Tình cờ và bất ngờ, tôi lại trở lại Trung Quốc lần thứ 2 trong năm, chỉ vì Vietnam Airline mở bán vé máy bay khuyến mại đi Thành Đô (Chengdu) vào tháng tám. Năm ngoái, chúng tôi đã bị tuột mất chuyến đi này, mặc dù vé đã đặt, plan đã lên, nhưng căng thẳng biển đông đã khách quan hủy tất cả chuyến bay thẳng đi Thành Đô thời điểm đó. Ấp ủ được một lần tới chốn mọi người vẫn gọi là “Paradise on earth – thiên đường hạ giới” từ vài năm rồi, đến một ngày đùng một cái đứa bạn giục giã đặt vé đi. Thế là đi. 
Chuyến này chúng tôi đi không giống lịch trình bất kì ai mà tôi đã từng ngâm cứu, vì ngoài Cửu Trại Câu và Hoàng Long ở Tứ Xuyên, chúng tôi còn bắt xe đi một chặng rất dài lên tận Trương Dịch, Cam Túc để được một lần nhìn thấy Núi Cầu Vồng tại công viên địa chất Trương Dịch. Hai nơi này không liên quan nhau mấy vì khoảng cách xa xôi 800km, và việc ngồi trên xe 12 tiếng để đến nơi tham quan chụp ảnh 3 tiếng rồi đi về 12 tiếng thì cực kì vất vả. Vì vậy đối với một chuyến đi, mỗi người có một mục tiêu riêng, việc lên kế hoạch đi đâu và làm gì nên linh hoạt để có chuyến đi thỏa mãn nhất. Nếu bạn chỉ muốn đi Cửu Trại Câu và ngắm những hồ nước trong vắt đủ màu, thì hãy cắt bớt lịch trình đi, và có thể thử nhiều hơn những món ngon của Tứ Xuyên hay xem múa Đối Mặt ở Thành Đô. Chúng tôi không tiêu nhiều tiền vào phần ăn uống và xem múa, một phần vì đồ Tứ Xuyên không phải dễ ăn, một phần vì chúng tôi đặt sự quan tâm hàng đầu vào “cảnh”.
_____________________________________________________________________________________

L Ị C H   T R Ì N H 
(từ ngày 30/10/2015 – 8/11/2015)
Dưới đây là lịch trình cả chuyến đi trong 10 ngày với các địa điểm chính là: 2 ngày tham quan khu bảo tồn Cửu Trại Câu (Tứ Xuyên), 1 ngày tham quan núi cầu vồng Trương Dịch (Cam Túc), 1 ngày tham quan núi Hoàng Long (Tứ Xuyên) và 1 ngày nghỉ ngơi mua sắm ở Thành Đô (Tứ Xuyên) trước khi bay về. Số ngày còn lại giành cho việc di chuyển.

Ngày 1 – T6 – 30/10/2015: Hà Nội – Thành Đô (Bay Vietnam Airline)
Ngày 2 – T7 – 31/10/2015: Thành Đô – Cửu Trại Câu (bus)
Ngày 3 – CN – 1/11/2015: Tham quan Cửu Trại Câu – Tối ngủ ở làng Tạng
Ngày 4 – T2 – 2/11/2015: Tham quan Cửu Trại Câu ngày 2
Ngày 5 – T3 – 3/11/2015: Cửu Trại Câu – Lanzhou – Zhangye (Bus + tàu)
Ngày 6 – T4 – 4/11/2015: Zhangye – Danxia ( tham quan núi Cầu Vồng) – Zhangye – Lanzhou (bus + tàu)
Ngày 7 – T5 – 5/11/2015: Lanzhou – Cửu Trại Câu (bus)
Ngày 8 – T6 – 6/11/2015: Cửu Trại Câu – Hoàng Long (tham quan núi Hoàng Long) – Songpan (hết vé bus, thuê xe riêng)
Ngày 9 – T7 – 7/11/2015: Songpan – Thành Đô (bus)
Ngày 10 – CN – 8/11/2015: Thành Đô – Hà Nội


Nếu eo hẹp về mặt thời gian và tài chính, cũng như mục đích chỉ là những ao hồ trong vắt đủ màu thì các bạn có thể cắt ngày thứ 5,6,7 trong lịch trình và nhảy sang ngày thứ 8 luôn vẫn khớp
____________________________________________________________________________________

C H I   P H Í

Phải nhắc lại rằng chi phí của mỗi chuyến đi phụ thuộc rất nhiều vào người đi. Có những người sẵn sàng tiêu nhiều tiền để có một chỗ ở sang trọng, thử đủ các loại đặc sản trong vùng nhưng cũng có những người ko quá quan trọng điều ấy. Nhịn ăn nhịn ở một chút để có tiền nhìn, ngắm, mua, chơi những cái khác. Chi phí của chúng tôi phải gọi là RẤT tiết kiệm, một phần vì trước khi đi đã tính các phương án rẻ nhất, và một phần vì toàn con gái nên chuyên ăn cũng không chiếm nhiều lắm. Việc 2 bữa ăn mì gói để một bữa cơm rau thịt cá là hoàn toàn bình thường. ( mặc dù đến ngày cuối cùng đi shopping thì tiêu tiền không nghĩ J) )
Vé máy bay: 4.200.000/người đã bao gồm thuế phí của Vietnamairlines  mua đợt khuyến mại. Thường VNA mở bán vé đi Thành Đô (CTU) vào tháng 3 và tháng 8 hàng năm (hoặc có thể nhiều hơn). Chúng tôi mất 3 ngày để canh, mỗi ngày book được một vé để đi cùng nhau. Việc mua được vé máy bay rẻ ảnh hưởng rất nhiều đến chi phí chuyến đi
Phí visa: 70$
Chi tiêu ở Trung Quốc: 2300 CNY tương đương 8tr500k (không kể tiền mua sắm quà cáp cá nhân)

Tổng chi phí cứng cho chuyến đi, bao gồm vé máy bay, visa, ăn, ở và đi lại cho chuyến 9 ngày kể trên khoảng 14 triệu. Với chi phí này, duy nhất chỉ có một lần bay chặng HAN – CTU, còn lại chúng tôi hoàn toàn sử dụng xe bus công cộng, tàu ghế cứng và các phương tiện công cộng giá rẻ khác. Ăn uống không đáng kể lắm vì khá rẻ, trước khi đi chúng tôi dự tính 60 Tệ/người/ngày tiền ăn nhưng hầu như không tiêu hết con số ấy.
_____________________________________________________________________________________

CHỖ Ở - TIP ĐỂ CÓ PHÒNG GIÁ RẺ MÀ VẪN SANG CHẢNH

1. Đặt online: Đối với những người đi Trung Quốc không nói được tiếng bản địa thì việc đặt trước khách sạn là nhất thiết nên. Các bạn có thể đặt phòng với giá khá hợp lí trên các trang agoda.com, booking.com, hostelworld.com….Tôi thường đặt phòng của www.booking.com vì site này không yêu cầu thanh toán luôn, tiền phòng sẽ trả tại khách sạn và được free hủy phòng đến sát ngày đặt. Đại loại không cần phải dùng thẻ gì cả, chỉ nhập thẻ để bảo đảm thôi, nên thẻ không có tiến cũng không sao.
Ở Thành Đô, hai lần chúng tôi đều ở Chengdu Dream Travel International Hostel. Hostel này quá quen thuộc cho những ai đi Thành Đô vì giá khá hợp lí và vị trí siêu thuận lợi, ngay đối diện cổng của Vũ Hầu và cách cổng phố cổ Cẩm Lý có 5 phút đi bộ.

2. Tìm khách sạn ở bến xe: Toàn bộ nhà nghỉ trong các ngày còn lại, chúng tôi không đặt trước. Ở những khu vực có nhiều điểm du lịch ở Trung Quốc có đặc điểm là xe khách vừa cập bến, có rất nhiều người làm dịch vụ xe cộ và ăn ở sẽ chờ bạn để mời bạn sử dụng dịch vụ của họ (nói thẳng ra là “cò” nhà nghỉ, tour các kiểu ấy). Chúng tôi đã có kinh nghiệm này khi đi Lệ Giang đầu năm nay, nên áp dụng nó cho chuyến này, miễn là bạn hiểu tiếng Trung họ nói gì, hoặc không hiểu thì cố mà hiểu. Những người này sẽ cầm theo ảnh chụp phòng khách sạn, giơ cho bạn xem và rao giá. Thường thì giá rẻ hơn nhiều so với những nhà nghỉ có thể tìm thấy trên mạng, vì những nhà nghỉ này của người dân địa phương không có nhiều điều kiện sử dụng dịch vụ đặt phòng. Ngoài ra chúng tôi có thể mặc cả thoải mái. Ở Cửu Trại Câu, bà chủ người Tạng mời chúng tôi ở nhà bà với giá 150 Tệ/phòng rồi xuống dần dần còn 110 Tệ/phòng cho ba người. Thực với giá ấy, bạn chỉ có thể ở dorm nhiều người, dùng chung nhà tắm và nhà vệ sinh nếu đặt online. Còn ở đây, chúng tôi có một phòng hai giường đôi sạch đẹp, ghế salon đệm nhung, nước nóng dùng mãi không hết, giường nào cũng có đệm sưởi và đặc biệt chủ nhà sẵn sang đưa đón chúng tôi đi và về khu bảo tồn.
Chúng tôi sử dụng cách này ở hầu hết các điểm, tuy nhiên nếu bạn đi vào đợt cao điểm nhất Cửu Trại Câu, không chắc nó có tác dụng vì có thể hết phòng

Phòng 110 Tệ cho 3 người đầy đủ tiện nghi
____________________________________________________________________________________

C H U Ẩ N    B Ị    T R Ư Ớ C    K H I    Đ I

1. Xin Visa: lần nào đi Trung Quốc cũng làm dịch vụ cho nhanh, mà tỉ lệ đậu dễ dàng. Visa Trung Quốc loại đi một lần phí là 70$, làm dịch vụ thêm có 5$ mà nhàn, sau một tuần sẽ có. Visa loại này chỉ được lưu trú ở Trung Quốc tối đa 15 ngày. Tính ra mỗi ngày phải mất 5$ để được ở đất Tàu, thật đắt đỏ.
Contact: Chị Hà 0912573357 – 43 Hàng Cót.

2. Thẻ sinh viên Quốc tê: hay còn gọi là thẻ sinh viên thần thánh, thẻ sinh viên kì diệu, vì nhờ có nó mà chuyến đi tiết kiệm được rất rất nhiều tiền. Nếu bạn đang là sinh viên trường Quốc Tế và có sẵn cái thẻ này thì khỏi phải làm, còn không thì hãy làm đi vì nhớ nó mà vé vào các điểm tham quan được giảm gần một nửa. Cho dù không phải sinh viên thì cũng vẫn làm được, chỉ cần file ảnh thẻ nền trắng, thông tin cá nhân và 100k là có nó (tất nhiên là fake rồi). Nếu làm đông người có thể giá sẽ rẻ hơn.
Thẻ này sẽ cho bạn giả làm sinh viên trong thời gian 4 -5 năm, nếu như bạn có dự định đi đâu ở Trung Quốc hay các nước khác có thể sử dụng thẻ trong thời gian tới thì nên yêu cầu làm thời hạn thẻ xa xa một chút.
Contact: Thy -  01659 295 316 - lethythi@gmail.com (Hà Nội)

3. Bảo hiểm du lịch: Người Việt Nam đi du lịch không có thói quen mua bảo hiểm, đặc biệt là đối với những người đi du lịch bụi thì ít khi mua để giảm chi phí. Mọi lần chúng tôi đi cũng không hay mua bảo hiểm, tuy nhiên tùy từng khu vực đến mà cân nhắc về vấn đề này. Giả như đi leo núi hay du lịch mạo hiểm, thì NÊN mua. Lần này đến Tứ Xuyên và đi Cửu Trại Câu đường đèo có phần trắc trở, cộng với đây là khu vực đã từng có động đất rất lớn nên chúng tôi đã mua bảo hiểm của AIG để đề phòng. Còn nếu không muốn, các bạn có thể miễn phần này.

4. Đồ ăn khô Việt Nam: Đây là vị cứu tinh của cả chuyến đi cho hai người bạn của tôi. Thức ăn Trung Quốc phải nói là ngon, nhưng nếu không quen thì sẽ là một vấn đề lớn. Tứ Xuyên nổi tiếng với đồ ăn cay nên tốt nhất những ai khảnh ăn thì nên chuẩn bị ruốc thịt, ruốc nấm hay bánh trái Việt để tồn tại.

5. Quần áo ấm: Thời tiết trong ngày có sự thay đổi khá lớn. Sáng sớm và đêm rất lạnh, nhưng đến trưa trời nắng gắt lại chỉ muốn cởi bỏ hết các lớp áo. Vì thế cần cân nhắc mặc nhiều lớp để làm sao vừa chịu được lạnh mà vừa giải quyết được lúc nóng.
Có thể mang theo miếng dán giữ nhiệt làm ấm cơ thế với những ai không chịu được lạnh, vì ban đêm ở đây nhiệt độ có thể xuống âm độ và núi Hoàng Long đã có tuyết rơi.

6. Các phần mềm vào facebook/google cho điện thoại: Hầu hết tất cả các nhà nghỉ, kể cả nơi công cộng ở Trung Quốc đều có wifi free. Có khi đứng ngoài cổng Cửu Trại Câu vẫn có wifi phủ sóng rất rộng. Tuy nhiên mạng ở Trung Quốc có như không có, vì họ chặn phần lớn các mạng xã hội Facebook, Google, Youtube, Istagram…điện thoại của tôi dùng android mọi phần mềm đều sync với Google nên hầu như chẳng vào được gì. Trung Quốc có trang tìm kiếm riêng là www.baidu.com giống như google, tuy nhiên các kết quả tìm được cũng chỉ nội địa thôi và phần lớn là tiếng Trung. Vì vậy, trước khi đi nên ở nhà tải và cài đặt mọi thông tin, phần mềm, trang web cần thiết. Để vào facebook và google, các bạn có thể dùng các phần mềm như ultra surf, vpn, hotspot shield….

7. In cách viết và cách đọc một số từ (nếu không biết tiếng Trung):  đặc biệt là tên các địa danh, tên món ăn, các nhu yếu phẩm cần mua. Người dân họ không đọc được phiên âm, hoặc là cho họ xem hình ảnh, hoặc là cho họ xem chữ Hán. Cái này nên chuẩn bị cả một list các tên, cách viết chữ Hán, phiên âm, cách đọc rồi in ra mang theo người. Nếu dùng smartphone, có thể lưu lại file trong điện thoại. Tốt nhất nên có người nói nghe đọc được tiếng Trung đi cùng đoàn thì sẽ dễ dàng hơn
___________________________________________________________________________________

M Ộ T   S Ố   L Ư U    Ý   K H I    Ở   T R U N G   Q U Ố C

1. Đồ ăn Tứ Xuyên:  Tứ Xuyên nổi tiếng với lẩu và đồ ăn siêu cay. Đối với những ai kén ăn và không ăn được cay thì việc gọi thức ăn cần phải rất cẩn thận. Người Trung Quốc nấu ăn món nào cũng nhiều dầu mỡ và ớt, đặc biệt ở Tứ Xuyên hay sử dụng một loại hạt họ mắc khén cho tất cả các món ăn, hạt này gây tê lưỡi và khiến vị giác khó tả (tôi cảm thấy ăn mọi thứ vào bị lợ lợ và buồn nôn). Có lần chúng tôi đã yêu cầu nhà bếp nấu cơm không cay, không hành, không dầu mỡ...nhưng họ vẫn xào nấm thịt với hạt ấy và cả lũ bỏ nguyên vì hai đứa đi cùng tôi kén ăn, tôi thì cũng không mặn mà với cái vị ấy lắm vì quả thực không thấy ngon. Còn lại các thức ăn khác thì siêu cay do nhiều ớt nên rất nóng. Vì vậy ăn uống cần bổ sung nhiều rau quả cho người cân bằng. 

2. Nhà vệ sinh: Nỗi kinh hoàng mỗi lần đi Trung Quốc là đây. Do văn hóa, người Trung Quốc vẫn thích dùng xí xổm hơn là xí bệt (ko hiểu sao), nên đa số các nhà vệ sinh ở đây là xí xổm, chỉ trừ nhà nghỉ ở khu du lịch hoặc nhà hàng sang chảnh. Ngay ở hostel ở Thành Đô, khu vệ sinh cũng có hai loại là "Chinese toilet" và "Western toilet" - đương nhiên chúng tôi dùng Western Toilet. Còn ở những nơi công cộng như nhà ga, bến xe, bến dừng nghỉ, các cửa hàng ăn...đều là xí xổm và luôn luôn có thứ mùi rất dễ tả không bao giờ hết. Ở những nhà ga lớn thì còn có phần sạch sẽ (nhưng vẫn mùi), còn nếu chẳng may buồn vệ sinh ở giữa chặng và phải vào những điểm dừng nghỉ thì thôi không dám miêu tả luôn. 
Đa số các nhà vệ sinh công cộng đều thu phí 1 - 2 Tệ/người. Và phần lớn là không có giấy vệ sinh, phải tự chuẩn bị. 

3. Nhớ cầm theo 1 cuộn giấy vệ sinh (ko lõi) đế đi đâu cũng có để dùng. WC công cộng ở đây ko có giấy và phải mua gói giấy ăn bé bé.

 _____________________________________________________________________________________

P H Ư Ơ N G   T I Ệ N   Đ I   L Ạ I


1. Từ Sân bay về trung tâm Thành Đô
- Shuttle bus (recommend): Nếu như bạn đặt chỗ nghỉ ở Dream travel youth hostel hoặc các nhà nghỉ ở khu vực đường Vũ Hầu thì tiết kiệm và nhanh nhất là mua vé Shuttle Bus. Xe sẽ dừng ở cổng to Vũ Hầu, ngay đối diện Dream travel hostel luôn và giá chỉ 10 Tệ/người. Quầy mua vé Shuttle bus nằm ở ngoài cửa ra của sân bay, tên là Chengdu Express màu vàng chóe.
- Taxi: Taxi về trung tâm có giá khoảng 50 -60 Tệ. 
- Xe khách sạn: Các khách sạn cũng sẽ đón khách. Tuy nhiên giá cước tính theo chuyến, 80 Tệ/chuyến chia đều cho số khách. Vì thế đi càng đông càng rẻ. Tùy khách sạn có dịch vụ đón sân bay với giá khác nhau (gọi hoặc email để hỏi)

2. Đi lại nội thành
- Xe buýt công cộng: Trong lịch trình này, chỉ Thành Đô (Chengdu), Lan Châu (Lanzhou) và Trương Dịch (Zhangye) là có xe buýt công cộng. Tùy tỉnh thành mà giá xe buýt là 2 Tệ, 1.5 Tệ và 1 Tệ. Xe buýt ở đây không có phụ xe, chỉ có lái xe và khi lên xe sẽ thấy cái hộp tiền ở ngay cạnh lái xe, ghi số tiền phí, khi lên thì nhét tiền vào đó. Bạn phải chuẩn bị tiền lẻ vì không ai trả lại tiền thừa đâu, hoặc nếu không có tiền lẻ phải chấp nhận mất số tiền thừa. (Trung Quốc còn kém xa Nhật ở khoản này, vì bus của Nhật tự động trả tiền thừa)
- Taxi: Taxi ở Trung Quốc khá rẻ. Giá mở cửa là 8 Tệ và nếu đi loanh quanh không xa lắm thì rất rẻ. Chúng tôi đi từ Hostel ở Vũ Hầu đến trung tâm mua sắm ở Quảng Trường Thiên Phủ có 15-16 Tệ hoặc ra bến xe đi CTC là 11 Tệ. Ở Trung Quốc rất khắt khe số người được phép chở trong xe, taxi 4 chỗ sẽ không nhận thêm người nếu bạn chỉ dư có một người. 
Ngoài ra taxi ở đây cũng có thể thỏa thuận giá. Đặc biệt ở các bến xe, tàu có thể tìm thấy những xe taxi trả giá. Kiểu này có thể áp dụng đối với những chặng đi xa xa, không ước lượng được số tiền, thì cứ hỏi lái xe tao đi từ bến xe A sang bến xe B bao nhiêu tiền, rồi mặc cả đến khi nào hai bên cùng xuôi thì đi. 

3. Di chuyển xa
Việc di chuyển từ Thành Đô đi Cửu Trại Câu, từ Cửu Trại Câu đi Hoàng Long, Trương Dịch sẽ viết rõ cụ thể trong từng bài. Mọi review cũng như chi tiết chuyến đi từng nơi cũng sẽ có trong từng bài dưới đây. 
* THÀNH ĐÔ - CỬU TRẠI CÂU
* CỬU TRẠI CÂU - LAN CHÂU - TRƯƠNG DỊCH - NÚI CẦU VỒNG
* CỬU TRẠI CÂU - HOÀNG LONG - SONG PAN
* SONG PAN - THÀNH ĐÔ
_____________________________________________________________________________________
Dựa vào những thông tin trên đây, hi vọng phần nào các bạn có thể tự xây dựng cho mình một lịch trình đi thăm các thắng cảnh phía Tây Trung Quốc một cách hợp lí và trọn vẹn!
All post and photos by NK. Được tạo bởi Blogger.

Popular Posts