Mặc dù không nói dưới 3 lần là sẽ không đi tàu đường dài ở Việt Nam nữa nhưng rồi cả 26 tiếng vừa qua vẫn ngồi đóng đinh một chỗ trên cái ghế số 15, toa 8, tàu Thống Nhất Bắc - Nam vào Tuy Hòa.

Có một cái rất thú vị của việc đi tàu đường dài là sẽ gặp rất nhiều các hành khách khác nhau, từ những địa phương khác nhau, hoàn cảnh khác nhau, điểm đến khác nhau...chẳng ai giống ai...nhưng ai cũng có những câu chuyện của riêng mình.

Quãng đường 26 tiếng, ghế số 15 co chân gác chân cố định mỏi cổ oặt oẹo và chỉ đứng dậy đúng 2 lần - một lần vào wc và một lần đi vứt rác. Từ ghế số 15, có nghe, có nhìn được những câu chuyện.

- Ghế số 16 chặng đầu: một cựu chiến binh đi khám mắt ở Hà Nội, trên đường về Hà Tĩnh. Bác này không ngồi yên được một chỗ, thi thoảng phải đứng dậy đi đi lại lại, ngồi lên thành ghế, và bắt chuyện với tất cả những ai có thể bắt chuyện. Đó là lí do ghế số 15 nghe được nhiều câu chuyện. Bác thích ăn ớt, mua cơm tàu phải ăn đến 4 quả ớt, khi đi chẳng mang hành lí gì ngoài một cái túi bóng trắng nhẹ nhàng, mà bên trong có cả một tập giấy ăn "cho mình mượn".
- Cách một hàng ghế về phía trước, cả một gia đình người Pháp đi du lịch. Đứa bé tóc đỏ xoăn tít, tầm 2-3 tuổi thu hút mọi chú ý của cả toa, ai cũng thích cũng sờ cũng xoa cũng cho kẹo. Đoán đúng họ ghé ga Ninh Bình, đi Tràng An - Tam cốc bích động, rất tiếc trời miền bắc mưa quá, ko biết chuyến đi ra sao.
- Hàng ghế phía bên kia, ngang hàng với số 15 là một đôi vợ chồng già. Phong phanh cụ ông đã trên 80, cụ bà 75 tuổi. Hai cụ đi từ Vĩnh Yên về Đà Nẵng, ngồi ghế mềm...mà không hệ tỏ ra mệt mỏi. Xe đẩy thức ăn đi qua, cụ bà mua hai cây xúc xích, hai trứng lộn, mỗi người một phần thưởng thức. Cụ ông mỏi chân, ngồi ngang ghế, gác chân lên đùi cụ bà. Tối đến hai ông bà dựa vào nhau ngủ - như là còn xuân. Phải chi đến già, có được người cùng hưởng cùng sẻ chia như vậy.
- Cả hai hàng ghế đằng sau, các bác cựu chiến binh chiến đấu ở chiến trường Đà Nẵng bắt tàu vào kỉ niệm 40 năm giải phóng Đà Nẵng. Các bác lâu ngày ko gặp, hàn huyên tâm sự cả đêm, đến sáng 7h tàu đỗ tại sân ga Đà Nẵng, vẫn không hết rì rầm. Về hưu rồi, nhàn tênh, bắt chuyến tàu đi cùng đồng đội cũ, hỏi sao lại từ chối?
- Ghế sô 16 chặng 2: từ Hà Tĩnh có anh trẻ măng ngồi bên, rì rầm nói chuyện điện thoại. Con khóc đòi bố buổi đêm, bố bảo bố đi làm cuối tuần bố về, con đừng khóc, đi ngủ đi. Anh xuống Đông Hà, Quảng Trị.
- Ghế số 16 chặng 3: cứ tưởng được duỗi hai chân, nằm hai ghế, ai dè nửa đêm đến Đông Hà vẫn có người lên. Chị này ngồi đến gần ga Đà Nẵng thì cũng đi mất luôn.
- Sáng sớm đến Đà Năng, người trên toa 8 xuống gần hết. Lại một lượt người mới lên tàu.
- Ngồi đằng sau là một bác bắt tàu từ Vinh vô Sài Gòn đi chơi với bạn. Lại một bác hưu rảnh rang, tự dưng nghĩ hôm nào động viên bố đi chơi, quay về chiến trường xưa hay thăm bạn chẳng hạn. Rảnh mà, đi cho vui, cho khuây, có mẹ cùng đi càng tốt. Bác lại bắt chuyện, kể chuyện 10 năm trước cũng làm thủy điện sông Hinh ở Tuy Hòa. Bác vô Nam chơi rồi quay ra Tuy Hòa 1-2 ngày xem nó đổi mới ra sao. Bên cạnh cũng là một chú, làm công trình ở Quảng Ngãi, ít việc, nhắn nhủ đồng nghiệp ở lại rồi xách ba lô lên và vô Sài Gòn chơi vài bữa. Ha, mọi người đi chơi nhiều quá ha, cũng như mình vậy.
- Phía trên số 15 giờ là hai cha con, thằng bé chắc độ lớp 1 - 2 nói liến thoắng. Hai cha con đi Quảng Ngãi thăm ông bà nội, rồi trở về Sài Gòn.
- Trên nữa hai cô bé Đà Nẵng vào Quy Nhơn chơi, chắc là du lịch hay bạn bè gì đó.
- Ghế số 16 chặng 4: ai đó ngồi cạnh, mệt lắm rồi...chẳng để ý nữa.

....đến ga Tuy Hòa kia rồi, xách ba lô, cầm mũ và tạm biệt toa số 8.


Ảnh: Suất double cheese burger của minh - hai miếng burger phủ phomai và có nhân phomai luôn. 
_____________________________________________________________________________________

Lần đầu tiên mình biết đến món ăn này là khi xem một tập của bộ phim Nhật Bản - Osen - bộ phim mình  rất thích về những câu chuyện xung quanh một nhà hành Nhật Bản truyền thống. Sau ấy, thỉnh thoảng mình vẫn tự chế món "Cơm burger" này theo những gì đã xem trong phim và theo cảm tính của bạn thân. Về sau này, có cơ hội được thưởng thức nó trực tiếp tại Nhật, mùi vị và phong cách đã được điều chỉnh để đi theo vị giác - những gì đã được ăn - và thị giác - những gì nhìn thấy. Thực đơn của Cơm burger ở Nhật rất phong phú, một suất có thể là một đến hai miếng burger, burger kèm trứng ốp, burger nhân phô mai, burger và thịt bò sốt...ăn kèm salad ngô, rau củ và đương nhiên là một bát súp miso cùng cơm trắng.

Ảnh: Hôm mình đi ăn món này ở Fukuoka, mỗi người order một kiểu ăn no căng luôn. 

Món ăn này theo như nội dung phim thì không phải món truyền thông của Nhật (đương nhiên rồi vì Nhật đâu có truyền thống burger). Nhưng người Nhật đã chế biến nó theo khẩu vị của mình và làm nó phù hợp với thói quen ăn cơm, khiến nó lại thành một món rất đặc sắc. Mình đã làm món này nhiều lần, xem rất nhiều video clip và tham khảo nhiều công thức, giờ tự tin làm ra nó đạt tiêu chuẩn bản thân rồi. Với mình thì một suất gồm 1 miếng burger và kèm rau củ là đủ, không cần nhiều hơn vì nếu đủ như một suất nhà hàng thì hơi quá tải cho mình. 
Công thức dưới đây mình làm đủ cho 6 người ăn (toàn con gái ;)) )
________________________________________________________________________________

J A P A N E S E     S T Y L E    B U R G E R    S T E A K

| Nguyên liệu |

phần burger 

  • 200g thịt bò xay
  • 200g thịt lợn xay
  • 1 quả trứng gà
  • 1 củ hành tây
  • 2/3 cup bột cà mì/bột chiên xù/vụ bánh mì 
  • 1 tps nước tương
  • 3 tbsp sữa tươi không đường
  • Muối, tiêu 
  • Dầu ăn
phần nước sốt

  • 1/2 cup rượu vang đỏ
  • 1 tbsp ketchup
  • 1 tbsp sốt tonkatsu 
  • 1 tsp mù tạt vàng
  • 1 tsp nước tương
Đồ ăn kèm: Rau củ luộc chín như súp lơ xanh, đỗ, cà rốt, ngô....
_________________________________________________________________________________

| Cách làm |

Phần burger

  • Trong một tô trộn, trộn đều thịt bò và thịt lợn xay, dùng tay (đeo bao nilon) bóp thật nhuyễn thịt với nhau
  • Hành tây bóc vỏ, băm nhỏ. Bắc chảo lên bếp, chảo nóng thì cho một 2 thìa dầu ăn vào chảo rồi cho hành tây vào xào khoảng 4-6 phút đến khi hành tây chuyển màu nâu vàng thì bắc ra.
  • Đổ sữa vào bát một cà mì/chiên xù. Vì hôm trước nhà mình có thừa một ít bánh mì, nên mình nướng thật giòn bánh và bóp vụ ra để thay thế bột chiên xù mua sẵn. 
  • Cho 3/4 số hành tây, bát sữa bột chiên xù, nước tương vào trộn cùng thịt xay. Đập trứng vào trộn tiếp, nêm nếm tiêu và muối một ít. Dùng tay bóp đều các nguyên liệu, lúc này thịt rất dẻo, dính vào ướt.
  • Chia hỗ hợp thịt làm 6 phần bằng nhau, nặn tròn rồi ấn dẹt ra thành hình miếng burger. Dùng ngón tay ấn vào giữa cho lõm, dàn miếng thịt mỏng thôi, vì sau này khi dán thịt càng ngày càng co vào.
  • Bắc chảo lên bếp, cho một ít dầu ăn vào, cho miếng burger vào chiên mỗi mặt 3 phút. Sau đó đỏ rượu vang vào chảo thịt, rồi đậy nắp chảo lại khoảng 5 phút. Nếu rượu bay nhanh và cạn nhanh, có thể thêm một ít nước lã. 
  • Sau khi thịt chín, lấy tăm chọc vào giữa miếng thịt sẽ thấy nước thịt chảy ra. Dùng xẻng đưa thịt ra đĩa môi người một phần. Nước thịt và rượu còn lại dùng để làm nước sốt.
Phần nước sốt

  • Cho 1/4 số hành tây còn lại vào phần nước thịt vừa chiên, thêm nước tương, sốt cà chua và sốt konkatsu, mù tạt vàng vào đun lửa nhỏ đến khi thấy sốt có độ sánh thì tắt bếp.
Trình bày

  • Xếp miếng burger ra đĩa, bên cạnh để một vài miếng cà rốt và súp lơ xanh luộc. Rưới nước sốt lên miếng thịt, rắc thêm tí hành lá. Ăn nóng với cơm.
  • Đối với rau củ ăn kèm, cố gắng chọn loại rau luộc cho dễ ăn mà ko ngán, và trình bày với các rau màu sắc khác nhau để món ăn thêm bắt mắt: ví dụ carot da cam, rau xanh, ngô vàng...
________________________________________________________________________________





La Bình là điểm dừng chân cuối cùng trong chuyến đi loanh quanh Vân Nam của chúng tôi. Kế hoạch đi Vân Nam cũng khởi đầu bởi La Bình, khi chúng tôi cà phê chuyện trò và trao đổi ảnh của các nhóm đi trước chia sẻ những bức ảnh cải bạt ngàn hút tầm mắt. 
La Bình (Luoping - 罗平) là một huyện thuộc tỉnh Vân Nam, Trung Quốc, cách thành phố Côn Minh - thủ phủ của Vân Nam 228 km về phía Đông. Mỗi mùa xuân về cũng là mùa La Bình tấp nập khách từ khắp nơi đến săn đón khoảnh khắc "vàng" với những cánh đồng hoa cải trải dài bất tận, những ruộng bậc thang cải vàng tầng tầng lớp lớp. Với những đứa máu dịch chuyển và thích chụp ảnh như chúng tôi, thì cứ mỗi mua hoa về lại là thời điểm phải nhấc mông lên và đi. Hoa cải trắng Mộc Châu, tam giác mạch Hà Giang, hoa mơ hoa mận Tây Bắc...chúng tôi chẳng bỏ qua mùa nào. Nhưng có lẽ La Bình ấn tượng hơn cả vì chúng tôi chưa bao giờ thấy những cánh đồng hoa nào lớn và rộng đến thế. Nói La Bình là thiên đường hoa cải cũng không sai, những cánh đồng trải dài hàng km, thậm chí ở đây còn có cả dịch vụ ngắm hoa cải bằng trực thăng. 
____________________________________________________________________________________

C Ô N   M I N H  -  L A   B Ì N H

* Tàu hỏa: Từ Côn Minh đến La Bình có tuyến tàu là tàu Côn Minh - Quảng Châu, và La Bình nằm ở giữa. Một ngày có khá nhiều tàu đi La Bình, nhưng ở đây người dân đi lại bằng tàu khá nhiều nên cần mua vé trước 1-2 ngày cho chắc ăn. Mua vé cần mang theo hộ chiếu/ID.
* Xe khách: Vì quá gấp đi luôn trong ngày nên chúng tôi không mua được vé tàu nên hai đứa lại lóc cóc bắt xe bus đi ra bến xe phía Đông để mua vé xe khách. Từ ga Côn Minh, có thể dễ dàng bắt xe bus trực tiếp đi các bến xe phía Đông, Tây, Nam, Bắc - giá trung bình là 4 - 5 CNY/người. Từ nhà ga Côn Minh đi bến xe phía Đông (Kunming Dongbu 昆明东部客运站) mất khoảng 20 - 30 phút, xe đi một mạch đến bến xe chứ không dừng ở đâu cả, điểm duy nhất trả khách chính là bến xe. Vé xe Côn Minh - La Bình là 63 CNY, thời gian di chuyển là 3,5 giờ đồng hồ. 

Thời điểm chúng tôi đi La Bình là mùa mà rất nhiều người từ Côn Minh đến đây chụp ảnh hoa cải, vì thế mật độ hành khách có vẻ cao hơn bình thường. Vì thế chúng tôi không mua được vé đi ngay mà phải chờ mất 2 tiếng ở bến xe mới được khởi hành. Mệt mỏi với chặng đường gần 700km từ Shangri-la về Côn Minh, chúng tôi kéo lê vali vào ngồi quán Disco's (một thương hiệu gà rán - burger rất phổ biến ở đây) với hy vọng trông nó sạch sẽ hi vọng chúng tôi có thể dùng restroom để thay quần áo. Tuy nhiên không như vẻ bề ngoài của một nhà vệ sinh sang chảnh, hai phòng vệ sinh vẫn bẩn và vẫn mùi như bao nhà vệ sinh công cộng khác ở Vân Nam. Vậy mà thậm chí chúng tôi phải chờ một "nữ tú" nào đó chui vào đấy buôn điện thoại những 10 phút trong khi chúng tôi đi ra đi vào và không thể chịu được 2 phút. (Ọe)

Bến xe La Bình chộn rộn, con đường phía trước bên xe luôn trong tình trạng ách tắc do phố nhỏ, ngõ nhỏ (nói là nhỏ nhưng vẫn rất to hơn ngõ phố Hà Nội ^^!) và nhiều người đi lại. Khác hắn với Côn Minh đường 5 làn rộng thênh thang, La Bình có phần chật chội, ồn ào, bụi bặm và thiếu quy củ hơn. Xe bus ở đây có thể bắt trả khách ở bất kì đâu trên đường, thay vì chỉ dừng đỗ ở điêm đón xe bus. Người ta nói ở La Bình chỉ nên đến vào mua xuân, khi hoa cải nở. Còn những mùa khác, hầu như chẳng ai đến vùng xa xôi hẻo lánh này, vì không có mấy điểm vui chơi thu hút. Chuyến đi này chúng tôi chỉ có một mục đích duy nhất là hoa cải, vì vậy chúng tôi chỉ đi đến hai điểm được đánh giá cao nhất ở đây là thôn Kim Kê (Jinji Ling) 金鸡岭 với những cánh đồng cải bạt ngàn và Ruộng Ốc Sên (Luositian) 螺蛳田 là những ruộng bậc thang cải xếp theo hình vòng cung trông như vỏ ốc sên.
___________________________________________________________________________________
Đồng cải ở Jinji chụp từ trên một đỉnh đồi

T H Ô N   K I M   K Ê  - J I N J I   L I N G - 金鸡岭 

Đến Jinji Ling: Thôn Kim Kê cách bến xe La Bình chừng 20-30 phút ô tô. Để đến đây, phương tiện duy nhất là bắt xe Banqiao, giá 5 CNY/người tại bến xe khách La Bình. Đến Kim Kê, người thu vé sẽ bảo xuống, và rất nhiều người xuống ở đây, nơi rất dễ nhận ra vì có rất nhiều khách đang chụp ảnh, xe trâu xe bò khắp nơi phục vụ du lịch.
Cái từ Banqiao lần đầu tiên xuất hiện trong từ điển tiếng Trung của chúng tôi. Tôi thì không nói làm gì vì biết rất ít tiếng Trung, nhưng bạn đồng hành của tôi - phiên dịch chính của chuyến đi cũng phải bó tay vì không biết nó là xe gì. Một khó khăn rất lớn nữa ở đây là La Bình là vùng nông thôn, người dân dùng tiếng địa phương rất khó nghe. Bạn hãy thử tưởng tượng bạn là người nước ngoài và đi du lịch ở Quảng Nam, Quảng Ngãi mà nghe tiếng Việt như thế nào thì chúng tôi rơi vào cảnh như thế. Sau một hồi hỏi han quan sát chúng tôi cũng xác định được Banqiao là loại xe bus màu trắng, điểm chữ đỏ, đón trả khách bên trong bến xe La Bình và chuyên vận chuyển khách đến các địa điểm xa hơn mà không nằm trong phạm vi của xe bus công cộng (Hay có thể nói là xe đi ra ngoại thành). Mặc dù ở huyện, nhưng ở đây vẫn chấp hành rất nghiêm khắc về trọng tải xe. Nếu bạn đã ngồi đủ ghế trên xe thì nhà xe sẽ không nhận thêm khách nữa đâu. Suốt quãng đường chúng tôi hết ố á lại cười mãn nguyện vì cảnh sắc hai bên đường thực sự là ngoạn mục. Cải, cải, cải và cải trải dài hàng km, đẹp vô cùng. Đến thôn Kim Kê, không khó để tìm nhà nghỉ ở đây, chúng tôi chẳng đặt trước hay biết thông tin gì, nhưng cũng đi bộ tìm được chỗ nghỉ quanh đó. Tuy nhiên ở đây xa trung tâm nên nhà nghỉ không được đầy đủ cho lắm, chúng tôi không thuê được phòng có toilet riêng và thậm chí không có nhà tắm (may mà trời lạnh nhu cầu tắm cũng không cao). Nếu muốn tiện nghi, có thể ở các nhà nghỉ ở trung tâm La Bình, xe cộ đi lại cũng rất thuận tiện đến các điểm chụp ảnh.

Cải ở đây đúng là cải Trung Quốc, cao hơn đầu người chứ không thấp ngang hông như ở Việt Nam đâu

Hoa cải ở La Bình được trồng để lấy hạt để chế biến dầu hạt cải. Ngoài ra, với diện tích hoa lớn như thế này còn là nơi để người dân ở đây tận dụng nuôi ong hút mật hoa. Do đó đặc sản ở đây còn là mật ong hoa cải,


Dễ dàng tìm thấy mật ong bày bán khắp nơi
Ở khu vực cải Kim Kê này đã trở nên nhiều dịch vụ cho khách du lịch. Có nguyên cả mấy khu vực có những con đường đi vào ruộng cải mà hai bên là các hàng bán đồ ăn, quà lưu niệm, đặc sản khu vực. Người ta còn hái hoa cải vàng, hoa dại trắng và hồng để kết làm những vòng hoa đội đầu phục vụ chụp ảnh cho các bạn gái. Tuy nhiên suốt cả thời gian ở đây, tôi không tìm thấy bất kì cô gái Trung Quốc nào đội hợp cái vòng ấy cả. Ngoài cải, có một món ngon trồng tại đây là củ cải, cà rốt. Người ta bán củ cải và cà rốt tươi mới đào ở ngay bên đường. Khi có khách người bán hàng cầm dao làm vài đường tỉa hết vỏ, thực khách cầm phần cuống xanh của củ mà ăn sống rôm rốp ngon lành, rất nhiều nước và ngọt. 
___________________________________________________________________________________

R U Ộ N G   Ố C   S Ê N  -  L O U S I T I A N  -   螺 蛳 田

Đến Loustian: Không có xe bus đi Luositian, xe đi đến đây phải bắt tại Ga La Bình. Từ bến xe La Bình hoặc trung tâm La Bình có thể bắt xe bus số 7 để ra ga. Từ bến xe rẽ phải, đi khoảng 200m gặp ngã ba thì rẽ trái, sang đường và đón xe bus số 7 cùng chiều. (Điểm đón xe số 7 gần bến xe rất dễ thấy, vì có một cửa hàng "sex toy" ngay đằng sau). Còn nếu đi từ thôn Kim Kê, bảo phụ xe là muốn ra ga, họ sẽ thả xuống ngay ngã ba mà không cần về đến bến xe.Vé bus có 1 CNY.
Đến Ga La Bình là điểm cuối, tất cả mọi người sẽ xuống xe. Đi bộ về phía ga chừng 20m nhìn sang trái sẽ thấy một bến xe ở trong có rất nhiều minibus màu xanh lá cây. Hỏi xe đi Luositian, mỗi xe chở được 7 người, giá 5 CNY/người đi đến  NiuJie 牛街 và 10 CNY đi đến Luositian 螺蛳田.

Thực ra điểm Luositian chính là một con đèo có góc nhìn đẹp nhất xuống ruộng bậc thang cải. Có cái tên này vì những ruộng cải ở đây được trồng theo hình xoắn ốc như vỏ ốc sên. Ở địa điểm Luositian có thể nhìn toàn cảnh từ bên trên xuống những "vỏ ốc sên" màu vàng rất đẹp. Vì Luositian là ở trên cao hơn NiuJie, cho nên chúng tôi đi xe thẳng từ ga lên đến Luositian để chụp ảnh. Sau khi thỏa mãn con mắt ở điểm này, chúng tôi thong dong thả bộ từ trên đèo xuống NiuJie để bắt xe đi về ga, vừa tiết kiệm được 5CNY mỗi người, lại vừa bắt gặp được nhiều góc chụp cải đẹp. Hôm ấy là thứ 7, ở NiuJie còn họp chợ rất đông đúc với nhiều sản phẩm vùng miền càng làm chuyến đi thú vị.

Một quầy hàng ở chợ phiên Niuje - toàn các đặc sản núi rừng.
Có một điểm trừ mà chúng tôi gặp phải là thời tiết và ánh sáng. Thời tiết ở La Bình ẩm hơn so với những nơi khác chúng tôi thăm thú, đêm đến có sương mù khá lạnh và sáng ra sương tan khá muộn, vì thế đến tầm 9-10h sáng vẫn không có nắng ảnh hưởng khá nhiều đến việc chụp ảnh của hai đứa. Khi lên đến Luositian, chúng tôi cũng ko có được những bức ảnh đẹp nhất do từ trên đèo nhìn xuống ruộng lại bị ngược sáng mà ko có góc nhìn nào khác. Nếu có thời gian, thì nên đi đến Luositian vào buổi chiều, như vậy mặt trời sẽ ở sau lưng, chụp ảnh đẹp hơn rất nhiều. Mặt trời ở đây lặn khá muộn, 7h30 mới là lúc hoàng hôn. Tuy nhiên 5h chiều là giờ xe muộn nhất để về Côn Minh, nên chúng tôi buộc phải rời Luositian sớm để về soạn đồ rời khỏi La Bình.

Cảnh chụp từ điểm trên đèo, bị ngược sáng.
Ảnh chụp trên đường đi bộ từ trên đèo xuống Niuje để bắt xe về La Bình.
Ảnh chụp ở đoạn dưới Niuje về phía La Bình. Chị lái xe taxi đã phải chờ chúng tôi giữa đường để chụp ảnh này rồi mới về La Bình.
Chúng tôi đến La Bình vào một buổi chiều, ở lại một đêm và rời đi vào ngay chiều hôm sau, nên phần lớn thời gian chỉ giành cho cải. Nhanh chóng đến và nhanh chóng rời đi, nhưng những khoảnh khắc và những gì đã thấy thì đọng lại rất nhiều. Đã rất nhiều lần, chúng tôi tự nói với nhau, nếu không phải là những ruộng cải này, chẳng thể tưởng tượng được hai đứa con gái chúng tôi lại tha lôi nhau đến một vùng nông thôn Trung Quốc ồn ào, chộn rộn, quê mùa như thế.
____________________________________________________________________________________

T I P S

-  Nếu không biết tiếng Trung thì tốt nhất in tên và cách đọc các địa danh, thức ăn, loại xe sẵn ra giấy. Người dân địa phương chỉ có thể đọc chữ Hán, ko đọc được phiên âm đâu.
- Đi Trung Quốc nên mang theo giấy vệ sinh, vì các nhà vệ sinh công cộng thường phải mua giấy và không được sạch sẽ cho lắm (vì nhiều người sử dụng quá, tốt nhất nên mang cả khẩu trang để hít thở cho khoan khoái :)) )
- Chi tiết để đến La Bình, có thể tham khảo thông tin bằng tiếng Anh ở đây 

La Bình - 6.3.2015

Baishutai
Có một câu nói của Mark Twain rất thích hợp để nói về chuyến đi thăm Baishuitai của chúng tôi như thế này “Twenty years from now you will be more disappointed by the things that you didn't do than by the ones you did do. So throw off the bowlines. Sail away from the safe harbor. Catch the trade winds in your sails. Explore. Dream. Discover.” Có thể tạm dịch là "Hai mươi năm về sau bạn sẽ hối hận về những gì bạn không làm hơn là những gì bạn làm. Vậy nên hãy tháo dây, nhổ neo ra khỏi bến đỗ an toàn. Hãy để cánh buồn của bạn đón trọn lấy gió. Thám hiểm. Mơ mộng. Khám phá.” Bởi, nếu như chúng tôi quyết định không đi Baishuitai nữa, chắc chắn chúng tôi sẽ hối hận, không phải 20 năm sau này và chính ngay lúc này. 
Lúc còn ở Việt Nam, tôi không hề biết đến địa danh này ở Vân Nam và cũng không hề đọc được bất kì thông tin nào của các nhóm đi trước đề cập đến. Ngay cả đến lúc lên xe đi Shangrila từ Lệ Giang rồi, chúng tôi vẫn chưa biết nó đang ở ngay gần mình thôi, cho đến khi chúng tôi gặp được hai bạn người Quảng Đông cùng chuyến xe.

Mới đầu khi nhìn thấy hai thanh niên trẻ trung sáng sủa ngồi ngay hàng ghế bên cạnh, tôi đã huých huých đứa bạn trình bày rằng hai người ấy hẳn không phải dân địa phương, ăn mặc ngon lành thế cơ mà. Ngay sau khi họ cất tiếng nói chuyện với nhau thì tôi càng chắc chắn, nếu là dân du lịch, may chăng chúng tôi hỏi han được vài thứ về Shangri-la. Bạn tôi chưa kịp hỏi chuyện thì một trong hai người đã quay sang nói câu gì đó với tôi. Tất nhiên, tôi thậm chí còn không biết là họ nói với tôi, vì tôi chẳng hiểu gì. Đại loại là họ cũng thấy chúng tôi lích kích máy ảnh, ba lô, loằng ngoằng váy áo, hẳn cũng là đang đi du lịch. Từ vài câu làm quen, chúng tôi trao đổi nhiều câu chuyện. Chúng họ ố á vì hai đứa con gái không có internet sao có thể tự đi lên đến tận đây (thực ra thì du lịch bụi Việt Nam thì ai chả giỏi). Còn chúng tôi ố á vì những điểm họ đã đi ở Lệ Giang mà chúng tôi đã bỏ qua. Và quan trọng nhất, là thông tin họ sẽ làm gì ở Shangrila. Do họ, tôi mới biết đến Baishuitai.
____________________________________________________________________________________

Dù sao thì mục đích cao cả hơn hết của hai đứa là núi tuyết. Chúng tôi đã ưu tiên ngày đầu tiên cho việc đi Thạch Ca tuyết sơn. Hai bạn Quảng Đông sau khi đặt hộ chúng tôi phòng khách sạn, chia sẻ bữa tối với lẩu bò Yak cùng chúng tôi sau khi check in, đã quyết định hủy tour đi Baishutai mà họ đã đặt, để cùng chúng tôi đi núi tuyết. Một mặt họ bảo rằng sợ hai đứa con gái nước ngoài đi núi tuyết không về được, mặt khác họ thấy ngại vì tour đi Baishuitai mất những 4 tiếng đi và 4 tiếng về. Chuyến đi núi tuyết của chúng tôi nhanh hơn dự tính, kết thúc vào buổi sáng và đến chiều chúng tôi đi Songzanlin. Vậy là chúng tôi có nguyên một ngày hôm sau ở Shangri-la trước khi lên xe về Côn Minh lúc 19h tối. Lúc này trong đầu tôi quẩn quanh việc đi Baishuitai, tôi vẫn bị những hình ảnh bậc nước màu trắng lúc xem trên iphone của bạn Trung Quốc ám ảnh.

Để chụp ảnh này bạn tôi phải mặc váy trèo cây, tuy nhiên là cái góc nó cũng không đẹp như tưởng tượng.
Tối muộn lạnh run, hai đứa chúng tôi mỗi đứa một giường một đệm điện chùm chăn tính toán. Nếu hôm sau đi Baishuitai, chúng tôi sẽ không chủ động được về mặt thời gian. Baishuitai cách Shangrila 100km đường đèo, ít nhất cũng mất 3-4 tiếng lái xe. Nếu đi tour gì giờ đã quá muộn để đặt, thuê taxi chắc hai đứa không cõng nổi kinh phí, còn nếu đi phương tiện công cộng thì...Chúng tôi tìm cách tra cứu thông tin về xe buýt đi Baishuitai mà rất ít. Một mặt vì tôi chỉ có thể sử dụng tiếng Anh hoặc tiếng Việt để search thông tin, một mặt vì mạng mẽo Trung Quốc chỉ cho tôi truy cập vào những trang web nội địa. Mãi tôi mới tìm ra có xe buýt đi Baishuitai từ bến xe Shangrila, lúc 9h sáng hàng ngày, còn xe về thì...tôi cũng chịu. Quá liều, chúng tôi nghĩ thế. 9h sáng đi, 1h chiều đến nơi, chơi ít nhất 1-2 tiếng, phải 6-7h tối chúng tôi mới về đến được bến xe Shangrila. Chuyến xe muộn nhất rời Shangrila đi Côn Minh là 7h tối. Chúng tôi từ bỏ, không đưa ra được phương án nào. Mỗi đứa lại một chăn một đệm, chúi đầu vào điện thoại, chẳng biết đứa kia đã ngủ hay làm gì. Rồi bỗng dưng có một người thứ ba từ Việt Nam đưa ra ý kiến, đã khiến hai đứa chúng tôi chốt luôn quyết định. Đã một công đi đến đây rồi, muốn đi thì đi đi, đừng để đến lúc về rồi lại tiếc. Chúng tôi sẽ đi Baishuitai, sẽ đi, và không mua trước vé về Côn Minh. Nếu như không kịp, chúng tôi sẽ ở lại Shangrila thêm một đêm.
___________________________________________________________________________________

Sáng hôm sau hai đứa dậy thu dọn hết quần áo và sắp lại vali gọn gàng kéo xuống trả phòng khách sạn. Trong trường hợp về kịp Shangri-la, chúng tôi sẽ chỉ quay lại khách sạn lấy đồ rồi ra bến xe luôn. Nhanh nhanh chóng chóng, chúng tôi ra ngoài bắt taxi ra bến xe. Sáng sớm không có chiếc nào, chỉ có một vài anh cò du lịch đến hỏi han chúng tôi. Chúng tôi có hỏi thử xem thuê xe đi Baishuitai bao nhiêu tiền, họ hét 400 CNY cho hai chiều. Chúng tôi lắc đầu chẳng buồn trả giá, đi bus sẽ chỉ mất có 30 CNY một người.
Đến bến xe lúc 9h kém 15, bạn tôi chạy đi hỏi ngay vé đi Baishuitai. Người bán vé chỉ cho chúng tôi ra xe luôn, không cần mua vé, đến nơi trả tiền thẳng cho bác tài. Vậy là chúng tôi bắt đầu hành trình đi Baishuitai - chẳng kịp ăn sáng, chỉ kịp mua gói bánh nếp ở tiệm tạp hóa gần khách sạn.

Vừa ra khỏi Shangrila là những con đường đầy tuyết trắng
Xe buýt 24 chỗ chỉ vỏn vẹn có gần một chục khách, đa phần là người dân tộc thiểu số sống ở vùng núi xung quanh đấy. Chiếc xe lọc xọc đi trên đường, khác hẳn những xe chúng tôi đã từng đi ở Vân Nam. Có lẽ vùng này xa xôi quá, nên chiếc xe nó cũng thể hiện sự tách biệt với thế giới lướt nhanh và êm bên ngoài kia.
Ngay khi bác tài đưa xe ra khỏi trung tâm Shangri-la, những khung cảnh thần tiên lại dần dà xuất hiện. Ban đầu là khu vực dân cư bắt đầu thưa thớt dần. Mạn phía ngoài trung tâm mới là nơi có nhiều nhà truyền thông kiến trúc Tây Tạng, các nhà đều có hai tầng với những cột chống khổng lồ, khoảng sân rất rộng với tường rào bằng gạch đất và cửa sổ nhiều họa tiết. Những ngôi nhà phủ tuyết trắng, đôi khi lấp ló màu úa của rơm, của cỏ. Thỉnh thoảng lại có chú bò Yak thẩn thơ bên ngoài. Nhiều khi tôi tự hỏi có thật mình đang ở đây, tận mắt chứng kiến những khung cảnh này, những thứ xa vời và khác lạ với mình mà mới chỉ thấy qua màn ảnh nhỏ.
Khu dân cư dần biến mất khỏi tầm mắt, xe chúng tôi bắt đầu đi ra mạn ngoài chỉ có sông suối và núi rừng. Những con sông mùa xuân chẳng còn nước, chỉ còn một vài dòng chảy mảnh mai uốn lượn bên bờ trắng xóa. Những đàn bò, đàn ngựa màu nâu, màu đen điểm xuyến những chấm trên nền trắng muốt. Rồi chúng tôi đi vào những con đường xuyên vào núi, hai bên khi là vực khi là sườn núi thẳng đứng đang cõng những tảng tuyết dày nặng trịch đang bắt đầu tan dần. Tuyết vẫn rơi, theo gió xoáy vào cửa sổ xe buýt. Đôi khi thấy cảnh đẹp quá, tôi lăng xăng cầm máy lên phía trước chụp, rồi lại đi xuống phía sau. Cuối cùng một anh chàng ngồi ghế trên cạnh lái xe phải chủ động nhường ghế cho tôi vị trí ấy chụp cho đẹp.
Phải nói là, nếu như Baishuitai không đẹp như những gì chúng tôi mong đợi, thì quãng đường mà chúng tôi được chứng kiến cũng đủ để chúng tôi bỏ ra công sức. Có mấy khi được chứng kiến cảnh đất trời hùng vĩ thế này đâu. Tôi quen với đèo, với sông, với núi Tây Bắc Việt Nam là thế. Nhưng cảnh những con đèo ấy phủ đầy tuyết thì ắt sẽ để lại ấn tượng kiểu khác.

Cảnh trên đường, đoạn này rất đẹp, ngồi trên xe khó có góc để chụp.
____________________________________________________________________________________

Chúng tôi đến nơi vừa tròn 12 giờ trưa. Baishuitai nằm rất gần làng Baha về phía Bắc. Trong cả quãng đường đi, chúng tôi có nghỉ một lần. Bác tài đi trên đường gặp ai cũng quen, cũng cười và chào hỏi. Tôi đoán mọi người trên quãng đường này đều biết bác, chắc vì cả ngày chỉ có chuyến xe này và một chuyến nữa đi qua đây. 
Ở điểm bán vé lên Baishuitai chỉ có một tiệm tạp hóa và một quán ăn. Mùa này không có khách du lịch nên mọi thứ đều vắng vẻ. Mỗi vé tham quan giá 30CNY, chẳng có người soát vé nữa. Bác bảo vệ, bác bán vé và bác soát vé là cùng một người vì chẳng có mấy khách cả. Chúng tôi không ăn trưa, đi lên đến nơi với hai thanh snicker mà hai bạn Quảng Đông mua hôm trước để đi núi tuyết mà chưa kịp ăn. Ngay đường vào Baishuitai có rất nhiều người dân - chủ yếu là dân tộc Naxi (Nạp Tây) đang chăn ngựa ở đó. Chỗ này có suối nhỏ chảy từ trên núi xuống, nên họ chăn ngựa ở đây, đồng thời làm dịch vụ cho thuê ngựa luôn. 


Đường lên Baishuitai như thế cả năm trời rồi không có khách du lịch. Những bậc thang được làm bằng các thanh gỗ to bắc ngang bị xô lệch, có đoạn còn mất đi những 3-4 bậc, hoặc gỗ đã mục. Tôi đoán chắc có khách họ cũng chẳng đi bậc thang mà đi đường đất ở bên cạnh. Tôi vừa đi bậc thang vừa đi đường đất, và tự hỏi một năm có bao nhiêu khách, tiền mua vé tham quan của chúng tôi được sử dụng để bảo tồn cái gì ở đây? Tôi còn lo lắng, vắng vẻ và hoang sơ thế này, liệu cảnh ở bên trên kia có làm tôi thất vọng. 
___________________________________________________________________________________

Chúng tôi lên đến nơi, một khoảng đất rất rộng hiện ra với những cái ao nhỏ trong vắt, chỗ xanh ngắt màu trời, chỗ lại nhuốm màu lá mạ của rêu. Từ trên đây, chúng tôi có thể nhìn thấy cả Baha ở bên dưới, là một thung lũng màu xanh, rất khác so với những thung lũng chung tôi đã đi qua và thấy trên đường chỉ nhuốm màu cỏ úa và tuyết trắng. Nước từ trên núi tuyết chảy xuống làm mòn đất và đá, lưu lại những cái ao nhỏ, và lại chảy xuống sườn núi đá tạo thành những cái bậc thang chứa nước mà người ta gọi là Baishuitai - White water tarrace - Bậc thang nước trắng.

Từ trên Baishuitai nhìn xuống thung lũng
Cái ao nhỏ trong vắt với hình dáng ngoằn nghèo phía trên bậc thang



Thời tiết rất đẹp. Nắng to đôi khi tôi còn thấy nóng phải cởi áo khoác ngoài. Nhưng chỉ cần một đám mây ngang qua kèm một cơn gió, chúng tôi lại co ro. Thi thoảng giữa cái nắng chói chang lại có lất phất tuyết rơi, làm lăn tăn những bậc thang nước đang yên ả. 

Những bậc thang thần thoại
Như những bể bơi mini trong vắt bên sườn núi
Baishutai không chỉ có cảnh thiên nhiên đẹp, nếu như đi đến đây vào đúng ngày hội thì sẽ được chứng kiến hoạt động lễ hội của người Nạp Tây ở đây. Baishuitai được coi là nơi khai sinh ra văn hóa Dongba (không biết dịch ra tiếng Việt như nào) và trở thành vùng đất thánh của người Nạp Tây. Vì vậy nó có ý nghĩa rất lớn với những người Nạp Tây ở khu vực này.

Càng sâu vào trong núi, các bậc nước càng rộng, thấp và nhiều rêu hơn.
Còn đối với tôi, vừa đặt chân lên Baishuitai và nhìn thấy những mảng nước trong vắt, tôi đã nghĩ đến một buổi picnic với BBQ và trải tấm vải kẻ caro bên những cái ao ấy mà nằm thư giãn. Ngoài Baishutai ở Vân Nam, tôi biết đến một nơi nữa ở Trung Quốc cũng có địa hình tương tự với những bậc thang nước nông và rộng hơn là núi Hoàng Long, Thành Đô thuộc tỉnh Tứ Xuyên, giáp danh với Vân Nam về phía Bắc. Và trước mắt, Thành Đô sẽ là điểm đến tiếp theo của tôi ở Trung Quốc.
___________________________________________________________________________________

K I N H    N G H I Ệ M   Đ I   B A I S H U I T A I - 白 水 台

- Thời gian: Đến Baishuitai sẽ mất nguyên một ngày, từ sáng đến chiều tối nếu xuất phát từ Shangrila. 3 tiếng đi, 3 tiếng về và 2 tiếng tham quan.
- Địa điểm: Baishutai cách Shangrila 100km, nằm dưới chân của núi tuyết Haba, phía bắc của làng Haba nơi có đặc trưng văn hóa của người Nạp Tây.
- Phương tiện:
+ Mua tour: Gọi một cú điện thoại, đặt online hoặc nhờ khách sạn đặt tour, đi ngủ và sáng hôm sau dậy sớm xách ba lô lên và đi. Không lo nghĩ nhiều.
+ Thuê xe riêng: Mất tầm 400-500 CNY chưa mặc cả.
+ Đi xe bus: Có xe bus xuất phát từ bến xe khách Shangrila. Một ngày có hai chuyến, xuất phát lúc 9:00 và 12:00. Thời gian mất 3 tiếng đồng hồ, mỗi người mất 30 CNY.
Xe đi lúc 9:00 đến Baishuitai lúc 12:00 và sẽ từ Baishutai quay về Shangrila lúc 14:00. Nếu đi bằng bus đến nơi nhớ dặn lái xe đi qua và chờ mình về luôn cùng, ở đây ít khách nên lái xe sẽ nhớ và chờ khách. Xe về đến bến xe Shangrila lúc 17h30.
- Vé tham quan: 30 CNY
- Dịch vụ: Ở đây chỉ có một tạp hóa nằm cạnh quầy bán vé mà một nhà hàng. Quầy tạp hóa hầu như không có gì ăn, chỉ có nước và quà vặt kiểu bim bim. Nên chuẩn bị đồ ăn trưa và các đồ thiết yếu khác từ Shangrila như bánh mì, hoa quả, nước rồi mang lên trên Baishuitai ăn, vừa ăn vừa ngắm cảnh vì cảnh rất đẹp và không khí trong lành. Nếu đi từ sớm thì sẽ đến Baishuitai đúng giờ ăn trưa. Ăn xong nhớ mang rác xuống bỏ vào thùng.
- Chú ý: Đừng thấy nước ở đây trong quá khát lại uống luôn. Ở dưới mấy cái ao có rất nhiều rêu, cá và sinh vật khó xác định. Uống vào rồi không biết chuyện gì sẽ xảy ra ở vùng heo hút này đâu. Khi đi du lịch tốt nhất nên uống nước đóng chai và không nên thử cái gì quá lạ.

___________________________________________________________________________________

Trước đây, mảnh đất này có tên là Zhongdian (Trung Điện), sau này được đặt tên là Shangri-la theo một tiểu thuyết của tác giả James Hilton - Đường chân trời đã mất - được viết lại dựa trên những tài liệu của nhà thám hiểm Joseph Look về người dân vùng gần Tây Tạng, phía Tây Trung Quốc. Nằm ở vị trí trung tâm giữa tỉnh Vân Nam, Tứ Xuyên và Tây Tạng, Shangri-la có một sức cuốn hút thần kì với những căn nhà đặc trưng Tây Tạng, với những núi tuyết tầng tầng lớp lớp, với những tu viện Phật Giáo linh thiêng mà bí ẩn, và cả món lẩu bò Yak nóng hổi giữa giá lạnh. Có lẽ đây là điểm đến đọng lại nhiều nhất trong cả hành trình Vân Nam, về cả cảnh sắc và về cả tinh thần...như thể vừa lạc vào xử sở kỳ diệu mà không thể tin được mình đã ở đó. Bản thân không phải là người theo tôn giáo nào, tin vào vật chất hơn là tinh thần, nhưng tôi vẫn bị vùng đất Phật này hút hồn một cách khó tả.
__________________________________________________________________________________

Chúng tôi đến Shangrila chẳng chuẩn bị gì ngoài áo ấm và một cái kế hoạch - chúng tôi sẽ đến Shangrila. 5h chiều, hai đứa lên xe bus với rất ít những thông tin - không bản đồ, chưa đặt nhà nghỉ, chưa biết sẽ đi đâu và làm gì...chỉ biết lên xe đi và đến Shangrila vào lúc 8h30 tối rồi tìm cách giải quyết sau. 

Rất may, khi hai đứa vừa đặt mông lên xe bus, ngay hàng ghế bên cạnh có hai anh chàng người Quảng Đông cũng đi Shangrila du lịch từ Lệ Giang. Nhìn bộ dạng chúng tôi không giống người địa phương, họ bắt chuyện làm quen và cuối cùng là hai bạn đã đặt hộ chúng tôi cùng khách sạn với giá 70 CNY một đêm. Trên đường đi hai bạn còn chia sẻ ảnh đi Ngọc Long Tuyết Sơn, và một số điểm treking khác gần Lệ Giang rất đẹp mà họ đã đi ngày hôm trước. Nếu có điều kiện và tiền bạc và thời gian, thì đừng bỏ qua địa điểm nào ở Lệ Giang và Shangrila. Địa hình và khí hậu ở đây ban cho khu vực này có những thắng cảnh rất đẹp. Phần lớn đều là du lịch sinh thái, trekking leo núi, vào rừng và khá xa trung tâm. Do thay đổi kế hoạch ko đi Ngọc Long tuyết sơn, chúng tôi đi chuyến xe muộn nhất lên Shangrila từ Lệ Giang, thời tiết không đẹp, nhiều mây, gió to và mặt trời lặn khiến chúng tôi không thưởng thức được hết quãng đường tiên cảnh này. Thực sự đây là một quãng đường rất đáng giá, đó là lí do tại sao có rất nhiều đoàn đã thuê xe taxi đi theo nhóm lên Shangrila từ Lệ Giang, để có thể dừng lại chụp ảnh. Mới đầu, xe sẽ chạy qua những hồ, những làng cổ, theo sông Trường Giang uốn quanh dãy núi tuyết. Lên cao dần, sẽ là ruộng bậc thang lúa, là nhà dân hai bên núi, là ruộng cải. Và cao nữa, sẽ là những thảo nguyên bát ngát ngút tầm mắt. Vì hôm trước, hai bạn người Quảng Đông có đi một điểm nằm trên quãng đường này, nên họ show cho chúng tôi xem cảnh núi Ngọc Long và sông Trường Giang rất đẹp.
Ảnh mượn của bạn người Quảng Đông: núi Ngọc Long và sông Trường Giang trên đường từ Lệ Giang lên Shangri-la. Bạn chụp bằng Iphone.
Trên đường lên Shangrila

Còn đây là ảnh tôi chớp được trong điều kiện thiếu sáng và đang trên xe bus đi đường đèo lúc 6h30 tối, cố lắm cũng được có thế này:


Ở Shangrila, khách sạn phần lớn được bài trí theo phong cách truyền thống của người Tây Tạng. Phòng khách 70 CNY của chúng tôi đầy đủ nước nóng, đệm sưởi (vì đêm rất lạnh), tivi, điều hòa và cả một cây máy tính để trong phòng nữa. Rất rẻ so với điều kiện. Ngay tối hôm ấy, chúng tôi và hai bạn người Quảng Đông đã phải đi ăn ngay món ăn kiểu gì cũng phải ăn ở Shangrila - lẩu bò Yak. Trời lạnh, nồi lẩu bốc khói nghi ngút, miếng thịt mềm tan trong miệng, cay nóng, không còn gì bằng cho một chuyến đi dài.
___________________________________________________________________________________


T H Ạ C H    C A   T U Y Ế T   S Ơ N   - K H Ô N G   C Ầ  N   L Ê N   Đ Ế N   Đ Ỉ N H

Sáng hôm sau 8h chúng tôi ra khỏi khách sạn đi Thạch Ca Tuyết Sơn. Hai bạn Quảng Đông rất tốt, sợ chúng tôi là người nước ngoài, đi lên núi mà ko về được, hai bạn đã hủy tour đi Baishuitai để đi núi tuyết cùng chúng tôi cho vui. Cuối cùng, chúng tôi ko mua vé lên cáp treo để lên núi, vì chỉ ở dưới chân núi thôi, cũng đủ quyến rũ hai bạn trẻ vùng nhiệt đới rồi. Tháng 3 ở Shangrila vẫn lạnh, đêm nhiệt độ xuống dưới âm 3 độ, vì thế buổi sáng hôm ấy khi chúng tôi ngồi xe taxi đi đến chân núi, cả một thảo nguyên rộng mênh mông phủ một màu trắng xóa. Không biết thốt câu gì nữa, chỉ biết xoa xoa cái cửa sổ taxi mà bấm máy chụp ảnh, sợ cảnh chạy mất. Mà đúng là ko nhanh sẽ chạy mất, chỉ đến tầm trưa là tuyết sẽ tan.

Đường vào Thạch Ca tuyết sơn lúc 8h30 sáng
Nhà truyền thống phủ tuyết trắng, ảnh chụp dọc đường

Đang tranh thủ chụp mấy quả thông trên cây. Tiếc là Giáng sinh qua rồi.
Và đến tầm trưa, tuyết dần tan, hiện ra là thảo nguyên cỏ úa màu mùa đông

Lối vào Thạch Ca tuyết sơn dần hiện ra màu sắc vốn có



Xa xa kia là nhà truyền thống của người Tây Tạng, nhà họ ở rất to, xây dựng cách xa nhau theo một lối kiến trúc mà nhà nào cũng giống nhau, chỉ khác nhau ở cột to cột nhỏ và hoa văn cửa sổ.

Bò Yak gặm cỏ sau khi tuyết tan
__________________________________________________________________________________

S O N G Z A N L I N

Buổi chiều, chúng tôi đi thăm tu viện lớn nhất ở đây - tu viện Songzanlin - tu viện Phật giáo Tây Tạng lớn nhất Vân Nam. Nếu đến Shangrila mà ko đi Songzanlin coi như chưa đến Shangrila - chính cái cảm giác khó tả, huyền bí mà tôi cảm nhận được xuất phát từ đây. Tu viện nằm trong một quần thể bảo tồn di sản bao gồm điện chính và các điện nhỏ khác nằm rải rác trong cả một khu dân cư cổ, vì thế không có để có thể vào đây tham quan mà không cần mua vé. Có nhiều tip hướng dẫn đi vào dây trước 6h sáng thì sẽ lọt qua cổng và free 115CNY. Tuy nhiên thì tôi cảm thấy việc bỏ ra 115CNY để vào đây không còn gì thỏa đáng hơn. 

Nhìn toàn thể Songzanlin từ bên dưới lên


Bên trong điện chính
Xung quanh các điện và tu viện cho các phật tử, rất nhiều nhà dân ở xung quanh đây. Nhà của họ cũng là nhà cổ, đang cần bảo tồn. Cả một khu vực này, nhuốm màu của đất.

Vừa chụp xong cái ảnh thì đại gia đình nhà này xuất hiện, chào mình rồi đi vào nhà. Nhìn cứ tưởng tưởng đất hoang sơ ai dè nhà đông người lắm.
Phần lớn nhà ở và các kiến trúc khác đều có đặc trưng cửa sổ trang trí theo khung hình thang như này. Ở từng nhà hoa văn hoạt tiết sẽ khác nhau, khung cửa phần lớn đều được khắc thành những khối vuông nhỏ nhiều màu.
___________________________________________________________________________________

Ngày hôm sau, chúng tôi quyết định đi Baishuitai - ruộng bậc thang nước trắng sau một đêm suy nghĩ đi hay không đi. Đây là địa điểm mà hai bạn Quảng Đông đã hủy để đi núi với chúng tôi, một phần cũng vì nó xa cách Shangrila những 100km đường đèo mà theo các bạn bảo là mất 4h đồng hồ. Nhưng vì những hình ảnh ở trên mạng hấp dẫn quá, chúng tôi đã đánh liều đi tới Baishuitai. Về địa điểm này, tôi viết riêng một bài Ở ĐÂY để hướng dẫn cách đi.

_____________________________________________________________________________________

K I N H   N G H I Ệ M  Đ I   S H A N R I - L A / Z H O N G D I AN

1. Đi đến Shangrila
Từ Lệ Giang: Từ Lệ Giang đi Shangrila mất có 3h30 phút đi xe bus và có thể mua vé xe ở bến xe liên vận Shangrila. Do chúng tôi search thông tin trên mạng của một du khách từ những năm trước, nên thông tin đã out date khiến cho chúng tôi bị lạc và không tìm được Bến xe khách. Hai đứa đã đi lòng vòng cả buổi sáng và tìm ra cái bên xe chỉ cách khách sạn mình 10 phút đi bộ, 2 phút đi xe bus, 2 điểm dừng từ chợ Trung Nghĩa. Bến xe nằm ở phía Tây Nam của phố cổ Lệ Giang, thường ko nằm trong bản đồ du lịch. Cứ tìm xe bus số 8 và số 19 kiểu gì cũng đi qua bến xe. Vé đi Shangrila từ Lệ Giang muộn nhất là 17h chiều, có 3 loại vé khác nhau tùy theo xe lớn nhỏ. Xe lớn đẹp là 72 CNY/người, còn xe vừa vừa là 62CNY.
Từ Côn Minh: Từ Côn Minh có xe bus chạy thẳng lên Shangrila, quãng đường hơn 500km chỉ đi mất có 5-6 tiếng vì đường cao tốc rất ngon. Xe xuất phát từ bến xe phía Tây, giá vé khoảng 200 CNY. Chúng tôi không đi chiều đi, mà đi chiều về từ Shangrila về thẳng Côn Minh mất 201 CNY. 

Ngoài ra nếu ai có điều kiện thì đặt vé máy bay từ Côn Minh đi Shangrila cũng được, mất 1 tiếng đồng hồ vèo cái đến. Chỉ có điều đắt thôi :))). Ở đây thì không có đường sắt, nên chỉ có thể đi tàu lên đến Lệ Giang và đi bus từ Lệ Giang đến Shangrila.
______________________________

2. Đi lại ở Shangrila
Shangrila rất nhỏ, các điểm tham quan trong thị trấn gần nhau nên chủ yếu chúng tôi di chuyển bằng taxi. Ở đây cũng có xe bus công cộng nhưng không nhiều lắm, phải chờ lâu mà taxi cũng rẻ. Mỗi chuyến từ chỗ này ra chỗ kia chỉ mất tầm 5 - 10 CNY là hết, trước khi lên xe, thỏa thuận giá với tài xế rồi cứ thế mà đi. Phân lớn taxi ở Vân Nam chúng tôi đi đều như vậy.

______________________________

3. Ăn và mua sắm ở Shangrila
Chúng tôi ko mua sắm nhiều, và ko ăn nhiều. Nhưng ở đây kiểu gì cũng phải ăn lẩu bò Yak, tầm 38 CNY cho một người. Rất nhiều quán có lẩu bò này, là lẩu với thịt bò Yak - bò lông dài. Họ chỉ bán theo suất 2 người (60CNY) và suất lớn 4 người (120CNY). Chúng tôi hai ngày liền ăn lẩu này, ở hai quán khác nhau, họ lại nấu theo hai kiểu khác nhau, nên thành ra ko ngán. Cứ có thịt bò là thích.

Ngoài ra ở đây bán nhiều thịt bò khô từ bò Yak - cả khô cả ướt, đến chục loại tẩm ướp khác nhau luôn...cay hoặc không cay. Chúng tôi mua về làm quà nhiều, đặc biệt ngon là món bò hun khói, mỗi miếng bò to bằng hai ngón tay, đóng trong túi hút chân không như cái kẹo, ít tẩm ướp nên cảm nhận được vị ngọt từ thịt thấm nhất. Nếu như trong lịch trình của bạn có Lệ Giang, thì ở Lệ Giang cũng bán rất nhiều thịt bò này. Tuy nhiên, Shangrila mới là đất của bò Yak, ở Lệ Giang họ cũng lấy ở Shangrila, vì thế giá thịt bò ở Shangrila rẻ hơn nhiều so với Lệ Giang (có loại chỉ bằng 1 nửa). Và nhớ là ở Trung Quốc, 1 cân của họ chỉ bằng 0.5kg thôi.
______________________________

4. Thời điểm và địa điểm
Mùa đông và mùa xuân không phải thời điểm đẹp nhất để đi Shangrila, và hầu như không có khách du lịch vì thời tiết rất lạnh, mọi thứ đều ảm đạm và úa vàng. Tuy nhiên thời điểm chúng tôi đi, cuối tháng 2 đầu tháng 3, vẫn thấy nó rất đẹp chính vì cái màu sắc của lạnh. Mùa hè là lúc mà nhiều người tới đây nhất, nhất là tháng 6 và tháng 7, khi mà các thảo nguyên ở đây ko phải màu đất và cỏ úa mà thay vào đó là đồng cỏ xanh mượt, thảo nguyên hoa đầy sắc màu mà bạn sẽ thấy bò Yak cùng ngựa tha thẩn gặm cỏ.

12h trưa, tuyết vẫn lất phất rơi trong thành phố.
Ở Shangrila, có một số các địa điểm sau thu hút:
- Phố cổ Shangrila - ở trung tâm thị trấn
- Tu viện Songzalin - cách trung tâm tầm 5km, bắt taxi đến chỗ mua vé tầm 10 CNY
- Các thảo nguyên hoa và cỏ - cứ hỏi taxi đưa đến những chỗ này và thỏa thuận giá
- Thạch ca tuyết sơn - có cáp treo đi lên núi tuyết
- Baishuitai - ruộng bậc thang nước trắng, cách Shangrila khoảng 100km
Có thể tự đi hoặc mua tour trong ngày ở đây, giá cũng khá mềm. Họ sẽ đưa mình đi 3-4 điểm trong ngày luôn. Còn nếu tự đi, ngoài Baishuitai ra thì những chỗ còn lại khá dễ dàng.
____________________________________________________________________________________

Buổi tối ở phố cổ Shangrila, lúc nào cũng lất phất tuyết trắng

Ở quán này chúng tôi ăn lẩu bò Yak bữa thứ hai, vị khác hẳn quán đầu tiên. Khắp tường quán dán những giấy note của khách đã từng ăn. Chúng tôi cũng để lại một lời nhắn, may mà vẫn về được Việt Nam an toàn. :D

_____________________________________________________________________________________________________________________________

Cách đây bốn năm là lần đầu tiên tôi biết đến cái tên Lệ Giang. Mê mẩn ngồi đọc những bài viết của "ai đó trên mạng", tôi lần lần mò mò tra hỏi anh google, Lệ Giang dần dà hiện ra càng ngày càng hấp dẫn. Tôi quen thuộc với cái bánh xe nước ở quảng trường Ngọc Hà như thể đã từng ở đó, thuộc lòng lịch trình mọi người đi từ Hà Nôi - Côn Minh - Đại Lý - Lệ Giang ra sao. Ngày ấy, khi chưa một lần được sờ vào tuyết, thì Lệ Giang còn ngàn lần thu hút bởi Ngọc Long tuyết sơn - nơi tôi có thể chiêm ngưỡng tuyết cả đông lẫn hè. Tôi đã từng ấp ủ đi Lệ Giang như một phần trong kế hoạch tuổi trẻ, nhưng rồi nó bị bẵng đi do phần chi phí, phần không có bạn đồng hành, phần chưa đủ tự tin và trải nghiệm, phần do những kế hoạch và chuyến đi khác lấp dần lấp dần. Rồi tự dưng một ngày đẹp trời, sau quyết định đi La Bình chụp cải, tôi nghĩ đến việc thêm thắt Lệ Giang vào để cho bõ cái công xin visa. Rồi chuyến đi thêm thêm thắt thắt thế nào lên đến cả tuần trời, và đương nhiên không thể thiếu địa điểm ấp ủ ngày xưa. Đứa bạn tôi gật cái rụp, chúng tôi nộp đơn xin visa luôn và lên lịch cho chuyến đi. Luôn luôn như thế, những kế hoạch ấp ủ đến thành dưa chua rồi cuối cùng chẳng thực hiện được, còn những ý tưởng bộc phát nói là làm lúc nào cũng đem lại kết quả mĩ mãn.  (Ví dụ điển hình là chúng tôi đã lên kế hoạch đi Cửu Trại Câu từ tháng 3/2014 và tất cả đã mua vé máy bay để tháng 10 bay, cuối cùng vì vụ lùm xùm Trung Quốc bắn tàu VN và Vietnam airline hủy chuyến mà kế hoạch đổ bể).
____________________________________________________________________________________

T Ừ  C Ô N   M I N H   Đ Ế N   L Ệ  G I A N G

Chúng tôi đi Lệ Giang từ Côn Minh bằng tàu hỏa. Bởi vì tất cả mọi người đều đi tàu đến Lệ Giang, nên chúng tôi cũng theo thế mà làm. Cũng có xe khách, đi đường cao tốc nên cũng nhanh hơn tàu hỏa, nhưng vé sẽ đắt hơn. Để đi Lệ Giang phải đến bến xe phía Tây Côn Minh, giá vé thế nào thì chúng tôi cũng không rõ.
Theo như kinh nghiệm của mọi người, chúng tôi phải mua vé tàu hỏa ghế mềm điều hòa để đến Lệ Giang, giá 147 CNY. Theo lịch trình, chúng tôi đến Côn Minh từ Lào Cai bằng xe khách, 19h tối đến phía xe phía Đông (Kunming Dongju 东菊) và phải đi ngay ra ga tàu (Huǒchē zhàn - 火車站) mua vé đi Lệ Giang cho hôm sau. . Tuy nhiên không còn vé ghế mềm nào cả, hai đứa buộc phải mua ghế cứng, giá rất rẻ có 89 CNY. Thôi thì chịu khổ một tí cũng được, vì giường nằm những hơn 200 CNY mà tiêu chí của chúng tôi rẻ là trên hết. Từ bến xe ra ga rất tiện, có xe bus chạy thẳng giá 5 CNY, đỗ ngay ở chỗ xe trả khách hay cổng ra vào bến. Xe bus sẽ không đỗ ở ngay cửa ga mà đỗ ở một bãi xe cách ga Côn Minh tầm 200-300m. Vì thế khi xuống xe, chúng tôi cứ theo đuôi tất cả mọi người (phần lớn đều kéo vali) để biết đường ra ga. Ở Trung Quốc nói chung, tất cả mọi người khi vào khu vực đông người, đặc biệt là bến tàu xe, khu du lịch đều phải kiểm tra hành lí. Ở ga Côn Minh không ngoại lệ, rất nhiều cảnh sát, bất kể ai vào đều phải soi hành lí.
Đối với người nước ngoài, không có CMT nên không mua được vé ở các máy bán tự động. Vì thế, chúng tôi bỏ qua và đi thẳng vào bên trong, đến khu vực bán vé Ticker area no.1 ở trong cùng bên phải để mua vé. Cửa số 5 là cửa dành cho khách đặc biệt - chính là khách dùng passport. Chúng tôi mua vé đi buổi tối hôm sau, như vậy sẽ có 1 ngày chơi ở Côn Minh. Có nhiều chuyến đi Lệ Giang để lựa chọn, để tiết kiệm chi phí nhà nghỉ, chúng tôi đi tàu đêm từ 22:00 hôm trước đến 8h hôm sau đến nơi. Ghế cứng không phải là sự lựa chọn dễ chịu, nhưng ko dễ chịu thì cũng phải chịu thôi.

Ảnh: Bên trong tàu ghế cứng đi Lệ Giang

May mắn là tàu ghế cứng ở Tàu nó khác ở mình. Nói là ghế cứng vì ghế không ngả được ra đằng sau, chứ nó không phải ghế gỗ cững mà vẫn có đệm đàng hoàng. Ghế trên tàu được xếp theo đôi đối diện nhau, nên cặp nào cũng có một cái bàn ở giữa, không lo chỗ để đồ. Để vào được đến tàu phải qua mấy lần soát vé mà không hiểu sao vẫn có khách trốn được vé. Phải nói là ga tàu Côn Minh rất to và rất đông, cùng một thời gian có thể chung chuyển được rất nhiều tàu. Sân bay Nội Bài thân yêu nhà mình cũng chỉ bằng một phần của nó thôi. Tàu đi Lệ Giang đi qua Đại Lý là một thành phố cũng khá lớn, đến tầm 4-5h sáng gì đấy sẽ rất nhiều người xuống Đại Lý. Và thế là có rất nhiều ghế trống, cuối cùng vé ghế cứng đã trở thành vé giường nằm, không lo khó ngủ. Vì ăn uống ít nên tôi không có cơ hội check xem cái wc ở đây như nào, nhưng nói chung theo kinh nghiệm tôi cũng đoán được phần nào, vì wc Tàu là một vấn nạn mà tôi không thể mê được.
_____________________________________________________________________________________


___________________________________________________________________________________

Ở  L Ệ   G I A N G

Ở Lệ Giang, chúng tôi không đặt phòng trước như ở Côn Mình. Vì thực tôi không tìm được phòng rẻ trên mạng và không chắc chắn lắm về vị trí thuận lợi đi lại của nhà nghỉ. Rất may, khi vừa ra khỏi ga Lệ Giang, chúng tôi gặp một chị lái xe minibus taxi ở đây gạ gẫm chúng tôi một phòng giá 60 CNY cho hai người, đầy đủ tiện nghi. Chị sẽ chở chúng tôi vào trung tâm giá 5 CNY/người và dẫn đi xem phòng, nếu ưng thì thuê mà không ưng thì thôi. Đang chưa biết tính toán thế nào, chúng tôi nhận đi luôn, mặc dù vẫn biết  phải bắt xe bus số 4 từ ga vào trung tâm có 1 CNY. Một đêm mệt mỏi trên tàu nên chúng tôi không muốn nghĩ nhiều. Và đúng như lời khuyên của "vị cứu tinh trên đường đến Côn Minh" của chúng tôi, nếu đi Lệ Giang muốn rẻ thì cứ ở các nhà nghỉ ngoài rìa phố cổ, còn bên trong phố cổ thì đúng là cắt cổ. Phòng 60 CNY của chúng tôi hai giường rộng thênh thang, đầy đủ khăn tắm, nước nóng, tivi, điều hòa, sạch sẽ và có cửa sổ rất to nhìn ra ngoài. Nói chung chúng tôi có thể so sánh nó với phòng của Mường Thanh hotel nhà mình - không hề kém cạnh mà giá lại cạnh tranh. 

Phòng khách sạn 60CNY của chúng tôi
Nếu có điều kiện, hẳn là phải chọn một nhà nghỉ truyền thống ở đây, bạn sẽ được hưởng một không gian đúng điệu "cổ trang" nhưng không kém tiện nghi. Chúng tôi đã từng phải mò vào một cái khách sạn để thử hỏi giá - 500 CNY cho một phòng đôi - và tận mắt xem kiến trúc và decor của nhà nghỉ. Thật chỉ mong có nhiều tiền để được ở đó.

Một góc thư giãn trong nhà nghỉ sang chảnh phong cách truyền thống

Và con mèo sang chảnh
___________________________________________________________________________________

Đ I Ể M   D Ừ N G   X E  B U S   V À   B Ế N   X E   L I Ê N   V Ậ N

Đối với phố cổ thì chỉ có thể đi bằng chân thôi, và nhà nghỉ của chúng tôi thì cách phố cổ có 10 phút đi bộ, và chúng tôi phải đi qua một cái chợ tên là chợ Trung Nghĩa. Có một chuyện rất vui rằng chúng tôi đã mất cả một buổi sáng để đi tìm bến xe khách Lệ Giang theo một thông tin trên mạng và cuối cùng bến xe đó đã không còn. Hỏi người dân Lệ Giang mỗi người chỉ một hướng và mỗi người hiểu một kiểu, chưa kể họ nói tiếng địa phương rất khó nghe. Cuối cùng, sau cả buổi sáng mệt nhoài vì đi bộ, chúng tôi bất chợt nhìn thấy một cái bus stop có ghi địa điểm "bến xe khách" (Qìchē zhàn- 汽车站) và thế là mỗi người 1 CNY đi thẳng ra bến xe. May mắn là tôi đi với một đứa nghe được tiếng Trung, đọc được chữ Hán mới phát hiện được cái bến xe ấy, chứ đứa chỉ biết tiếng Anh mà đọc chữ Hán ko phiên âm như nhìn tranh vẽ như tôi chỉ có nước đi bộ ngược lại. Sau khi đến được bến xe khách, mua được vé đi Shangri-la, tôi ngâm cứu cái bản đồ vị trí tôi đang đứng và phát hiện ra được một điều rất bất ngờ ngay khi xe bus số 19 vừa đến nơi - đấy là chúng tôi chỉ cách nhà nghỉ của chúng tôi có 1 điểm dừng xe bus. Không kịp trình bày với đứa bạn, chúng tôi nhảy lên xe luôn, và y như rằng, xe bus đi qua cái ngõ khách sạn của chúng tôi ngay khi qua điểm dừng đầu tiên. Vậy là chúng tôi đã mất nguyên buổi sáng đi bộ một vòng tròn, để tìm cái bến xe ở ngay gần mình. Vậy mà tại sao tất cả người dân Lệ Giang đều bảo ko biết, hoặc bảo nó xa, hoặc chỉ cho chúng tôi đến bus stop chứ ko phải bus station đường dài? (Chưa kể mấy thanh niên địa phương chúng tôi gặp lúc ăn sáng rất hồ hởi muốn đưa chúng tôi ra bến xe, và nói như đinh rằng chúng tôi ko thể đi bộ, mà phải đi taxi hoặc bus). Nhớ nhé, tìm xe bus số 08 hoặc số 19 là ra được bến xe. Xe số 08 đi qua đại lộ Shangri-la còn số 19 có thể đón ở chợ Trung Nghĩa. Ở trên bản đồ du lịch Lệ Giang thì nó năm ở phía góc dưới bên trái (phía Tây Nam của phố cổ) và thậm chí ko thấy trên bản đồ nữa.
___________________________________________________________________________________

Đ Ạ I   N G H I Ê N   C Ổ   T R Ấ N


Tất cả khoảng thời gian còn lại của chúng tôi chỉ dành cho việc đi bộ dạo ngắm phố cổ. Ở Lệ Giang có rất nhiều điểm để tham quan. Ít nhất nên giành ra hai ngày ở đây. Lệ Giang có Ngọc Long tuyết sơn, có phố cổ Đại Nghiên, có công viên Hắc Long, có thôn cổ Thúc Hà, có hồ Lugu, hồ Lashi... và một số điểm khác cách Lệ Giang chừng 40-50km. Nói chúng ngoài các phố cổ ra, Lệ Giang có những điểm thiên nhiên liên quan đến núi, thác và suối từ núi tuyết chảy xuống được rất nhiều khách tham quan. Tuy nhiên chuyến đi lần này mục đích chính của chúng tôi chỉ là phố cổ - phố cổ mà thôi. Nên chúng tôi không dành thời gian cho những chỗ khác, mặc dù cũng hơi tiếc nuối vì không thể đi được. Đáng lẽ trong lịch trình của chúng tôi có đi Ngọc Long tuyết sơn, nhưng rồi cả bà chủ khách sạn và cả người tư vấn du lịch mà chúng tôi hỏi thăm đều khuyên không nên đi núi Ngọc Long. Vì trong kế hoạch chúng tôi có đi Shangri-la, mà núi tuyết ở đó cũng có, mất 400 CNY lên Ngọc Long 3 lần cáp treo rất lãng phí. Cũng không ham lắm chụp cột mốc độ cao của Ngọc Long, chúng tôi quyết định không đi Ngọc Long nữa mà hôm sau rời Lệ Giang đi Shangri-la, nơi có Thạch ca tuyết sơn cũng đẹp không kém. Sáng suốt vì quyết định ấy, ngày chúng tôi định đi Ngọc Long thời tiết cũng không thuận lợi, gió quá to và họ không cho lên núi, vậy là đằng nào thì cũng không đi được. 

Ảnh: Ngọc Long tuyết sơn nhìn từ Công viên Hắc Long, trời nhiều mây nhìn ko rõ tuyết.

Vậy là Lệ Giang chính thức đọng lại trong chúng tôi là vùng đất cổ kính của Vân Nam. Khu phố cổ đồ sộ và ấn tượng hơn bất kì khu phố cổ nào tôi từng đặt chân đến. Phần lớn người ở Lệ Giang đều là người dân tộc, họ có phần giống người dân tộc miền núi ở Việt Nam, da ngăm đen, dáng người thô và hai má lúc nào cũng khô, hồng vì lạnh. Nổi bật nhất ở đây là dân tộc Naxi, tộc người thiểu số sống chủ yếu ở miền núi Vân Nam và một ít ở Tứ Xuyên, có văn hóa phần nào bị ảnh hưởng bởi văn hóa của cư dân quanh dãy Himalaya là Ấn Độ và Tây Tạng. Vì vậy các quán cafe, nhà hàng, shop quần áo, trang sức, quà lưu niệm....đều có mang phong cách và sắc màu của người Naxi. Ở đây còn có dịch vụ trang điểm, cho thuê quần áo và đồ trang sức thành người Naxi và Tây Tạng để chụp ảnh ở phố cổ. Hầu hết nhà cổ ở Lệ Giang đều có kiến trúc và cái khung cổ, còn lại cái "ruột" đã bị thương mại hóa. Tất cả đã trở thành nhà nghỉ, shop, nhà hàng phục vụ khách du lịch. Đại Nghiên là khu phố cổ sầm uất, nơi có quảng trường bánh xe nước nổi tiếng mà bất kì khách du lịch nào cũng ghé qua. Tuy nhiên, nếu muốn cảm nhận sự dân dã và yên bình hơn thì Thúc Hà là một địa điểm lí tưởng. Phần lớn các nhà cổ Đại Nghiên đều bị thương mại hóa, còn Thúc Hà vẫn giữ được nét địa phương và sự tĩnh lặng của một phố cổ cần có. Tất nhiều dân du lịch bụi chọn Thúc Hà là điểm dừng chân chứ không phải Đại Nghiên. Tuy nhiên, chúng tôi đã không đủ thời gian để đi cả hai.


Ở Lệ Giang cũng có bar, có cà phê, có spa, tourist service...tất cả đều được ở trong nhà cổ, vì thế nó vẫn mang phong vị cổ. Đặc biệt ở đây đi một bước là bạn sẽ được nghe thấy tiếng trống đặc trưng ở đây. Đây là loại trống hay thấy ở châu Phi, lại phổ biến ở đây và được bán rất rộng rãi. Sau khi ở Lệ Giang một buổi, tôi nhận ra đi đến con phố nào cũng nghe thấy cùng một giai điệu, là bài hát để đệm trống tưng tưng rất hay. Tôi đã tìm ra nó đây, không có một cửa hàng bán trống nào mà ko chơi nó cả. Rất tiếc vì cồng kềnh mà tôi không thể bê một cái trống về làm cảnh. 

A coffee shop in Lijiang - Một quán cà phê ở Lệ Giang




Bên trong phố cổ lúc nào cũng róc rách suối chảy len lỏi giữa các tòa nhà.

Ảnh chụp ở công viên Hắc Long Đàm

Ở trong công viên Hắc Long có view nhìn được Ngọc Long tuyết sơn rất đẹp. Tuy nhiên hôm tôi đi trời nhiều mây và gió to nên không chụp được núi sắc nét, cộng thêm tòa tháp nổi bật nhất trong công viên lại đang bảo trì, lọt vào ảnh mất hết đẹp.
__________________________________________________________________________________

C H U Y Ệ N   Ă N   U Ố N G

Chuyến lần này chúng tôi không chú trọng ăn uống lắm, vì mọi thứ dồn hết cho những gì nhìn thấy. Chủ trương của chúng tôi là người dân ăn gì, chúng tôi ăn cái đó. Đấy cũng là một cách có thể trải nghiệm cuộc sống bản địa một cách chân thực nhất. Phần lớn các bữa ăn chúng tôi đều ăn ở chợ Trung Nghĩa, mà món chính là mì. Ở Trung Quốc lúc nào cũng nhiều các quán mì, và có rất nhiều lựa chọn. So với Côn Minh thì ở Lệ Giang hợp khẩu vị hơn, không cay nhiều, ít dầu mỡ hơn và đỡ mặn hơn. Tuy nhiên có một bữa, chúng tôi mua hẳn một con vịt quay giá 20CNY cho bữa tối - một giá ko tệ chút nào, đã để lại cho chúng tôi một ấn tượng khó quên - rất mặn. Chúng tôi tự hỏi tại sao ăn da vịt không mặn mà thịt mặn đến tận xương? Thường thì ở đây họ sẽ có cỡ bát to nhỏ, và sẽ cho rất nhiều mì, sau đó là thịt và rất ít rau. Vì thế chúng tôi thường gọi bát nhỏ, hoặc 2 người ăn chúng bát mì, gọi thêm rau. Có lần vào một quán mì, là quán ăn vị ngon nhất - khá giống phở của mình, sợi mì là mì gạo, ăn như bún nên rất hợp khẩu vị tôi. Họ còn cho thêm dưa chua, ăn rất vào. Vì không thích ăn mì làm từ bột mì, nên lần nào tôi cũng chỉ gọi sợi mì gạo. Do ăn nhiều mì, thịt, dầu mỡ nên chúng tôi rất chăm chỉ ăn hoa quả. Ở đây rất nhiều dâu tây, và dâu rất rẻ, cả dứa và cam, nên tội gì ko ăn.
Còn nếu muốn thưởng thức nhiều món ăn đa dạng và đẹp mắt, hãy vào khu ẩm thực của phố cổ. Bạt ngàn các loại món ăn, từ gà, tôm, mực, nấm, ghẹ cho đến hoa quả, nước cam, dừa, chanh...rất bắt mắt. Tuy nhiên đó gần như các món chung của Trung Quốc chứ ko phải quá đặc sản Lệ Giang. Tốt nhất hãy chọn ăn các món làm từ nấm, còn lại tôm, mực, cua...tôi không đánh giá cao vì đây nằm ở vùng núi, không hề có biển nên xuất xứ những thứ ấy rất...đáng ngờ ^^!.

                       
Ảnh: Một góc vỉa hè bán hoa quả bên trong phố cổ

Rất dễ tìm thấy những hàng ngồi vỉa hè bán hoa quả như thế này. Dâu tây giả 5CNY/cân  (1 cân Tàu = 0.5kg), táo và nho là phổ biến nhất. Ngoài ra ở chợ có bán nhiều cam, quýt và rau. Ở Tàu thì chỉ có cải thôi, rau cải là rau mà rau là rau cải. Vì ở đây là vùng núi, nên nếu qua chợ cũng sẽ bắt gặp rất nhiều sản vật của núi rừng như các loại rễ cây, các loại nấm, lông thú....cũng không khác Sapa nhà mình mấy.
Ảnh: Ở chợ Trung Nghĩa, người dân bán các loại thảo mộc

Ngoài ra ở Lệ Giang có bán rất nhiều thịt bò khô làm từ bò Yak - bò lông dài. Thịt bò ở đây được chế biến nhiền kiểu, khô chua ngọt, khô cay ngọt, bò ướt cay ngọt, bò hun khói...tha hồ thử và lựa chọn. Tuy nhiên nếu có cơ hội đi Shangri-la thì nên mua món này ở đó. Ở Shangri-la là nơi trực tiếp chăn thả bò nên có giá rẻ hơn nhiều so với Lệ Giang. Còn ở đây, bạn nên thưởng thức hoặc mua về làm quà loại bánh truyền thống là bánh "hoa tuyết" với vỏ nhiều lớp và nhân hoa. Du khách mua bánh này rất nhiều, các cửa hàng còn có dịch vụ chuyển phát đến tận nhà cho khách du lịch, đặc biệt mua trên 5 hộp sẽ được miễn phí ship luôn. Có loại bánh được sản xuất đóng gói, và bánh tươi làm tại cửa hàng. Đương nhiên bánh tươi được chuộng và đặt rất nhiều. Ngoài ra phố cổ Lệ Giang còn bán nhiều kem, có kem que nhiều màu sắc nhìn rất thích, kẹo bi, kẹo vừng...hầu hết đều làm tại chỗ luôn theo cách truyền thống, nên thu hút khá nhiều tò mò của du khách. 

Ảnh: Bánh hoa tuyết tươi, vừa từ trong lò ra
____________________________________________________________________________________

Với tôi, Lệ Giang là cả một quyển sách cổ về văn hóa, trang phục, kiến trúc, âm nhạc và ẩm thực của người địa phương, đặc biệt là dân tộc Naxi và người Tạng. Chuyến đi đã thỏa mãn giấc mơ ấp ủ nhiều năm trước, khiến tôi càng hài lòng và phải viết vài dòng ra đây để không quên đi những chi tiết rất nhỏ đã từng gặp. 
                                                                                                            
                                                                                                              Lệ Giang - 2.3.2015

All post and photos by NK. Được tạo bởi Blogger.

Popular Posts