| Vân Nam du kí | - lịch trình và kinh nghiệm

/
5 Comments

Chuyến đi Vân Nam lần này phải nói là rất thành công, so với những gì mà hai đứa chúng tôi đã đặt ra. Mỗi chuyến đi đều có những mục tiêu riêng và địa điểm nhất định "phải đến", tùy thuộc vào sở thích của mỗi người, vì thế tôi đã tự lên lịch trình và đi theo những gì mình thích. Tham khảo rất nhiều thông tin trên mạng của mọi người về cung đường Lào Cai - Côn Minh - Đại Lý - Lệ Giang - Shangrila với số tiền và thời gian bỏ ra không ít, hai đứa phải làm sao xoay sở để trong vòng 9 ngày (số ngày tối đa mà có thể đi được), đạt được mục tiêu : hoa anh đào, hoa cải vàng, phố cổ và núi tuyết với chi phí rẻ nhất có thể. Do đó chúng tôi đã bỏ qua Đại Lý, mà thay vào đó là đi La Bình - nơi có những cánh đồng cải vàng rộng đến nỗi ngồi trên trực thăng cũng không thấy hết được Cả hai đứa đều có sở thích về thiên nhiên và phong cảnh tự nhiên nên cả chuyến đi này đều nghiêng về "cảnh" hơn so với các yếu tố khác. Thời điểm này là mùa xuân, cả hoa, cả tuyết, cả chim hải đâu đều phụ thuộc vào yếu tố thời gian và thời tiết, nên chúng tôi dồn hết thời gian cho nó, vì có muốn đi thời điểm khác cũng khó bắt gặp những cảnh đẹp này. Vì vậy trong lịch trình sẽ hầu như không có kinh nghiệm về các kiểu shopping, ăn uống, vui chơi, show ca múa nhạc....mà chỉ có hoa và chim thôi. 

Theo kinh nghiệm bản thân và những gì google bảo, Côn Minh và La Bình đẹp nhất là mùa xuân. La Bình đi thời điểm không có cải thì không hề có gì cả. Lệ Giang đi mùa nào cũng đẹp. Còn Shangrila đi mùa đông hầu như không có ai đến vì quá lạnh và mùa xuân thì cũng không khá khẩm hơn. Vậy mà cảnh sắc ảm đạm nhuốm màu úa của cỏ và đất mang lại những trải nghiệm và những bức ảnh đẹp đến không ngờ. Thường thì ở Shangrila đông đúc nhất là mùa hè khi hoa ở khắp các thảo nguyên nở rộ, các cánh đồng bát ngát ngựa và bò nhâm nhi cỏ xanh. Tùy vào mục đích của bạn là gì, có thể linh hoạt chọn thời điểm đến thăm các điểm khác nhau ở Vân Nam.

Ảnh: Sáng sớm ở Shangrila - đối với người thích mùa đông mà sống ở nước nhiệt đới như tôi thì đi Shangrila mùa xuân cũng rất nhiều cái để thích.

L Ị C H   T R Ì N H

  • Ngày 0 (27/2/2015): Đêm đi tàu Hà Nội - Lào Cai
  • *Ngày 1 (28/2/2015): Lào Cai - Côn Minh, đêm ngủ Côn Minh.
  • Ngày 2 (29/2/2015): Sáng, chiều chơi ở Côn Minh. đêm đi tàu Côn Minh - Lệ Giang (ngủ tàu)
  • Ngày 3 (1/3/2015): Chơi cả ngày ở Lệ Giang
  • Ngày 4 (2/3/2015): Sáng, chiều ở Lệ Giang. 5h30 bắt xe Lệ Giang - Shangrila. Tối ngủ Shangrila
  • Ngày 5 (3/3/2015): Chơi Shangrila
  • Ngày 6 (4/3/2015): Chơi Shangrila (đi Baishuitai). 19h đi xem bus đêm Shangrila - Côn Minh
  • Ngày 7 (5/3/2015): Côn Minh - La Bình. Đêm ngủ La Bình
  • *Ngày 8 (6/3/2015): Sáng, trưa La Bình, chiều 17h bắt xe về Côn Minh. Đêm đi xe Côn Minh - Hà Khẩu
  • *Ngày 9 (7/3/2015): Hà Khẩu - Lào Cai - Hà Nội


Với lịch trình này chúng tôi đi khá là gấp rút và riêng hai ngày cuối cùng tôi đã trải qua hơn 14 chuyến xe các kiểu kể cả đi chơi cho đến lúc về đến nhà tại Hà Nội. Mặc dù đã tham khảo nhiều thông tin và lên kế hoạch hơi hơi cẩn thận, bọn tôi đã gặp rất nhiều rắc rối vì các thông tin trên mạng đã bị "out date" so với thời điểm hiện tại. Trong hành trình này, ngày 1 ngày 8 là khủng hoảng nhất trong việc đi lại do bị "HẾT VÉ XE" chặng Hà Khẩu - Côn Minh - Hà Khẩu. Chúng tôi đã không đi thẳng được mà phải bắt xe từng chặng ngắn để đến được nơi. Kinh nghiệm vụ này tôi có viết trong bài về Côn Minh Ở ĐÂY.

T Ổ N G   C H I   P H Í
Tổng cộng chi phí cho chuyến đi này, kể cả tiền visa (không bao gồm tiền mua sắm), chúng tôi tiêu hết tầm 7-7.5 triệu/ người. Một con số không thể ngờ, nói không ai tin, chỉ người trong cuộc mới có thể hiểu. Ngoài tiền visa 75$ cho một người (gồm cả phí dịch vụ) thì mỗi đứa cầm đi khảng 4000 CNY sang bển, cuối cùng chỉ tiêu hết tiền của một đứa, còn tôi vẫn cầm nguyên cục tiền về Việt Nam. Chưa kể mỗi đứa còn mua hớ 1 cái vé tham quan 80 CNY mà ko dùng đến. Chúng tôi đi siêu tiết kiệm, nhưng ở vẫn tiện nghi, ăn uống vẫn bình thường không có mang gói mì tôm nào sang, vẫn đạt được hết các mục tiêu đề ra. Nói chung đi bụi thì tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy, nhưng cần chi cái gì thì vẫn phải chi.

V I S A   T R U N G   Q U Ố C - ko phải lúc nào cũng dễ.
Chúng tôi xin visa không suôn sẻ lắm, mặc dù đã xác định là làm dịch vụ cho nhanh. Visa Trung Quốc bây giờ có nhiều thay đổi, trước kia loại nhập cảnh 1 lần trong vòng 3 tháng là có thể lưu trú tối đa 30 ngày. Bây giờ, thời gian tối đa chỉ còn 15 ngày và giá visa cũng tăng lên thành 70$ phí. Chúng tôi làm dịch vụ hết tổng cộng 75$.
Thời điểm tôi xin visa sát sàn sạt Tết, còn có một tuần nữa là Đại sứ quán cũng nghỉ về quê ăn tết. Mặc dù visa Trung Quốc nổi tiếng làm nhanh, làm dễ mà lần này chúng tôi có 3 đứa nộp hồ sơ, thì chỉ có hồ sơ của tôi không có vấn đề gì. Không biết thời điểm đó có gì nhạy cảm, nên tất cả các hồ sơ nào hộ khẩu Hải Phòng đều rơi vào vòng "có thể bị từ chối". Vì thế cái hộ chiếu mác Hải Phòng phải nộp lần hai, thuê một dịch vụ khác, visa mới được dán. Còn một người bạn nữa của tôi đã bị Đại sứ quán Trung Quốc đã trả lại 2 lần hộ chiếu và từ chối cấp visa mà ko có lí do. Vậy là nhóm 3 người chuyển thành 2. 
Có thể thời điểm chúng nộp visa sát Tết quá nên cũng khó khăn hơn. Về visa Trung Quốc thì theo kinh nghiệm bản thân, cứ alo gọi dịch vụ họ đến tận nhà mang hộ chiếu đi và giao tận nơi là nhanh gọn nhất, không mắc công và giá rẻ.

P H Ư Ơ N G   T I Ệ N   Đ I   L Ạ I 



Đi lại trong thành phố:
- Taxi: Ở Vân Nam đi đến đâu cũng bắt được taxi, nhất là khu vực nhà ga, bến xe thì nhiều vô kể. Taxi ở đây thường không đi theo đồng hồ tính tiền mà mình cứ như xe ôm mà mặc cả. Hỏi họ tao muốn đi từ đây đến kia, bao nhiêu tiền, đắt quá giảm giá đi, nhì nhằng đến khi nào họ ok thì đi. Ở Côn Minh thành phố rộng mặc cả taxi sẽ khó hơn vì mình không biết quãng đường xa gần thế nào, chứ ở các địa điểm khác như Shangrila, Lệ Giang thì đi từ chỗ này đến chỗ kia chỉ tầm 5 -10 CNY là hết. Để tiết kiệm, bọn mình không đi taxi nhiều, chỉ đi ở Shangrila và 1 lần ở Côn Minh, do đi từ ga về hostel xa và không biết đi như nào do cái bản đồ của nó khó xem khủng khiếp :))) 
- Public bus: Vị cứu tinh của những đứa du lịch bụi. Xe bus công cộng ở đây rất thuận tiện và rẻ. Ở Côn Minh hay nông thôn La Bình thì cũng chỉ có 1¥  (bằng 1/2 giá xe bus Hà Nội), vì thế tốt nhất khi đến đâu cũng nên hỏi khách sạn/hostel cái bản đồ du lịch cho người nước ngoài rồi tự tìm đường đi bằng xe bus. Bus ở đây ko có phụ xe, chỉ có lái xe nên ko có người soát vé và trả tiền thừa. Vì thế phải chuẩn bị sẵn tiền lẻ 1¥ để khi lên xe đút vào cái thùng ở ngay chỗ lái xe ngồi. Được cái bus ở đây đi từ tốn và cẩn thận hơn anh bus Hà Nội nhà mình. Chính cái bus này là nhân tố khiến bọn mình tiết kiệm được một đống tiền. Ở Côn Minh, chúng tôi đi từ ga về hostel mất 40¥ taxi trong khi đi từ hostel ra ga bằng xe bus mất có 1¥ - có một sự khác biệt không hề nhẹ.

Đi đường dài:
Đi bất kể phương tiền đường dài nào ở Trung Quốc đều phải xuất trình giấy tờ cá nhân, mà với bọn mình là hộ chiếu. Ở đây không có chuyện bắt xe dọc đường (trừ khu vực quá xa xôi), mọi chặng đều phải mua vé có xuất trình passport, xe và tàu chỉ chở đúng số người quy định, khách lên đúng xe, ngồi đúng số ghế và xe xuất phả rất đúng giờ.
Kể cả tàu hỏa và bus đường dài đều có cửa ra riêng cho từng tàu/xe. Hành khách chỉ được mở cửa ra tàu/xe 15 phút trước khi chạy thôi.
- Tàu hỏa: Đây là phương tiện rất phổ biến và giá thành rẻ ở Trung Quốc, vì thế mà vé rất nhanh hết. Do đó đi đâu cũng phải mua vé trước 1-2 ngày. Vé ghế cứng ở đây không phải ghế gỗ cứng như Việt Nam, nó vẫn là ghế đệm, chỉ có điều ko ngả ra được thôi, và rất rẻ. Ví dụ đi Côn Minh - Lệ Giang, ghế cứng là 89¥, còn giường cứng là 142¥. Chúng tôi mua vé đi Lệ Giang trước 1 ngày mà ko còn ghế mềm, phải mua ghế cứng, đi một nửa chặng thì khách xuống ga Đại Lý rất nhiều nên sau đó thừa chỗ để nằm thoải mái.
Ở lịch trình này, từ Côn Minh có thể đi tàu đi Lệ Giang, La Bình. Không có đường sắt lên đến Shangrila. Để tra giá tàu, giờ tàu, có thể tham khảo ở ĐÂY

Vé tàu và các thông tin

- Xe khách: 

CÔN MINH đi
Vì Côn Minh là trung tâm nên tất cả các điểm đều có thể bắt xe khách đi từ Côn Minh. Ở thành phố Côn Minh có những 4 bến xe khách theo 4 hướng Đông, Tây, Nam, Bắc.Vì thế phải nắm được địa điểm mình cần đi sẽ bắt xe ở bến xe nào. Cả lịch trình tôi chỉ đi tàu từ Côn Minh - Lệ Giang, còn lại hoàn toàn đi bằng xe bus vì mua vé tàu toàn bị hết vé.
- Bến xe khách phía Tây (Xi Bu): Các xe đi Dali (Đại Lý), Lijiang (Lệ Giang), Diqing (Shangrila - 201¥), Chuxiong, Baoshan, Dehong, Lincang ...
Đi đến bến xe: Các xe bus số 80 (từ ga Côn Minh - 5¥), 82, 148, 151, 153, C65
- Bến xe khách phía Đông (Dung Bu): Là bến xe có các xe đi về hướng Đông và Đông Nam, các xe đi La Bình, đi theo cao tốc Thạch Lâm, Mông Tự...để về Hà Khẩu, về Việt Nam thì ra bến xe này.
Còn các bên xe khác mình không đi, nếu cần thông tin có thể xem thêm ở ĐÂY
Phần lớn xe chạy đường cao tốc nên an toàn và rất nhanh. Lượt đi Lệ Giang tôi đi tàu rồi đi bus lên Shangrila, lượt về chúng tôi đi bus thẳng từ Shangrila về Côn Minh mất có 5 tiếng buổi đêm, còn lại lái xe dừng lại ngủ 3 tiếng, vậy là tiết kiệm được phí một đêm ở khách sạn.

LỆ GIANG đi
- Ở Lệ Giang có một bến xe khách nằm phía Tây Nam phố cổ, trên đường Minzhu (民主路), có xe bus số 8 và số 11 đi qua.
- Ở đây có thể mua vé xe đi về Côn Minh hoặc đi Shangrila.

Về thông tin đi lại và giá cả cụ thể, có thể đọc chi tiết hơn tại từng bài viết ở mỗi điểm.
Côn Minh - La Bình: Ở La Bình có rất nhiều loại xe công cộng nhé, đi mỗi nơi có một loại xe phục vụ riêng. Link ở đây
Côn Minh - Lệ Giang: Link ở đây (Đoạn đầu)
Đến và đi Shangrila: Link ở đây (Đoạn cuối)
Nhỡ xe Hà Khẩu - Côn Minh và Côn Minh - Hà Khẩu hai lần - mua vé thay thế  link ở đây

***MỘT SỐ LƯU Ý KHI ĐI TRUNG QUỐC
Vì Trung Quốc không nói tiếng Anh, lại dùng chữ tượng hình nên đối với những ai không biết tiếng Trung cần chuẩn bị rất kĩ. Bản thân tôi đã từng học tiếng Trung nhưng quên gần hết, vẫn có thể nghe hiểu 1 tẹo. bạn đi cùng mình thì giỏi rồi, nên nhờ đó mà bọn mình giải quyết được khá nhiều vấn đề. Có một số lưu ý sau, nếu chuẩn bị tốt sẽ không lo gì cả:
1. Đừng trông chờ vào internet ở Trung Quốc: Cái này thì Trung Quốc rất nổi tiếng ở việc dùng các sản phẩm nội địa. Bạn sẽ không vào được google và tất cả các sản phẩm liên kết với google để tra cứu thông tin. Mạng Trung Quốc có trang riêng để tìm kiếm là www.baidu.com. Tuy nhiên các kết quả chỉ ra nhiều nhất khi tìm kiếm bằng tiếng Trung, còn nếu dùng tiếng Anh rất ít kết quả và tiếng Việt thì gần như không có. Rất nhiều website thông tin của Việt Nam đều không truy cập được để tham khảo. Vì thế tốt nhất hãy lưu website thông tin bổ ích với chế độ đọc offline vào điện thoại để dùng khi cần.
1. In cách viết và cách đọc một số từ:  đặc biệt là tên các địa danh, tên món ăn, các nhu yếu phẩm cần mua. Người dân họ không đọc được phiên âm, hoặc là cho họ xem hình ảnh, hoặc là cho họ xem chữ Hán. Cái này nên chuẩn bị cả một list các tên, cách viết chữ Hán, phiên âm, cách đọc rồi in ra mang theo người. Nếu dùng smartphone, có thể lưu lại file trong điện thoại.
2. Chuẩn bị bản đồ từ nhà: Có rất nhiều người đã đi và chụp lại bản đồ có lưu ý cụ thể rồi, tốt nhất nên in ra và cầm theo. Như thế mình dễ hiểu, lại vẫn có cả bản đồ gốc của TQ để dễ bề hỏi han. Ở bên này mình mua bản đồ du lịch mà nó toàn chữ Hán là chữ Hán xem rất khó (mình chỉ đọc đc bằng phiên âm). Hoặc tốt nhất là đi đến đâu, việc đầu tiên là xông vào lễ tân khách sạn/hostel xin cái bản đô du lịch cho khách nước ngoài để thuận tiện đi bộ và bắt xe bus. Dùng bản đồ offline của điện thoại cũng được, nhưng phải tải app và bản đồ sẵn từ Việt Nam.
3. Nhà vệ sinh ở bên này thường là xí xổm, ít dùng xí bệt, kể cả trong nhà nghỉ. Có rất nhiều nhà vệ sinh công cộng, tùy từng nơi họ thu phí khác nhau, nhưng thường là 0.5 - 2¥. Cơ mà tốt nhất là tận dụng đi wc ở khách sạn hoặc nhà hàng, đừng đi wc công cộng vì nó siêu siêu bẩn và mùi. Có lần bọn mình vào hẳn một cái fast food nhìn wc có vẻ sạch sẽ hiện đại, ai dè vào đến bên trong nó vẫn mùi kinh dị.
4. Nhớ cầm theo 1 cuộn giấy vệ sinh (ko lõi) đế đi đâu cũng có để dùng. WC công cộng ở đây ko có giấy và phải mua gói giấy ăn bé bé.
5. Áo ấm: Bắt đầu từ Lệ Giang là trời lạnh rồi, cần chuẩn bị áo ấm. Tốt nhất mặc nhiều lớp áo để dễ bề cởi, do ban ngày trời nắng vẫn thấy nóng, nhưng chỉ cần một đám mây ngang qua là rét run, giữa trời nắng tuyết vẫn rơi mà. Ở Shangrila, đêm nào nhiệt độ cũng dưới 0 độ C và tuyết rơi.
6. Cẩn thận với người bản địa:  Đối với những điểm nổi tiếng du lịch như Lệ Giang, Shangrila có rất nhiều "cò du lịch", đặc biệt với những người tự đi mà hỏi đường phải những người "cò" này, họ sẽ đòi tiền để dẫn đến chỗ mình cần đến, hoặc chỉ không đúng đường, hoặc gạ gẫm sử dụng dịch vụ của họ mà không đến được nơi mình cần. Rất nhiều trường hợp du khách tìm đường tự đi lên núi tuyết Ngọc Long thuê ngựa đi và bị dẫn đi loanh quanh ở chân núi ko lên được đến nơi.
7. Chỗ ở: ở đâu cũng vậy, ở trung tâm sẽ đắt hơn các chỗ khác. Vì thế nên tìm nhà nghỉ ở khu vực rìa trung tâm, nghĩa là đi bộ 5-10 phút là đến trung tâm mà vẫn rẻ. Mình toàn ở khu vực như vậy, giá phòng chỉ từ 60-80¥ cho 2 người. (ở Côn Minh hostel đắt nhất là 40¥/người, còn lại toàn phòng đôi tiện nghi đầy đủ có 60,70¥/2 người/đêm).
Còn nếu có điều kiện, ở Lệ Giang những phòng trọ style cổ siêu đẹp siêu thích giá tầm 300-500¥ thì thôi rồi thích mê tơi.
Phòng ngủ 70¥/đêm hai giường, đủ đệm điện, máy tính bàn, điều hòa, tivi, nóng lạnh ở Shangrila

8. Mua thịt bò Yak: Nhớ là nếu đi cả Lệ Giang và Shangrila mà muốn mua thịt bò Yak khô, ướt gì gì thì mua ở Shangrila sẽ rẻ hơn rất nhiều.
9. Phí bảo tồn ở Lệ Giang: Ở Lệ Giang là phố cổ, cũng như ở Hội An, việc mua vé tham quan là không bắt buộc. Việc mua vé sẽ bắt buộc nếu đi Ngọc Long Tuyết Sơn, hoặc vào Mộc Phủ có bán vé riêng. Còn nếu chỉ thăm phố cổ, đi công viên Hắc Long...thì không cần mua. Chúng tôi khi đến công viên Hắc Long thấy người ta bán vé ngoài cổng, không đọc kĩ đã mua vé mỗi người mất 80 CNY. Đến khi vào trong công viên mới thấy người ta ra ra vào vào tự do, đọc lại mới biết hóa ra vé này không bắt buộc.
10. Soi hành lý: Bất kể vào bến xe hay ga tàu hỏa, tàu điện ngầm ở Trung Quốc đều phải soi chiếu hành lí. Mọi người mua vé hay qua cửa soi đều xếp hành rất trật tự ngay ngắn.

Ở mỗi điểm đến lại có những câu chuyện riêng, có những thông tin riêng kể về hành trình của chúng tôi, vì thế nếu cần thông tin chi tiết hơn thì phải đọc các bài cụ thể. Khi về đến Việt Nam rồi, tôi vẫn còn tiếc khá nhiều địa điểm mình đã không đi được. Nhưng thời gian và tiền bạc có hạn, chúng tôi bắt buộc phải lựa chọn một số trong rất nhiều lựa chọn. Chắc chắn trong tương lai, tôi sẽ trở lại Vân Nam với một cung đường khác, vì còn nhiều điểm mà tôi "phải" ở đó một lần trong đời.

Vân Nam 
Tháng 3 - 2015


You may also like

5 nhận xét:

  1. Bạn có thể chi mình xin thông tin nhà nghỉ ở mấy nơi bạn đi qua được không?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hi bạn chỉ ở Côn Minh thì mình có thông tin chính xác nhà nghỉ Kunming Cloudland International Hostel đặt ở booking.com thôi.
      Còn ở Lệ Giang và Shangrila đều là đến nơi mới tìm nhà nghỉ, khi vừa xuống ga/bến xe có rất nhiều người bản địa sẽ mang ảnh giới thiệu nhà nghỉ cho bọn mình với giá phải chăng hơn đặt trên web. Tuy nhiên phải biết ít tiếng Trung thì tiện hơn vì họ ko nói đc tiếng Anh. Tiếc là mình ko ghi lại địa chỉ và tên nhà nghỉ vì nó hoàn toàn bằng chữ Hán.

      Xóa
  2. bạn ơi, cho mình xin địa chỉ email của bạn được không?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. có gì b email cho mình tran.khanh1090@gmail.com nhé

      Xóa
  3. Bạn ơi, cho mình xin email của bạn được không?

    Trả lờiXóa

All post and photos by NK. Được tạo bởi Blogger.

Popular Posts