| Vân Nam du ký - Lệ Giang 丽江 | - Vùng đất hoài cổ

/
0 Comments

Cách đây bốn năm là lần đầu tiên tôi biết đến cái tên Lệ Giang. Mê mẩn ngồi đọc những bài viết của "ai đó trên mạng", tôi lần lần mò mò tra hỏi anh google, Lệ Giang dần dà hiện ra càng ngày càng hấp dẫn. Tôi quen thuộc với cái bánh xe nước ở quảng trường Ngọc Hà như thể đã từng ở đó, thuộc lòng lịch trình mọi người đi từ Hà Nôi - Côn Minh - Đại Lý - Lệ Giang ra sao. Ngày ấy, khi chưa một lần được sờ vào tuyết, thì Lệ Giang còn ngàn lần thu hút bởi Ngọc Long tuyết sơn - nơi tôi có thể chiêm ngưỡng tuyết cả đông lẫn hè. Tôi đã từng ấp ủ đi Lệ Giang như một phần trong kế hoạch tuổi trẻ, nhưng rồi nó bị bẵng đi do phần chi phí, phần không có bạn đồng hành, phần chưa đủ tự tin và trải nghiệm, phần do những kế hoạch và chuyến đi khác lấp dần lấp dần. Rồi tự dưng một ngày đẹp trời, sau quyết định đi La Bình chụp cải, tôi nghĩ đến việc thêm thắt Lệ Giang vào để cho bõ cái công xin visa. Rồi chuyến đi thêm thêm thắt thắt thế nào lên đến cả tuần trời, và đương nhiên không thể thiếu địa điểm ấp ủ ngày xưa. Đứa bạn tôi gật cái rụp, chúng tôi nộp đơn xin visa luôn và lên lịch cho chuyến đi. Luôn luôn như thế, những kế hoạch ấp ủ đến thành dưa chua rồi cuối cùng chẳng thực hiện được, còn những ý tưởng bộc phát nói là làm lúc nào cũng đem lại kết quả mĩ mãn.  (Ví dụ điển hình là chúng tôi đã lên kế hoạch đi Cửu Trại Câu từ tháng 3/2014 và tất cả đã mua vé máy bay để tháng 10 bay, cuối cùng vì vụ lùm xùm Trung Quốc bắn tàu VN và Vietnam airline hủy chuyến mà kế hoạch đổ bể).
____________________________________________________________________________________

T Ừ  C Ô N   M I N H   Đ Ế N   L Ệ  G I A N G

Chúng tôi đi Lệ Giang từ Côn Minh bằng tàu hỏa. Bởi vì tất cả mọi người đều đi tàu đến Lệ Giang, nên chúng tôi cũng theo thế mà làm. Cũng có xe khách, đi đường cao tốc nên cũng nhanh hơn tàu hỏa, nhưng vé sẽ đắt hơn. Để đi Lệ Giang phải đến bến xe phía Tây Côn Minh, giá vé thế nào thì chúng tôi cũng không rõ.
Theo như kinh nghiệm của mọi người, chúng tôi phải mua vé tàu hỏa ghế mềm điều hòa để đến Lệ Giang, giá 147 CNY. Theo lịch trình, chúng tôi đến Côn Minh từ Lào Cai bằng xe khách, 19h tối đến phía xe phía Đông (Kunming Dongju 东菊) và phải đi ngay ra ga tàu (Huǒchē zhàn - 火車站) mua vé đi Lệ Giang cho hôm sau. . Tuy nhiên không còn vé ghế mềm nào cả, hai đứa buộc phải mua ghế cứng, giá rất rẻ có 89 CNY. Thôi thì chịu khổ một tí cũng được, vì giường nằm những hơn 200 CNY mà tiêu chí của chúng tôi rẻ là trên hết. Từ bến xe ra ga rất tiện, có xe bus chạy thẳng giá 5 CNY, đỗ ngay ở chỗ xe trả khách hay cổng ra vào bến. Xe bus sẽ không đỗ ở ngay cửa ga mà đỗ ở một bãi xe cách ga Côn Minh tầm 200-300m. Vì thế khi xuống xe, chúng tôi cứ theo đuôi tất cả mọi người (phần lớn đều kéo vali) để biết đường ra ga. Ở Trung Quốc nói chung, tất cả mọi người khi vào khu vực đông người, đặc biệt là bến tàu xe, khu du lịch đều phải kiểm tra hành lí. Ở ga Côn Minh không ngoại lệ, rất nhiều cảnh sát, bất kể ai vào đều phải soi hành lí.
Đối với người nước ngoài, không có CMT nên không mua được vé ở các máy bán tự động. Vì thế, chúng tôi bỏ qua và đi thẳng vào bên trong, đến khu vực bán vé Ticker area no.1 ở trong cùng bên phải để mua vé. Cửa số 5 là cửa dành cho khách đặc biệt - chính là khách dùng passport. Chúng tôi mua vé đi buổi tối hôm sau, như vậy sẽ có 1 ngày chơi ở Côn Minh. Có nhiều chuyến đi Lệ Giang để lựa chọn, để tiết kiệm chi phí nhà nghỉ, chúng tôi đi tàu đêm từ 22:00 hôm trước đến 8h hôm sau đến nơi. Ghế cứng không phải là sự lựa chọn dễ chịu, nhưng ko dễ chịu thì cũng phải chịu thôi.

Ảnh: Bên trong tàu ghế cứng đi Lệ Giang

May mắn là tàu ghế cứng ở Tàu nó khác ở mình. Nói là ghế cứng vì ghế không ngả được ra đằng sau, chứ nó không phải ghế gỗ cững mà vẫn có đệm đàng hoàng. Ghế trên tàu được xếp theo đôi đối diện nhau, nên cặp nào cũng có một cái bàn ở giữa, không lo chỗ để đồ. Để vào được đến tàu phải qua mấy lần soát vé mà không hiểu sao vẫn có khách trốn được vé. Phải nói là ga tàu Côn Minh rất to và rất đông, cùng một thời gian có thể chung chuyển được rất nhiều tàu. Sân bay Nội Bài thân yêu nhà mình cũng chỉ bằng một phần của nó thôi. Tàu đi Lệ Giang đi qua Đại Lý là một thành phố cũng khá lớn, đến tầm 4-5h sáng gì đấy sẽ rất nhiều người xuống Đại Lý. Và thế là có rất nhiều ghế trống, cuối cùng vé ghế cứng đã trở thành vé giường nằm, không lo khó ngủ. Vì ăn uống ít nên tôi không có cơ hội check xem cái wc ở đây như nào, nhưng nói chung theo kinh nghiệm tôi cũng đoán được phần nào, vì wc Tàu là một vấn nạn mà tôi không thể mê được.
_____________________________________________________________________________________


___________________________________________________________________________________

Ở  L Ệ   G I A N G

Ở Lệ Giang, chúng tôi không đặt phòng trước như ở Côn Mình. Vì thực tôi không tìm được phòng rẻ trên mạng và không chắc chắn lắm về vị trí thuận lợi đi lại của nhà nghỉ. Rất may, khi vừa ra khỏi ga Lệ Giang, chúng tôi gặp một chị lái xe minibus taxi ở đây gạ gẫm chúng tôi một phòng giá 60 CNY cho hai người, đầy đủ tiện nghi. Chị sẽ chở chúng tôi vào trung tâm giá 5 CNY/người và dẫn đi xem phòng, nếu ưng thì thuê mà không ưng thì thôi. Đang chưa biết tính toán thế nào, chúng tôi nhận đi luôn, mặc dù vẫn biết  phải bắt xe bus số 4 từ ga vào trung tâm có 1 CNY. Một đêm mệt mỏi trên tàu nên chúng tôi không muốn nghĩ nhiều. Và đúng như lời khuyên của "vị cứu tinh trên đường đến Côn Minh" của chúng tôi, nếu đi Lệ Giang muốn rẻ thì cứ ở các nhà nghỉ ngoài rìa phố cổ, còn bên trong phố cổ thì đúng là cắt cổ. Phòng 60 CNY của chúng tôi hai giường rộng thênh thang, đầy đủ khăn tắm, nước nóng, tivi, điều hòa, sạch sẽ và có cửa sổ rất to nhìn ra ngoài. Nói chung chúng tôi có thể so sánh nó với phòng của Mường Thanh hotel nhà mình - không hề kém cạnh mà giá lại cạnh tranh. 

Phòng khách sạn 60CNY của chúng tôi
Nếu có điều kiện, hẳn là phải chọn một nhà nghỉ truyền thống ở đây, bạn sẽ được hưởng một không gian đúng điệu "cổ trang" nhưng không kém tiện nghi. Chúng tôi đã từng phải mò vào một cái khách sạn để thử hỏi giá - 500 CNY cho một phòng đôi - và tận mắt xem kiến trúc và decor của nhà nghỉ. Thật chỉ mong có nhiều tiền để được ở đó.

Một góc thư giãn trong nhà nghỉ sang chảnh phong cách truyền thống

Và con mèo sang chảnh
___________________________________________________________________________________

Đ I Ể M   D Ừ N G   X E  B U S   V À   B Ế N   X E   L I Ê N   V Ậ N

Đối với phố cổ thì chỉ có thể đi bằng chân thôi, và nhà nghỉ của chúng tôi thì cách phố cổ có 10 phút đi bộ, và chúng tôi phải đi qua một cái chợ tên là chợ Trung Nghĩa. Có một chuyện rất vui rằng chúng tôi đã mất cả một buổi sáng để đi tìm bến xe khách Lệ Giang theo một thông tin trên mạng và cuối cùng bến xe đó đã không còn. Hỏi người dân Lệ Giang mỗi người chỉ một hướng và mỗi người hiểu một kiểu, chưa kể họ nói tiếng địa phương rất khó nghe. Cuối cùng, sau cả buổi sáng mệt nhoài vì đi bộ, chúng tôi bất chợt nhìn thấy một cái bus stop có ghi địa điểm "bến xe khách" (Qìchē zhàn- 汽车站) và thế là mỗi người 1 CNY đi thẳng ra bến xe. May mắn là tôi đi với một đứa nghe được tiếng Trung, đọc được chữ Hán mới phát hiện được cái bến xe ấy, chứ đứa chỉ biết tiếng Anh mà đọc chữ Hán ko phiên âm như nhìn tranh vẽ như tôi chỉ có nước đi bộ ngược lại. Sau khi đến được bến xe khách, mua được vé đi Shangri-la, tôi ngâm cứu cái bản đồ vị trí tôi đang đứng và phát hiện ra được một điều rất bất ngờ ngay khi xe bus số 19 vừa đến nơi - đấy là chúng tôi chỉ cách nhà nghỉ của chúng tôi có 1 điểm dừng xe bus. Không kịp trình bày với đứa bạn, chúng tôi nhảy lên xe luôn, và y như rằng, xe bus đi qua cái ngõ khách sạn của chúng tôi ngay khi qua điểm dừng đầu tiên. Vậy là chúng tôi đã mất nguyên buổi sáng đi bộ một vòng tròn, để tìm cái bến xe ở ngay gần mình. Vậy mà tại sao tất cả người dân Lệ Giang đều bảo ko biết, hoặc bảo nó xa, hoặc chỉ cho chúng tôi đến bus stop chứ ko phải bus station đường dài? (Chưa kể mấy thanh niên địa phương chúng tôi gặp lúc ăn sáng rất hồ hởi muốn đưa chúng tôi ra bến xe, và nói như đinh rằng chúng tôi ko thể đi bộ, mà phải đi taxi hoặc bus). Nhớ nhé, tìm xe bus số 08 hoặc số 19 là ra được bến xe. Xe số 08 đi qua đại lộ Shangri-la còn số 19 có thể đón ở chợ Trung Nghĩa. Ở trên bản đồ du lịch Lệ Giang thì nó năm ở phía góc dưới bên trái (phía Tây Nam của phố cổ) và thậm chí ko thấy trên bản đồ nữa.
___________________________________________________________________________________

Đ Ạ I   N G H I Ê N   C Ổ   T R Ấ N


Tất cả khoảng thời gian còn lại của chúng tôi chỉ dành cho việc đi bộ dạo ngắm phố cổ. Ở Lệ Giang có rất nhiều điểm để tham quan. Ít nhất nên giành ra hai ngày ở đây. Lệ Giang có Ngọc Long tuyết sơn, có phố cổ Đại Nghiên, có công viên Hắc Long, có thôn cổ Thúc Hà, có hồ Lugu, hồ Lashi... và một số điểm khác cách Lệ Giang chừng 40-50km. Nói chúng ngoài các phố cổ ra, Lệ Giang có những điểm thiên nhiên liên quan đến núi, thác và suối từ núi tuyết chảy xuống được rất nhiều khách tham quan. Tuy nhiên chuyến đi lần này mục đích chính của chúng tôi chỉ là phố cổ - phố cổ mà thôi. Nên chúng tôi không dành thời gian cho những chỗ khác, mặc dù cũng hơi tiếc nuối vì không thể đi được. Đáng lẽ trong lịch trình của chúng tôi có đi Ngọc Long tuyết sơn, nhưng rồi cả bà chủ khách sạn và cả người tư vấn du lịch mà chúng tôi hỏi thăm đều khuyên không nên đi núi Ngọc Long. Vì trong kế hoạch chúng tôi có đi Shangri-la, mà núi tuyết ở đó cũng có, mất 400 CNY lên Ngọc Long 3 lần cáp treo rất lãng phí. Cũng không ham lắm chụp cột mốc độ cao của Ngọc Long, chúng tôi quyết định không đi Ngọc Long nữa mà hôm sau rời Lệ Giang đi Shangri-la, nơi có Thạch ca tuyết sơn cũng đẹp không kém. Sáng suốt vì quyết định ấy, ngày chúng tôi định đi Ngọc Long thời tiết cũng không thuận lợi, gió quá to và họ không cho lên núi, vậy là đằng nào thì cũng không đi được. 

Ảnh: Ngọc Long tuyết sơn nhìn từ Công viên Hắc Long, trời nhiều mây nhìn ko rõ tuyết.

Vậy là Lệ Giang chính thức đọng lại trong chúng tôi là vùng đất cổ kính của Vân Nam. Khu phố cổ đồ sộ và ấn tượng hơn bất kì khu phố cổ nào tôi từng đặt chân đến. Phần lớn người ở Lệ Giang đều là người dân tộc, họ có phần giống người dân tộc miền núi ở Việt Nam, da ngăm đen, dáng người thô và hai má lúc nào cũng khô, hồng vì lạnh. Nổi bật nhất ở đây là dân tộc Naxi, tộc người thiểu số sống chủ yếu ở miền núi Vân Nam và một ít ở Tứ Xuyên, có văn hóa phần nào bị ảnh hưởng bởi văn hóa của cư dân quanh dãy Himalaya là Ấn Độ và Tây Tạng. Vì vậy các quán cafe, nhà hàng, shop quần áo, trang sức, quà lưu niệm....đều có mang phong cách và sắc màu của người Naxi. Ở đây còn có dịch vụ trang điểm, cho thuê quần áo và đồ trang sức thành người Naxi và Tây Tạng để chụp ảnh ở phố cổ. Hầu hết nhà cổ ở Lệ Giang đều có kiến trúc và cái khung cổ, còn lại cái "ruột" đã bị thương mại hóa. Tất cả đã trở thành nhà nghỉ, shop, nhà hàng phục vụ khách du lịch. Đại Nghiên là khu phố cổ sầm uất, nơi có quảng trường bánh xe nước nổi tiếng mà bất kì khách du lịch nào cũng ghé qua. Tuy nhiên, nếu muốn cảm nhận sự dân dã và yên bình hơn thì Thúc Hà là một địa điểm lí tưởng. Phần lớn các nhà cổ Đại Nghiên đều bị thương mại hóa, còn Thúc Hà vẫn giữ được nét địa phương và sự tĩnh lặng của một phố cổ cần có. Tất nhiều dân du lịch bụi chọn Thúc Hà là điểm dừng chân chứ không phải Đại Nghiên. Tuy nhiên, chúng tôi đã không đủ thời gian để đi cả hai.


Ở Lệ Giang cũng có bar, có cà phê, có spa, tourist service...tất cả đều được ở trong nhà cổ, vì thế nó vẫn mang phong vị cổ. Đặc biệt ở đây đi một bước là bạn sẽ được nghe thấy tiếng trống đặc trưng ở đây. Đây là loại trống hay thấy ở châu Phi, lại phổ biến ở đây và được bán rất rộng rãi. Sau khi ở Lệ Giang một buổi, tôi nhận ra đi đến con phố nào cũng nghe thấy cùng một giai điệu, là bài hát để đệm trống tưng tưng rất hay. Tôi đã tìm ra nó đây, không có một cửa hàng bán trống nào mà ko chơi nó cả. Rất tiếc vì cồng kềnh mà tôi không thể bê một cái trống về làm cảnh. 

A coffee shop in Lijiang - Một quán cà phê ở Lệ Giang




Bên trong phố cổ lúc nào cũng róc rách suối chảy len lỏi giữa các tòa nhà.

Ảnh chụp ở công viên Hắc Long Đàm

Ở trong công viên Hắc Long có view nhìn được Ngọc Long tuyết sơn rất đẹp. Tuy nhiên hôm tôi đi trời nhiều mây và gió to nên không chụp được núi sắc nét, cộng thêm tòa tháp nổi bật nhất trong công viên lại đang bảo trì, lọt vào ảnh mất hết đẹp.
__________________________________________________________________________________

C H U Y Ệ N   Ă N   U Ố N G

Chuyến lần này chúng tôi không chú trọng ăn uống lắm, vì mọi thứ dồn hết cho những gì nhìn thấy. Chủ trương của chúng tôi là người dân ăn gì, chúng tôi ăn cái đó. Đấy cũng là một cách có thể trải nghiệm cuộc sống bản địa một cách chân thực nhất. Phần lớn các bữa ăn chúng tôi đều ăn ở chợ Trung Nghĩa, mà món chính là mì. Ở Trung Quốc lúc nào cũng nhiều các quán mì, và có rất nhiều lựa chọn. So với Côn Minh thì ở Lệ Giang hợp khẩu vị hơn, không cay nhiều, ít dầu mỡ hơn và đỡ mặn hơn. Tuy nhiên có một bữa, chúng tôi mua hẳn một con vịt quay giá 20CNY cho bữa tối - một giá ko tệ chút nào, đã để lại cho chúng tôi một ấn tượng khó quên - rất mặn. Chúng tôi tự hỏi tại sao ăn da vịt không mặn mà thịt mặn đến tận xương? Thường thì ở đây họ sẽ có cỡ bát to nhỏ, và sẽ cho rất nhiều mì, sau đó là thịt và rất ít rau. Vì thế chúng tôi thường gọi bát nhỏ, hoặc 2 người ăn chúng bát mì, gọi thêm rau. Có lần vào một quán mì, là quán ăn vị ngon nhất - khá giống phở của mình, sợi mì là mì gạo, ăn như bún nên rất hợp khẩu vị tôi. Họ còn cho thêm dưa chua, ăn rất vào. Vì không thích ăn mì làm từ bột mì, nên lần nào tôi cũng chỉ gọi sợi mì gạo. Do ăn nhiều mì, thịt, dầu mỡ nên chúng tôi rất chăm chỉ ăn hoa quả. Ở đây rất nhiều dâu tây, và dâu rất rẻ, cả dứa và cam, nên tội gì ko ăn.
Còn nếu muốn thưởng thức nhiều món ăn đa dạng và đẹp mắt, hãy vào khu ẩm thực của phố cổ. Bạt ngàn các loại món ăn, từ gà, tôm, mực, nấm, ghẹ cho đến hoa quả, nước cam, dừa, chanh...rất bắt mắt. Tuy nhiên đó gần như các món chung của Trung Quốc chứ ko phải quá đặc sản Lệ Giang. Tốt nhất hãy chọn ăn các món làm từ nấm, còn lại tôm, mực, cua...tôi không đánh giá cao vì đây nằm ở vùng núi, không hề có biển nên xuất xứ những thứ ấy rất...đáng ngờ ^^!.

                       
Ảnh: Một góc vỉa hè bán hoa quả bên trong phố cổ

Rất dễ tìm thấy những hàng ngồi vỉa hè bán hoa quả như thế này. Dâu tây giả 5CNY/cân  (1 cân Tàu = 0.5kg), táo và nho là phổ biến nhất. Ngoài ra ở chợ có bán nhiều cam, quýt và rau. Ở Tàu thì chỉ có cải thôi, rau cải là rau mà rau là rau cải. Vì ở đây là vùng núi, nên nếu qua chợ cũng sẽ bắt gặp rất nhiều sản vật của núi rừng như các loại rễ cây, các loại nấm, lông thú....cũng không khác Sapa nhà mình mấy.
Ảnh: Ở chợ Trung Nghĩa, người dân bán các loại thảo mộc

Ngoài ra ở Lệ Giang có bán rất nhiều thịt bò khô làm từ bò Yak - bò lông dài. Thịt bò ở đây được chế biến nhiền kiểu, khô chua ngọt, khô cay ngọt, bò ướt cay ngọt, bò hun khói...tha hồ thử và lựa chọn. Tuy nhiên nếu có cơ hội đi Shangri-la thì nên mua món này ở đó. Ở Shangri-la là nơi trực tiếp chăn thả bò nên có giá rẻ hơn nhiều so với Lệ Giang. Còn ở đây, bạn nên thưởng thức hoặc mua về làm quà loại bánh truyền thống là bánh "hoa tuyết" với vỏ nhiều lớp và nhân hoa. Du khách mua bánh này rất nhiều, các cửa hàng còn có dịch vụ chuyển phát đến tận nhà cho khách du lịch, đặc biệt mua trên 5 hộp sẽ được miễn phí ship luôn. Có loại bánh được sản xuất đóng gói, và bánh tươi làm tại cửa hàng. Đương nhiên bánh tươi được chuộng và đặt rất nhiều. Ngoài ra phố cổ Lệ Giang còn bán nhiều kem, có kem que nhiều màu sắc nhìn rất thích, kẹo bi, kẹo vừng...hầu hết đều làm tại chỗ luôn theo cách truyền thống, nên thu hút khá nhiều tò mò của du khách. 

Ảnh: Bánh hoa tuyết tươi, vừa từ trong lò ra
____________________________________________________________________________________

Với tôi, Lệ Giang là cả một quyển sách cổ về văn hóa, trang phục, kiến trúc, âm nhạc và ẩm thực của người địa phương, đặc biệt là dân tộc Naxi và người Tạng. Chuyến đi đã thỏa mãn giấc mơ ấp ủ nhiều năm trước, khiến tôi càng hài lòng và phải viết vài dòng ra đây để không quên đi những chi tiết rất nhỏ đã từng gặp. 
                                                                                                            
                                                                                                              Lệ Giang - 2.3.2015



You may also like

Không có nhận xét nào:

All post and photos by NK. Được tạo bởi Blogger.

Popular Posts