới hái, lá vẫn còn xanh nõn, quả vẫn còn phủ phấn, tươi ngon bán đầy khắp chợ. Thế là thêm một kinh nghiệm nho nhỏ, chọn mua mận tươi phải còn lá và quả còn nhiều phấn. Lang thang qua mấy cây mận, bắt gặp chùm mận có quả lem nhem bị chim ăn, hai đứa mới hai bỏ tọt vào mồm. Chim biết chọn những quả mận ngon ngọt nhất để thưởng thức.
__________________________________________________________________________________________

Lang thang chụp choẹt ở vườn mận chán chê, chúng tôi lại dắt nhau về nhà nghỉ ngơi uống nước, rồi lại dắt nhau lên đồi chè. Cô chú có giới thiệu Mộc Châu có đồi chè trái tim rất đẹp, thanh niên hay vào đấy chụp ảnh, hai đứa phi xe máy vào mà tham quan. Cô chú quanh năm đi làm, cũng chưa có dịp trông nó thế nào. Đồi chè trái tim chứ đồi trè hình quả táo may ra tôi mới có hứng. Chúng tôi đâu có cần tham quan, chè ở đâu mà chẳng là chè, cái hai đứa thực sự thích là không gian là cảnh sắc tự nhiên và cuộc sống hàng ngày của Mộc Châu. May mắn nhà cô chú lại nằm ở trung tâm cái mục đích của tôi. Ngôi nhà nhỏ nằm lọt thỏm giữa màu xanh. Hông bên phải là mô đất cao với những triền cỏ xanh mát, nơi tôi chụp cái ảnh đầu tiên có trời xanh mây trắng. Hông bên trái là vườn chanh, ao cá, ngay sát kề là vườn mận đang đương quả. Phía trước mặt ngôi nhà, phía bên kia con đường đất là những đồi cỏ bạt ngàn, là cảnh sắc núi đồi trời mây Mộc Châu tươi mát. Còn ngay đằng sau là thoai thoải những đồi chè, đang tấp nập các cô các chú, các anh các chị lao động hăng say đúng chất "nông trường Mộc Châu". Còn cần đi đâu xa nữa, ở đây có tất. 
Phía trước mặt ngôi nhà
Để ngắm toàn cảnh khu vực, chúng tôi phải leo lên đồi chè sau nhà. Những đồi chè trông thoai thoải mà khó nhằn ra phết. Hai đứa còn phải băng qua đám cỏ cao hơn đầu gối, mới tiếp cận được dốc lên đồi. Mấy cô đang làm việc ở đồi chè, nhìn chúng tôi mà không thể không nói vài câu "mặc thế kia cỏ nó đâm cho đau chết". Không sao không sao, không biết dứa kia thế nào chứ tôi quen mọi thể loại địa hình cây cối rồi. Kiểu gì cũng qua được. Tuy nhiên thì kinh nghiệm xương máu với những ai có làn da nhạy cảm, đừng xông vào bụi cỏ nếu không  mặc quần dài, áo dài tay. 
Ảnh này đang cúi mặt chọn đường đi an toàn nhất
Con dốc lấy đi nhiều năng lượng hơn chúng tôi nghĩ. Mới bước vài cái bước chân mà đã thở hổn hển. Giày không phải giày leo núi, quần áo không gọn gàng, tay xách nách mang, thế mà vẫn leo đồi. Cứ vài bước, chúng tôi lại nghỉ. Quả đồi nhìn thưởng năm mười phút lên đến nơi, thế mà tôi cũng mất gần hai chục phút. Leo lên đến lưng chừng, khi bắt gặp những cây thông to vạm vỡ đầy những quả là quả rụng dưới chân, cũng là đủ độ cao để hai đứa phóng được tầm mắt nhìn toàn cảnh xung quanh. Gió mát thổi lồng lộng, đứa bạn vàng của tôi ngồi phịch xuống ngay cái dốc rồi đặt lưng nằm, nhắm mắt thưởng gió. Tôi lang thang nhặt thông, chụp ảnh, ngắm nghía bên này bên kia, rồi cũng an tọa một góc để hít thở và hưởng thụ không gian này. Xung quanh chẳng có lấy bóng người, chỉ có dưới chân đồi kia một anh đang phun thuốc cho chè, những chị những cô đội nón, bịt tay bịt chân bịt mặt cắt cỏ cho bò, lọc xọc chở những bao tải cỏ đằng sau cái xe đạp cũ, băng qua con đường mòn mà hai bên cũng toàn cỏ là cỏ. Hình ảnh cái xe đạp chở cỏ trên con đường đất thực sự rất đẹp, tiếc là tôi đang ở cao quá, chẳng có cái máy ảnh nào có thể ghi lại khoảnh khắc xa vời ấy, ngoại trừ chính đôi mắt mình. Cả hai đứa, chẳng ai nói với ai câu nào. Chỉ đắm chìm trong thế giới của những cơn gió. Gió thổi vào trong lòng tôi sự nhẹ tênh, yên bình và sảng khoải mà chẳng bao giờ Hà Nội có được. Chỉ có thiên nhiên, đồi núi, cây cỏ mới có khả năng đặc biệt ấy. 
Chè - Mộc Châu - Tui và Chi Gà


Chủ yếu là những cánh đồng cỏ nuôi bò sữa
Cả hai đứa "lại" ngủ thiếp đi trên đồi chè lúc nào không hay, giật mình tỉnh dậy cũng đến giờ về ăn cơm. Về đến nhà, cô chú đi làm về từ lâu đang nấu cơm trưa. Mâm cơm có thịt bê Mộc Châu, con gà nhà mới mổ, rau trong vườn, cá trong ao, ngon lành. Hai đứa lóc cóc dọn dẹp và sắp đồ, nghỉ ngơi sau bữa cơm. Nuối tiếc nhìn cái ao cá, cây bưởi đương quả, chúng tôi chào tạm biệt cô chú và mọi người trong nhà. Lại một cuốc taxi ra đến đường quốc lộ, chúng tôi gặp ngay xe đang chờ khách lên Sơn La. Hai mươi tư giờ ở Mộc Châu, chúng tôi được sống những khoảnh khắc thực sự tươi đẹp. Chẳng thể nào quên.

Tân Cương - Mộc Châu
Tháng 5 - 2015


Cuối cùng cũng có ngày làm ra được bánh rán của Doraemon nhìn giống trong truyện. Vô cùng là thích. Ngày xưa bé tí có mấy bộ đồ chơi nhỏ xinh bằng nhựa, có những cái bánh rán Dorayaki này bé như cái cúc, đã thích lắm rồi. Nhờ có anh google và anh youtube, cùng với nhiều lần thử nghiệm, đã thành công chiên vàng được cái mặt bánh màu cánh gián đều như "bánh thật":)). Mới hôm qua đi qua một hàng bán các loại bánh truyền thống của Nhật tại trung tâm thương mại, mới thấy cái bánh của chúng họ chiên chẳng đẹp tẹo nào bằng cái của mình. Cũng có tí tự hào. Bản thân Dorayaki phần bánh làm tương tự như pancake từ nguyên liệu cho đến cách chiên. Bởi Dorayaki cũng dùng chảo chiên, mà pancake dịch ra thì chỉ là bánh chảo chứ không phải nướng. Khác một điều là Dorayaki có hình thức là hai chiếc pancake kẹp phần nhân, mà truyền thống là nhân đậu đỏ (tiếng Nhật là anko). Ở Nhật, các món tráng miệng và món ngọt sử dụng rất nhiều phần nhân đậu đỏ này. Nếu như làm đúng như món bánh yêu thích của nhân vật Doraemon thì dùng anko, còn nếu không với công thức bột bánh này có thể ăn với các loại nhân khác như bơ lạc, nhân đậu xanh, mứt hoa quả...như vẫn ăn với pancake. 
_________________________________________________________________________________

D O R A Y A K I  -  P A N C A K E   N H Â N  Đ Ậ U  Đ Ỏ

Nguyên liệu

Nhân đậu đỏ
  • 100g đậu đỏ (có thể thay bằng đậu đen)
  • 80g đường 
  • 1 thìa cà phê vanila (tùy ý)
  • Nước để nấu đậu


Phần bánh
  • 1 chén bột mì (130g)
  • 1/2 chén đường trắng (90g)
  • 2 quả trứng gà
  • 1/2 thìa cà phê baking soda hoặc 1/2 thìa cà phê baking powder 
  • 1 thìa canh mật ong
  • 1 thìa cà phê vanila extract (tùy ý)
  • 3 - 4 thìa canh nước lã
  • Dầu ăn để chiên

Dụng cụ

  • Chảo chống dính mặt phẳng
__________________________________________________________________________________

Cách làm

Nhân đậu đỏ

  • Cho đậu vào bát tô đổ đầy nước. Vớt bỏ những hạt nổi lên trên mặt nước. Rửa sạch đậu rồi ngâm đậu trong nước lạnh từ 4 - 5 tiếng.
  • Rửa sạch lại đậu rồi cho vào nồi, đổ nước xâm xấp mặt đậu nấu cho đậu chín mềm. 
  • Cho đậu vào máy xay, đổ thêm một ít nước luộc đậu rồi xay cho nhuyễn. Thêm 80g đường trộn đều. Nếu không có máy xay, có thể cho đường vào nồi đậu và dùng muỗng gỗ đánh nhuyễn bằng tay. (nhưng mệt lắm =.=)
  • Cho hỗn hợp đậu vào nồi hoặc chảo, đun trên bếp cho khô nước, dùng thìa gỗ đảo nhiều cho đậu không bị dính và cháy ở đáy chảo đến khi đậu cạn nước thì bắc ra. Để nguội. Có thể bảo quản đậu trong tủ lạnh để dùng dần.  
  • Nhân đậu đỏ không cần thiết phải quá nhuyễn và khô, có thể để đậu sệt và còn lợn cợn hạt cũng không vấn đề gì. 

Phần bánh

  • Bột mì và bột nở hoặc baking soda trộn trong một tô, rây mịn.
  • Trong một tô khác đập hai quả trứng và đường vào. Dùng phới đánh tan trứng và trộn đều với đường. Bước này không cần đánh mạnh tay trứng sẽ nổi quá.
  • Cho mật ong vào trộn đều.
  • Rây hỗn hợp bột vào hỗn hợp trứng, dùng phới trộn đều bột và trứng cho mịn. 
  • Cho vanila extract vào hỗn hợp và cho khoảng 3 - 4 thìa canh nước vào hỗn hợp. Lượng nước có thể tùy chỉnh linh hoạt sao cho hỗn hợp cuối cùng không quá đặc. Dùng muỗng thử múc một muỗng bột rót từ trên xuông sao cho bột chảy đều, nhanh xuống không đứt đoạn là được. 
  • Dùng màng nilon bọc tô bột, để ngăn mát tủ lạnh ít nhất 15 phút đến 30 phút.
  • Sau khoảng  15 - 30 phút, lấy tô bột ra khỏi tủ lạnh, dùng phới trộn lại. Lúc này bột có thể hơi nở ra và hỗn hợp đặc hơn trước khi cho vào tủ lạnh, có thể thêm 1 - 2 thìa nước vào hỗn hợp để lỏng ra. 
  • Bắc chảo chống dính lên bếp, phải dùng loại chảo có mặt nhẵn mịn thì bánh mới đẹp, bật bếp cho chảo nóng. 
  • Dùng giấy ăn hoặc bông, vo vào thành viên rồi dùng đũa nhúng giấy ăn vào bát dầu ăn rồi bôi giấy ăn đã thấm dầu vào mặt chảo. Không được để quá nhiều dầu ăn trong chảo, làm sao để chỉ có một lớp dầu ăn rất mỏng gần như không nhìn thấy. Sau khi bôi dầu ăn, có thể dùng một cục giấy ăn khô khác lau lại mặt chảo để sao có không nhìn thấy giọt dầu ăn nào. Nếu để dầu ăn đọng thành giọt trong chảo, khi chiên mặt bánh sẽ không vàng đều và bị rỗ lỗ chỗ do dầu sôi.
  • Để lửa cỡ vừa hoặc hơi nhỏ. Nhất là khi mới cho bột vào chảo, không được để nhiệt độ cao quá. Để lửa lớn bánh sẽ cháy và không vàng được mặt đều.
  • Đổ một muôi nhỏ bột bánh vào chảo, đổ bột từ trên xuống và giữ nguyên vị trí muôi, bột sẽ tự động dàn ra hình tròn.



  • Sau khoảng 30 - 40 giây sẽ thấy phần bột phồng lên và có bong bóng. Khi nào phần bong bóng ở cạnh bánh nhiều và bắt đầu có bong bóng ở giữa thì dùng xẻng lật bánh.
  • Chiên mặt còn lại khoảng 20 giây là được. 
  • Làm tiếp tục cho đến khi hết bột.

Hoàn thành

Bánh đạt yêu cầu :D
  • Lấy một miếng bánh rồi quết đậu đỏ vào mặt trong (mặt không vàng đều) rồi lấy một miếng bánh khác úp lên trên. Thế là đã có thể mời Doremon ăn bánh mà không bị nghi ngời gì :))
__________________________________________________________________________________

Tips:
  • Có một số công thức sử dụng bột mì trộn bột ngô để làm pancake cho nở xốp. Mình đã thử cả hai cách và thấy làm bằng bột mì không vẫn thành công mà không phải mua hai loại bột làm gì. Hoặc có thể làm pancake ăn liền bằng cách mua gói bột pancake bán sẵn chỉ về trộn theo hướng dẫn đảm bảo 100% thành công
  • Để bánh ra màu cánh gián đẹp, việc điều chỉnh lửa và dầu ăn rất quan trọng. Có khi chảo chiên liên tục sẽ bị rất nóng nên lúc cho bột mới vào mình đã tắt bếp đi cho đỡ nóng, rót bột vào rồi lại bật lên để lửa vừa, sẽ cho bánh màu đẹp.
  • Chú ý không bao giờ được để lõng bõng dầu hoặc có một giọt dầu ăn nào trên chảo sẽ thấy bánh lỗ chỗ ngay. 
  • Bánh này dụ trẻ con ăn sáng rất dễ vì đứa nào chả thích giống Doremon :)))
Con đang làm cái mỏ vịt cho dì xem
Thêm ly sữa hoặc nước trái cây là đủ cho bữa sáng


Ở Hà Nội, lại gần chợ Mơ, ăn đậu phụ thường xuyên chế biến đến tỷ kiểu các nhau: bún đậu mắm tôm, đậu sốt cà, đậu nấu chuối ốc, riêu cua là phải ăn với đậu rán...Mỗi miếng đậu Mơ vừa ngon vừa ngậy chỉ có 2.000, ra chợ mua vèo một cái, mắc công tự làm làm gì cho nó khổ. Khổ nhưng mà thích. Lích kích đủ thứ từ ngâm đậu tương, xay, vắt cho đến đè nén miếng đậu cũng mất cả ngày, nhưng mà cái cảm giác tự mình làm ra được cái mà ngày nào cũng mua của người ta thật là yomost!

Lan man chuyện về đậu, thì bún đậu mắm tôm và đậu thả lẩu riêu cua là thứ đậu rán mà tôi thích nhất trong tất cả. Còn đậu rán vẫn xếp thứ nhì, sau cái đậu trần nước sôi nóng hổi, bỏ ra chấm bột canh ăn ngày bé. Cái món đậu trần ấy là tuổi thơ của tôi, khi mà thịt thà cá mú chẳng nhiều để ăn, thì ăn cơm với đậu là món ăn thường xuyên nhất, chắc phải đến 5/7 ngày nhà tôi ăn đậu. Năm lớp hai, tôi đã được giao trọng trách đi chợ và nấu cơm buổi trưa. Chị bán đậu mẹ hay mua, mẹ bàn giao lại cho tôi. Đi bộ từ nhà đến chợ chắc cũng 300-400m, nóng nực. Mua mớ rau 500đ, tôi có 2000đ để mua đậu thì lần nào chị cũng bớt cho tôi 100đ một miếng, hai miếng mất có 1.800đ. 200đ hồi ấy đủ để ăn một cốc thạch găng mát lạnh, bù vào năng lượng đã mất vì phải đi bộ ra chợ. (Thực ra thạch găng 500đ một cốc, nhưng tôi chỉ mua 200đ thôi, thi thoảng vẫn nhớ cô bán thạch lèo bèo rằng 200đ chỉ đủ cho muôi đường ăn thạch, chứ chả có lời lãi gì :)) ). 

Hồi ấy tôi đã biết rán đậu sốt cà, ăn với cơm và rau muống luộc là đủ cho bữa trưa nhanh gọn. Khi nào có bố mẹ ở nhà, thì sẽ có món đậu trần. Tôi vẫn nhớ cái cảnh buổi chiều đi học về, tôi ngồi xem tivi kễnh trên ghế salon chờ cơm. Bố mẹ ở trong bếp, bao giờ cũng trần đậu trong nồi nước luộc rau trước, cho nóng, rồi bỏ riêng ra đĩa, rắc tí bột canh, đưa lên luôn cho tôi và chị ăn lúc còn hôi hổi. Đậu chỉ chế biến đơn giản như thế, nhưng lại rất rõ mùi thơm của đậu nành, vị béo ngậy và mịn màng của miếng đậu. Có khi, chẳng cần mặn ngọt, ăn miếng đậu không tôi cũng thấy ngon.

Đến khi lớn lên, ăn nhiều đi nhiều, mới được thưởng thức đủ kiểu của đậu. Đậu nóng giòn mới rán xong chấm mắm tôm ăn với bún lá, sao mà ngon thế. Lớp vỏ giòn vàng mà bên trong đậu vẫn ngậy và nóng bỏng lưỡi. Đi ăn bún đậu mắm tôm ở Hà Nội, cũng lắm chuyện vui. Quán có đậu ngon thì mắm tôm không biết pha, quán có mắm ngon, thì đậu cũng bình thường. Cứ đi ăn đậu ở khu Mai Động là thích nhất vì đậu ngon không chê vào đâu được. Tiếc là chưa tìm được quán nào pha được mắm ngon. Còn với nước riêu và lẩu, thì đậu phải rán kĩ, lớp vỏ dai dai để khi thả vào nước, miếng đậu mới ngấm được hết vị của nước dùng, lúc ấy thì đậu ngon thôi rồi. Đậu thả vào nồi chuối ốc, hay đậu nhồi thịt sốt cà, rồi đến đậu Tứ Xuyên của Tàu, súp Miso của Nhật cũng ăn đậu, khi ấy các món về đậu mới vạn hóa biến thiên. Hồi ở nhà, miếng đậu ngoài chợ phải to bằng nửa viên gạch. Mỗi bữa một nhà cũng chỉ cần mua 1 - 2 miếng. Lên Hà Nội lại khác, đậu làm trong khuôn nhỏ dài, người ta dùng cái đũa gãy để đo và cắt đậu thành từng miếng. Còn đậu Mơ thì không phải khuôn dài mà mỗi miếng đậu ra hình thù ấy hoàn toàn chỉ nhờ tấm vải. Lên đến Tây Bắc, người ta không ăn đậu nhiều như dưới xuôi. Đậu được làm thành cả một tảng to như khối bê tông, khách mua bao nhiêu, người bán cắt bấy nhiêu. Ở mỗi nơi, văn hóa đậu nó lại khác nhau như thế. 

Lần này thử làm đậu phụ lần đầu, cũng là do nhà có sẵn bộ khuôn mà tôi tha về từ chuyến đi Nhật. Cái khuôn làm đậu bằng gỗ rất xinh, có đủ các chi tiết khuôn, gỗ ép và vải lọc. Suốt từ ấy đến giờ, chẳng có thời gian để làm, bẵng quên mất nó trong ngăn tủ. Đến hôm nay, chiếc khuôn ấy mới được trưng dụng.

Khuôn làm đậu nhỏ xinh mua ở Daiso Nhật Bản gồm khuôn, hai nắp và hai mảnh vải lọc
  ___________________________________________________________________________________

T Ự   L À M  Đ Ậ U  P H Ụ  T Ư Ơ I

| Nguyên liệu | 3-4 miếng đậu phụ 

  • 250gram đậu nành
  • 2,5 lít nước lã
  • 4 tbsp/ thìa canh dấm trắng
  • 1 tsp/ thìa cả phê muối
  • 1/2 chén nước lọc

| Dụng cụ |
  • Máy xay sinh tố
  • Một mảnh vải sợi thưa để lọc
  • Muôi lỗ
  • Khuôn ép đậu (Có thể tự chế bằng cách dùng hộp nhựa chữ nhật, đục lỗ ở đáy để nước thoát ra )
  • Thớt hoặc một vật nặng 3kg để nén
  • Nồi đun sữa
  • Khay hoặc đĩa để hứng nước chảy ra
_________________________________________________________________________________|__

| Cách làm |
  • Đậu nành rửa sạch, cho vào nồi hoặc chậu rồi đổ nước lạnh vào gấp 2-3 lần đậu để ngâm. Nếu có hạt nổi lên thì vớt ra, đây là hạt đã hỏng. Ngâm đậu từ  6 - 8 tiếng cho nở, chú ý không ngâm lâu quá đậu sẽ bị chua. 
  • Đậu đã nở thì đổ ra rổ, rửa lại bằng nước và xóc cho ráo.
  • Bỏ đậu vào máy xay sinh tố làm 2-3 lượt. Vì số đậu nhiều không nên xay cùng một lúc sẽ làm máy hoạt động mạnh cũng như khó xay nhuyễn được hết đậu. Đổ nước xâm xấp mặt đậu rồi xay cho thật nhuyễn mịn. Sau đó cho thêm nước và xay lại một 10-15 giây.
  • Đổ hỗn hợp đậu và nước vào nồi đã lót sẵn khăn và rây lọc cho hết một lượt lọc. Túm đầu khăn lọc thành túi để nước đậu chảy ra, trong quá trình đó dùng tay bóp bên ngoài túi để đậu ra được hết nước. Làm như vậy cho đến khi hết hỗn hợp.
  • Để nước đậu được mịn, sau khi lọc xong có thể lọc lại một lần nữa.
  • Bắc nồi nước đậu lên bếp, bật bếp đun nước đậu cho chín. Trong quá trình đun thường xuyên dùng muôi khuấy nồi nước để tránh đậu lắng dưới đáy nồi bị cháy khê, và tránh tạo váng đậu trên mặt.
  • Sau khi nước đậu sôi thì hạ thật nhỏ lửa.
  • Trong chén nước lọc, cho 4 thìa canh dấm và 1 thìa cà phê muối vào khuấy đều.
  • Đổ hỗn hợp dấm muối vào nồi nước đậu trên bếp, tiếp tục đun bếp nhỏ lửa thêm một xíu mới tắt bếp. Axit trong dấm là nguyên nhân tạo kết tủa trong nước đậu để làm ra đậu, và để tạo kết tủa này, nhiệt độ nước đậu phải đủ từ 70-80 độ C. Vì thế sau khi cho dấm cần tiếp tục giữ nóng nồi sữa. Trong thời gian chờ kết tủa nếu thấy kết tủa chậm có thể để nồi lên bếp đun lại cho nóng đến nhiệt độ cần thiết. 
Nồi nước đậu đã có kết tủa
  • Chờ khoảng 15 - 20 phút, kết tủa đậu và nước sẽ tách hẳn nhau ra. Nước trong nồi sẽ màu vàng trong, không còn màu trắng nữa.
  • Trong lúc chờ đậu kết tủa thì chuẩn bị khuôn.
Dụng cụ ép đậu

  • Để khuôn đậu vào khay để nước không rơi ra khi ép
  • Lót miếng gỗ vào đáy khuôn,  khăn vào khuôn như hình. Rồi dùng muôi lỗ vớt kết tủa đậu vào khuôn. 
  • Sau khi vớt hết đậu trong nồi vào các khuôn, gấp khăn trong khuôn lại phủ kín đậu. Đậy nắp khuôn và dùng vật nặng đè lên nắp để ép đậu.
  • Từ lúc chờ kết tủa cho đến lúc ép đậu, đậu vẫn phải nóng. Nhiệt độ sẽ khiến có các kết tủa đậu gắn kết vào nhau để miếng đậu được chắc và mịn. Nếu không, đậu sẽ không kết lại thành miếng được và sẽ bị bở tơi.
  • Sau khi ép khoảng 10-15 phút thì gỡ khuôn ra. Khuôn nhỏ thì thời gian ép sẽ nhanh hơn khuôn to.
Miếng đậu khi đã tháo khuôn, vẫn còn khăn ở ngoài
  • Nhẹ nhàng gỡ bỏ lớp vải bên ngoài miếng đậu. Thế là được miếng đậu thành phẩm.
Đậu thành phẩm - lần đầu làm không được đẹp lắm cần rút kinh nghiệm
____________________________________________________________________________________

Ă N   T H Ô I

Đậu làm xong rồi, chén thôi, chiên, nấu canh, sốt chua ngọt, làm gì cũng được. Vì nóng lòng được thử chiến lợi phẩm thì tôi đã dùng cách chế biến rất nhanh là rưới lên đậu một ít xì dầu mà một ít cá bào Katsuo để miếng đậu mang phong cách Nhật Bản. Dù sao thì cái khuôn đậu nhỏ xinh kia cũng là kỉ niệm shopping ở Nhật của tôi.

__________________________________________________________________________________

Tips:
  • Nếu không có khuôn chuyên dụng, có thể sử dụng hộp nhựa hình chữ nhật hoặc vuông, đục lỗ ở đáy để nước chảy ra. 
  • Nếu đã có sẵn sữa đậu nành thì có thể sử dụng luôn sữa đậu nành, đun nóng đến 70-80 độ C rồi cho hỗn hợp dấm vào. Các bước còn lại làm tương tự.
11.6.2015 
Ở nhà của Băng


Vịnh Xuân Đài là vịnh duy nhất ở Phú Yên. Cả vũng hay vịnh thì đều là những vùng nước được bao quanh bởi đảo và núi, nơi sóng yên biển lặng và là nơi trú ngụ của cả tôm cá lẫn dân chài. Ở Phú Yên có nhiều vũng, như Vũng La, Vũng Rô, Vũng Lam...theo tiếng anh thì đều gọi là Bay - Vịnh cả. Nhưng chắc theo tiếng địa phương, cái "vũng" nó nhỏ hơn cái "vịnh" tí xíu.

Vịnh Xuân Đài thuộc huyện Sông Cầu, nằm về phía bắc thành phố Tuy Hòa, rất nổi tiếng với món "ghẹ". Đến Phú Yên, thi thoảng dân du lịch sẽ thấp thoáng nghe đến cái từ "ghẹ sông Cầu". Ở trong vịnh này, người dân phần lớn là nuôi tôm hùm, và cả cá ngựa. Đi men theo con đường uốn quanh vịnh, chúng tôi thấy rất nhiều hộ dân nuôi tôm và tàu bè tấp nập. Tháng 3, trời còn mát và đẹp. Chỉ mong cho những vụ tôm cứ thế mà lớn, cứ thế mà ngon, cho nhân dân năng suất cao.

Một chị bảo tôi, hôm ấy nước cao, phải dùng thuyền ra bè cho tôm ăn. Mọi hôm nước cạn, chị đi bộ ra xa kia được. Mò được nhiều ốc lắm.

Chúng tôi có hỏi thăm vài câu tình hình nuối nấng tôm thế nào, chị kể chúng tôi mỗi cân tôm hùm bán đi được 1tr300k/kg. Nhưng mà tùy loại tôm, tôm to, tôm nhỏ, giống tôm nào. Chị còn gợi ý chúng tôi ghé vào nhà nào mà có tôm chẳng may mới chết, ko bán được cho thương lái thì họ bán giá thấp lắm, vào mua mà ăn, vẫn còn tươi chán. Chả may mấy đứa tôi chẳng đứa nào có tiền, lượn lượn quanh ngắm cảnh chứ ăn sao nổi tôm hùm cái giời ấy.
____________________________________________________________________________________

B Ã I   Ô M

Cứ đi men theo con đường ven biển bao vịnh Xuân Đài, tí tí lại hỏi người dân, chúng tôi cập bến bãi Ôm. Bãi Ôm cũng là một trong những bãi biển đẹp ở Phú Yên, chưa được khai thác du lịch và chắc cũng chẳng được khai thác. Đường vào khá xa và rất gần khu dân chài vũng La nên để vào được bãi Ôm, chúng tôi phải đi qua một bãi rác nhỏ, mà người dân chẳng biết quẳng đi đâu, thôi thì quẳng ra biển.

Tuy nhiên bãi Ôm vẫn đẹp lắm, vẫn có hàng dừa, có cát rất rất mịn, có sóng dạt dào và có mỏm đá diệu kì.
Nước rút rất êm, cát rất mịn

Bãi Ôm có những màn nước rất đẹp xô vào bờ và rút êm ru
Vách đá nhỏ có sóng đánh nhìn hay hay - trên đá có khá nhiều dê được chăn thả
Bãi Ôm nhỏ, phóng một tầm mắt là hết bãi, cũng giống như bãi Môn ở Mũi Điện vậy. Tuy nhiên ngay giữa bãi có một dòng chảy xa bờ rất rõ, nếu tắm phải tránh xa vùng này để tránh bị đưa ra xa.

Hướng dẫn đi: Từ trung tâm tx.Sông Cầu đi theo quốc lộ 1A độ 3-4 km dọc theo bờ biển, sẽ gặp một ngã rẽ bên tay phải, đường nhỏ. Con đường này sẽ men theo vịnh, đi dọc theo nó sẽ bắt gặp rất nhiều cảnh vịnh đẹp và cảnh sinh hoạt của ngư dân. Cứ đi thẳng theo con đường và hỏi người dân họ sẽ chỉ ra Bãi Ôm và Vũng La. Rất đẹp.
___________________________________________________________________________________

B Ã I   T Ừ   N H A M

Từ Bãi Ôm, chúng tôi không trở lại con đường cũ ven Vịnh Xuân Đài mà hỏi đường rẽ sang Từ Nham. Theo bản đồ, chúng tôi thấy có một bãi cát dài tên là Từ Nham, rất lớn, lớn hơn tất thảy những bãi biển có trên bản đồ của Phú Yên. Vậy mà trước khi đi, tôi không hề tìm thấy một thông tin hay bức ảnh nào trên Google về bãi biển này.

Bãi Ôm và Bãi Từ Nham trên bản đồ Vịnh Xuân Đài
Cảnh trên đường
Đến Từ Nham, chúng tôi hỏi người dân ở đây mới biết họ có hai bãi Từ Nham, bãi Trước và bãi Sau. Cứ đi thẳng miết vào Từ Nham, qua nhiều trường học, trung tâm văn hóa, qua chợ và đến một cái chùa, chúng tôi mất phương hướng không biết rẽ đường nào. Đi theo lời hỏi thăm, chúng tôi đi qua một trường học cấp bốn THCS Lê Thánh Tông, nằm bên cạnh một bãi rác lớn và một bãi mồ mả, mới ra được bãi người địa phương gọi là Bãi Từ Nham trước.

B Ã I   T Ừ   N H A M   T R Ư Ớ C
Bò, rác, mồ mả và trường học trong cùng một quần thể
Nếu bỏ qua những gì đã thấy trên đường ra bãi, thì bãi trước này khá đẹp và khác hẳn những bãi biển khác mà chúng tôi đã đến ở Phú Yên. Bãi trước rất nhỏ, không có bãi cát, mà là bãi đá. Rất nhiều đá và rong biển dạt vào đây. Bên trên bờ, thay vì cát trắng mịn màng là những mảnh đá san hô nhiều hình dạng khác nhau, nóng bỏng dưới trời nắng gắt. Chúng tôi mỗi đứa một tay, lựa lựa chọn chọn một vài mẩu san hô đẹp về làm kỉ niệm.

Từ trong bờ nhìn ra
Chủ yếu ở đây là bãi đá
Trên bờ chủ yếu là san hô đã chết trôi vào bờ

B Ã I  T Ừ   N H A M   T R Ư Ớ C  -  B Ã I  R Á C  - B Ã I  T H A M  M A -  T R Ư Ờ N G  H Ọ C

Chúng tôi ghé thăm bãi Từ nham giữa cái nắng tháng 3 và vào lúc mặt trời chói chang nhất khiến không ai là không cảm thấy mệt mỏi. Đi từ bãi Từ Nham trước trở ra chợ, chúng tôi định bụng ngồi uống ly nước mía cho lại sức, mà nhìn chiếc máy vắt mía ruồi bâu nắng cháy tôi chẳng dám uống, lại chẳng có chỗ ngồi. Ra đến rìa rìa Từ Nham chúng tôi ngồi uống nước buôn chuyện ở một quán nước nhỏ, ngay trước cổng một trường tiều học. Lũ trẻ nhân giờ lao động, thấy có người lạ, lại có bạn tôi là người nước ngoài, xúm xít đứng quanh nhìn nhìn và xem xem, vì lần đầu tiên trong đời chúng được tiếp xúc với người ngoại quốc. 

Vẫn bức xúc với những gì vừa nhìn thấy, chúng tôi hỏi thăm anh chị quán nước tại sao trường học của trẻ con lại học ở bên cạnh bãi rác và bãi tham ma. Môi trường ô nhiễm như vậy nuôi bò bò còn khó sống chứ học sinh học làm sao nổi. Chị liến thoắng bảo chúng tôi mới chỉ nhìn thấy cái bãi ấy mùa khô, trời nắng, mới chỉ được thưởng thức cái mùi hôi thiu của bãi rác do nắng bốc lên thôi. Đến mùa mưa, nước biển dâng cao, toàn bộ mồ mả và bãi rác ấy còn chìm trong nước, trẻ con đi học chẳng đến nổi trường, có đứa phải được bố mẹ cõng đến lớp. Tôi bất giác nhớ lại khoảnh khắc đi ngang qua bãi rác và căn nhà cấp bốn vừa rồi. Mới đầu, tôi đã không nhận ra đó là trường học, để lúc trở ra đi qua ấy, nghe những tiếng ồn ào, véo von, nghịch ngợm của những đứa trẻ phát ra từ bức tường vàng và cửa sổ xanh, tôi mới quay lại nhìn chính xác cái tên trường THCS Lê Thánh Tông. Cái tên Từ Nham được viết vào cuốn sổ tay của người bạn đồng hành của chúng tôi - để đánh dấu cho một địa điểm cần liệt vào danh sách "cần để mắt" cho các dự án tình nguyện mà chị đang làm tại Phú Yên. Chị vợ bán nước nhiệt tình kể lại cái sự ô nhiễm và còn hẹn nếu cần chị quay video gửi cho chúng tôi xem, mùa mưa sắp đến, họ lại sắp "được" ngập trong rác. Trong đầu tôi cứ văng vẳng tiếng ồn ào của lũ trẻ, và câu hỏi, rác thải ở những khu vực xa xôi như thế này được xử lí như thế nào? Bãi Từ Nham trước là bãi duy nhất thông ra biển của cái xóm nhỏ này, vì thế người dân lấy cái bãi cát thành mồ mả, và cũng lấy cái bãi cát thành bãi rác, vì đơn giản nghĩ rằng vứt rác ra gần biển, rồi nó sẽ trôi đi thôi, miễn ra vứt ra khỏi nhà mình. Cả tôi và xế của tôi cùng nghĩ rằng, nếu như họ không đổ rác ra cái bãi ấy, thì họ cũng sẽ chọn một cái bãi khác ở quanh đấy, để vứt rác, và nó cứ ở đấy, ngày một đầy, ngày một nhiều, miễn là rác không ở trong nhà họ. 

____________________________________________________________________________________

B Ã I   T Ừ  N H A M  S A U

Trở ra từ trung tâm Từ Nham, chúng tôi đi theo chỉ dẫn của người dân địa phương để ra bãi Từ Nham sau. Thực sự đôi khi hỏi đường mà chúng tôi thậm chí không hiểu họ nói gì, vì giọng địa phương ở đây rất nặng. Đi cùng tôi có một "local" mà cũng nhiều khi bó tay chẳng biết họ chỉ đi như nào. 
Cách đi: 
Từ trung tâm Từ Nham thì đi ra lối cũ, thấy bên phải có đường rẽ thì rẽ phải, sẽ thấy biển chỉ dẫn QL1A cách 10km.Còn nếu đi từ phía bãi Ôm lại thì là rẽ phải, còn đi từ Quốc Lộ 1A vào thì bãi Từ Nham chỉ cách QL có 10km.
Từ đưởng rẽ trong Từ Nham, đi qua một cái cầu trắng mới xây (tôi không nhớ chừng bao nhiêu km), sẽ thấy một lối mòn bên tay phải (phía bờ biển). Lối mòn này rất nhỏ, chỉ vừa một xe máy đi, là lối ra bãi Từ Nham sau. Lúc mới vào chúng tôi hoài nghi phải chăng chúng tôi đi nhầm, vì lối đi rất bé, qua 1-2 cái nhà dân, một cái vườn dưa hấu, cây và bụi, chẳng có dấu hiệu gì của một nơi có bãi biển đệp cả. May sao đã đâm lao thì theo lao, chúng tôi đi đến hết đường, thì thấy lỗi mòn ấy mở ra một bãi biển rất rộng và dài.

Ảnh chụp trên đường cái, nhìn xuống bãi biển để tìm bãi Từ Nham sau
Dưa hấu Từ Nham
Bãi Từ Nham sau là một bãi biển rất dài, phóng tầm mắt rất xa. Chúng tôi không đi hết được bãi vì nó dài quá, áng chừng cũng phải từ 400-500m bãi cát. Từ lối đi dẫn vào bãi cũng là một dòng nước ngọt chảy ra biển. Bãi bên trái có rất nhiều các mỏm đá nhô ra, chia bãi Từ Nham sau ra thành nhiều đoạn nhỏ riêng biệt. Chúng tôi thấy có một cái chòi nhỏ không có người, và một  đống nắp vỏ chai được vun lại thành đống, chứng tỏ ở đây cũng có ai đó tự phát làm dịch vụ nước nôi ở đây. Ngoài ra, những mảnh vỏ ngao, củi cháy cũng không khó đoán có nhiều người ra đây picnic. Biển xanh, cát trắng, những tảng đá đôi khi lại làm thành bóng râm, rất thích hợp cho một buổi dã ngoại năng động.

Góc bên phải bãi Từ Nham sau
Góc bên trái, có nhiều đá to lấn ra biển
Sóng ở đây rất to, bãi cát cũng rất dài
Nước biển rất xanh, đứng trên mỏm đá phóng ra xa sẽ nhìn thấy nhiều sắc độ của màu xanh
Nước lên cao, sóng to, để đi dọc bãi biển phải trèo qua đá, rất thú vị
Sóng to đập vào đá tạo ra bụi nước mờ ảo

All post and photos by NK. Được tạo bởi Blogger.

Popular Posts