| Phan Rang - Tháp Chàm | - Đi tìm anh chàng chăn cừu

/
0 Comments
Bên bờ biển Ninh Chữ - Ninh Thuận

Tôi đến Phan Rang - Tháp Chàm vào một buổi chiều tối tháng 8/2014 sau chuyến xe kéo dài 5-6 tiếng từ thành phố Tuy Hòa, Phú Yên. Chuyến đi Phan Rang - Tháp Chàm này nằm trong "tour" đi ba tỉnh Phú Yên - Ninh Thuận - Bình Thuận của tôi và đứa bạn "chuyên đi lang thang cùng", nhân dịp sinh nhật nó. Ban đầu bạn tôi chỉ muốn đi Gành Đá Dĩa ở Phú Yên, còn tôi thì có một cái ấp ủ "những nơi nhất định phải đến trong đời" là thăm vườn nho Ninh Thuận. Từ bé tôi đã có sở thích khó cưỡng với những gì liên quan đến vườn cây ăn được, làng nghề làm ra sản phẩm, vì thế có những địa điểm mà tôi ao ước được ghé thăm rất giản đơn thôi. Khi xưa xem trên vô tuyến, những chương trình thực tế về các nhà máy rượu, những vườn nho bạt ngàn của Pháp hoặc Ý làm tôi mê mẩn từ quả nho cho đến công nghệ ủ rượu. Tôi nghĩ rằng chỉ ở nước ngoài mới có nho thôi. Cách đây một vài năm, tôi mới bất chợt đặt câu hỏi với "bạn đồng hành" của mình liệu ở Việt Nam có ở đâu trồng nhiều nho không nhỉ. Khi ấy tôi mới biết Ninh Thuận là đất của nho. Và đây là lý do chính mà chúng tôi thiết kế lịch trình từ Phú Yên, bỏ qua Nha Trang để thẳng đến Ninh Thuận.
Chúng tôi bắt xe đến Phan Rang - Tháp Chàm tại một quán nước nhỏ nằm đơn độc trên đường quốc lộ 1A, nơi giao với đường đi vào trung tâm Tuy Hòa. Ở đó có rất nhiều xe khách đường dài, thường là xe giường nằm chạy tuyến Bắc - Nam, mà theo như người dân địa phương nói thì gần nhất là tuyến chạy từ Đà Nẵng vào. Cũng tại quán nước ấy, chúng tôi có duyên gặp một anh tốt bụng người Bắc, làm việc trong này, cũng đang đợi xe đi Ninh Thuận. Nhờ có người lạ tốt bụng này, chúng tôi có nhiều hơn các thông tin ăn chơi ở Phan Rang - Tháp Chàm với một phòng khách sạn khá ổn.
__________________________________________________________________________________

Ngay buổi sáng hôm sau chúng tôi thuê xe máy đi thăm đồi cát Nam Cương, vườn nho và tháp chàm. Chúng tôi đi từ rất sớm, 6h sáng đã lấy xe đi khỏi khách sạn để tránh cái nắng, cái gió khắc nghiệt ở đây. Phan Rang - Tháp Chàm có thể nói là vùng đất khô hạn nhất Việt Nam, cùng với nắng giữa hè,  hai đứa lúc nào cũng bịt kín từ đầu đến ngón chân với một tá kem chống nắng. Chúng tôi không muốn đặt chân lên đồi cát nóng bỏng nên quyết định lựa chọn đồi cát Nam Cương là điểm dừng chân đầu tiên, trước khi mặt trời nung cát thành cái chảo rang.

Đ Ồ I   C Á T   N A M   C Ư Ơ N G


Từ trung tâm thành phố, chúng tôi lái xe tìm đến ngã tư đường Thống Nhất và đường 16/4 đi theo hướng nam đường Thống Nhất, qua cầu Đạo Long rồi rẽ trái tại ngã ba cách đó 1km, theo đường mòn  để tìm đến đồi cát Nam Cương. Ngay dưới chân đồi cát có một quán cà phê với cái biển bằng đá mang tên Đồi cát Nam Cương luôn. Đường vào đây không khó tìm lắm, tuy nhiên hai đứa chúng tôi vì đi theo lời chỉ dẫn của một "người địa phương" mà đã bị đi lạc mất chừng 5km. Đồi cát Nam Cương thuộc dạng sa mạc cát với cát trắng và khô. Thời điểm đẹp nhất để chụp ảnh là lúc mặt trời mọc và mặt trời lặn. Mặc dù chúng tôi đi khá sớm, nhưng cũng sớm đủ để thấy mặt trời mọc, chưa kể thời gian bị đi lạc. Đôi sandal của tôi đa không ít lần bị lún sâu xuống cát khi leo lên trên đồi. Nếu so với những sa mạc cát tôi thực sự muốn ngắm nhìn thì đồi cát Nam Cương chỉ nằm ở mức "khu vực có nhiều cát nên đến xem", nhưng ít ra nó đẹp hơn đồi cát vàng ở Mũi Né vì hoang sơ và lớn hơn nhiều.
_____________________________________________________________________________________


V Ư Ờ N    N H O  B A  M Ọ I

Sau khi rời đồi cát Nam Cương chúng tôi quay trở lại con đường cũ và tạt vào một quán ven đường ăn cháo lòng. Có vẻ như không phải món đặc sản ở đây nhưng mà ăn cũng ngon. Như đã nói, đây là vùng đất khô cằn vào bậc nhất Việt Nam, chính vì thế nó có khí hậu lí tưởng cho việc trồng nho. Rất nhiều nhà ở đây có trang trại nho, nho xanh nho đỏ đủ cả, nhưng nổi tiếng cho khách tham quan và du lịch thì là vườn nho Ba Mọi.


Để đến được đây thì khá đơn giản, vì lẽ Trang trại nho Ba Mọi đã được check-in trên google map. Vì vậy cứ theo GPS mà đi. Hoặc không thủ công hơn, đi theo Quốc lộ 27 hướng Tháp Chàm, đến ngã tư Tháp Chàm (đường vào Ga) thì rẽ trái hướng về phía Nam đến Cầu Mống, qua khỏ cầu rẽ trái khoảng 400m sẽ đến trường tiểu học Hiệp Hòa, hỏi thăm trang trại nho Ba Mọi. Ngay ở phía ngoài đường có tấm biển chỉ dẫn có mũi tên, xe ô tô có thể vào tận nơi. Khi chúng tôi đến, cũng có một đoàn khách du lịch ở đấy. Vườn nho được tự do tham quan, cứ vào chào hỏi và họ sẽ chỉ đường cho ra vườn nho.
Như bình thường, bác Ba Mọi sẽ tiếp đón khách và kể một vài câu chuyện về việc trồng nho. Hôm chúng tôi đến, bác chỉ hỏi thăm được vài câu và cáo lỗi với chúng tôi vì bác còn bận việc trang trại. Vườn nho hôm ấy chỉ có nho xanh đương quả, nho đỏ, nho đen không có tại vườn. Bác còn một trang trại khác có giống nho đen ngon đã có chùm mà không phải khu vực dành cho tham quan. Chẳng có mấy ai, chúng tôi tự do tác nghiệp và ngắm nhìn những chùm nho thích thú. Ngoài ra, ngay cạnh vườn nho còn có vườn táo cũng đang rất sai quả, loại táo xanh, to, giòn và ngọt. Bác Ba Mọi còn rất tự hào chỉ chúng tôi giàn hoa ti-gon ở đó cũng hấp dẫn không kém nho.


Thăm thú vườn nho chúng tôi trở lại khu vực mọi người thu hoạch và đóng gói nho. Bác Ba Mọi ới người làm bưng ra cho chúng tôi một đĩa đầy nho và táo, mời chúng tôi ăn miễn phí và thử cả món siro nho cũng như rượu. Siro nho ngọt ngọt chua chua mát lạnh trong trưa hè nóng bức, có một ly nhỏ mà khoan khoái. Chẳng mấy khách nào ra về mà không mua một ít táo và nho ngon lành về làm quà. Hai đứa chúng tôi mỗi đứa một cân táo, một cân nho, đóng hộp và mang về Hà Nội.



Sau giấc mơ vào tận vườn hái táo mùa thu ở Nhật, vườn nho Ninh Thuận là mục tiêu "hoa quả" thứ hai mà tôi đã thực hiện được. Vậy là chỉ còn cherry, mận, đào, dâu tây...nữa thôi.
____________________________________________________________________________________

T H Á P   C H À M  P Ô K L Ô N G   G A R A I

Rời vườn nho Ba Mọi, theo đường cũ quay trở về ngã tư Tháp Chàm, còn ít thời gian, chúng tôi rẽ vào hướng ga để đi Tháp Chàm ngay cạnh đó. Theo như nguồn trên internet, vùng đất Phan Rang ngày xưa đã từng là kinh đô Panduranga của vương quốc Champa cổ, và Tháp PôKlông Garai là một dấu tích còn sót lại. 


Cũng giống như hầu hết các tháp của người Chăm cổ ở khu vực nam trung bộ này, Tháp PôKlông Garai được xây bằng gạch Chăm không cần xi măng với lối kiến trúc đặc trưng. Từ Tuy Hòa, Nha Trang đến Ninh Thuận đều có thể tìm thấy một vài tháp Chàm ngự trên những đỉnh núi nhỏ. Không có mấy khách tham quan ở đây, chúng tôi chỉ gặp duy nhất một đoàn làm phim và vài ba khách lẻ nhanh nhanh chóng chóng băng qua khoảng sân vào trong tháp để tranh cái nắng gắt của trưa hè. 
____________________________________________________________________________________

Đ I   T Ì M  A N H   C H À N G  C H Ă N   C Ừ U

Một trong những nét rất đặc trưng của Ninh Thuận chính là hình ảnh những đàn dê núi và cừu nhởn nhơ gặm cỏ. Ngày xưa, thỉnh thoảng tôi có được ăn thịt cừu do một người họ hàng của cô tôi gửi ra từ Ninh Thuận. Tôi không có nhiều ấn tượng lắm về việc thịt cừu có từ đâu và cứ nghĩ cừu phải ở những nơi lạnh và cao như Mộc Châu, tôi nghĩ vậy, vì hẳn chúng có bộ lông dày như vậy để chống chọi với cái lạnh. Có đâu ngờ, cái xứ nuôi cừu nhiều nhất Việt Nam này chính là cái xứ mà khô cằn nắng nóng nhất. Giờ nghĩ lại, tôi mới sực nhớ ra người họ hàng của họ hàng ấy tôi từng gặp mấy lần với trang phục khá lạ, à, đấy là trang phục của người Chăm. 


Ra khỏi trung tâm thành phố Phan Rang - Tháp Chàm có thể tìm thấy nhiều nơi nuôi cừu, nhất là đi về phía Tây - Bắc nơi có nhiều đồi núi và thảo nguyên. Khu vực có nhiều cừu mà tôi tham khảo về thông tin đi Phan Rang trên internet là đường lên Phước Trung. Chúng tôi phải lái xe đi dọc con đường để may mắn bắt gặp đàn cừu nào đó không, vì cừu không đứng yên một chỗ cho tôi tìm đến. Đi theo hướng bắc quốc lộ 1A về phía Hà Nội, đi chừng 5km gặp ngã ba Lương Cách (cạnh đó có 1 cây xăng) thì rẽ trái và đi thẳng tầm 5km nữa qua Thôn An Xuân. Vào thôn An Hòa, đi qua đường ray tàu hỏa sẽ đến con đường lên Phước Trung. Con đường nhựa mướt mát chạy tít tắp vào chân núi, hai bên đường thi thoảng xuất hiện một vài ngôi nhà, còn lại chỉ có đất và cây. Cây trồng ở đây thấp, đường lại nhấp nhô lúc thấp lúc cao, cho chúng tôi một tầm nhìn rất xa về phía chân núi. Đoạn đường này phải nói là rất đẹp. Thi thoảng chúng tôi nhìn thấy một vài đàn cừu nhỏ đang được chăn thả. Nhưng nhỏ quá, ít quá, phải nhiều hơn, chúng tôi cứ cố đi sâu vào trong. Và bỗng dưng nhìn thấy cả một bầy cừu đang đi qua đường.


Tôi mãn nguyện vì đã được nhìn ngắm bầy cừu lớn như vậy lần đầu tiên trong đời. Mặc dù sau đó tôi đã nhận xét rằng cừu trong "Shaun the sheep" chỉ là ánh trăng lừa dối, vì sự thật những con cừu này không bông đẹp to tròn như vậy mà gầy hơn, lông cáu bẩn vì đất và cát, có những con lông chưa dài và còn bị đánh dấu đỏ, xanh lên người để phân biệt đàn. Tuy nhiên thì tôi vẫn rất phấn khích chơi với chung. Cừu rất hiền và ngoan, xông vào giữa bầy cừu chúng cũng không phản ứng gì. Việc của cừu là gặm cỏ, còn tôi làm gì cứ làm.


____________________________________________________________________________________

C U Ố I   M Ù A  M U Ố I   T R Ắ N G

Tôi có một mục tiêu "nhất định phải đi một lần trong đời" nữa là chụp ảnh muối trắng ở vùng biển Việt Nam. Vựa muối lớn nhất nước ta chủ yếu ở khu vực miền trung nơi có bờ biển dài, cát trắng,  nước mặn và nhiều nắng. Cái cảnh sáng sớm mặt trời mọc diêm dân phơi muối với những đụn muối nhấp nhô như cái nón lúc nào cũng hiển hiện trong đầu bắt tôi phải đi cho bằng được. Ruộng muối nổi tiếng chắc phải nhắc tới Sa Huỳnh - Quảng Ngãi và Cà Ná - Ninh Thuận. Ban đầu chúng tôi còn cố nhồi nhét Sa Huỳnh vào trong lịch trình nhưng không thể, vì thời gian quá eo hẹp. Kể cả Cà Ná, nằm cách trung tâm thành phố Phan Rang - Tháp Chàm vài chục cây số, chúng tôi không xoay được để đi đến tận đó trong ngày. Chưa kể tháng 8 là đã gần hết vụ muối, chúng tôi không có ai quen để hỏi tình hình muối men, không biết đi đến nơi rồi có thấy được thứ cần không. Vụ muối rơi vào cuối tháng 2 cho đến tầm tháng 8 tháng 9 là hết. Cũng là lúc thời tiết miền trung đẹp nhất, trời nắng và khô, không có mưa nhiều thì mới phơi được muối. Yếu tố thời tiết và thời vụ quá nên chúng tôi đành hỏi han mọi người về những khu vực làm muối gần thành phố. Theo lời người dân, chúng tôi mon men theo đường bờ biển để đến khu vực Khánh Hải - nơi chúng tôi thấy được một chút muối đã kết tinh trong hoàng hôn.

Đồng muối gặp ở Khánh Hải
___________________________________________________________________________________

T H À N H   P H Ố   P H A N   R A N G - B I Ể N   N I N H   C H Ữ

Một ngày của chúng tôi bắt đầu từ rất sớm và kết thúc lúc chiều tối, khi chúng tôi lại lên xe từ Ninh Thuận đến Bình Thuận. Từ cát đến nho, nho đến tháp, tháp đến cừu, cừu đến muối, tất tần tất chúng tôi chỉ đi trong vòng một ngày. Còn nhiều địa điểm khác ở Ninh Thuận chúng tôi phải bỏ qua vì không có thời gian, nhưng những gì hai đứa đã thấy và cảm nhận thì không phụ công chút nào. Nghe có vẻ nhiều điểm dừng chân, nhưng chúng tôi vẫn thong dong, vẫn đi ăn này nọ, vẫn ngồi uống nước bãi biển, vẫn đi ăn món ngon trong thành phố, vẫn về khách sạn nghỉ trưa, vẫn được thưởng thức món nước đậu phộng ngon hết xảy giá 5.000 ở gần cảng Dư Khánh. Chỉ trong một ngày.

Bờ biển Ninh Chữ đi thẳng từ quảng trường thành phố là đến.
Trong một ngày ấy tôi đã lái xe đi qua con đường 21/8 và đường Thống Nhất không biết bao nhiêu lần, đến độ chẳng cần xem bản đồ cứ lái xe phăm phăm như kiểu đã ở đấy rất lâu. Khác với Tuy Hòa trẻ trung thoáng đãng ngày hôm qua tôi ở, Phan Rang - Tháp Chàm như một bộ phim cổ kính với những biển hiệu như thể đã ở đó hàng chục năm. Đôi khi tôi còn bắt gặp những chiếc xe ô tô cũ kĩ mà chỉ nhìn thấy trên những bộ phim tôi xem khi còn bé.

Các biển hiệu nhiều tuổi ở Phan Rang - Tháp Chàm
Ở Ninh Thuận nếu hỏi ăn gì, thì ai cũng sẽ trả lời rằng đi ăn bánh xèo, ăn bánh canh và cơm gà. Ở đây nổi tiếng quán cơm gà Khánh Kỳ mà buổi trưa chúng tôi rẽ vào rất đông. Cơm gà ở đây không xé nhỏ mà chặt miếng, cơm nấu nước gà không trộn nghệ. Gà giòn, thơm, dai. Chúng tôi còn gọi thêm miếng chả nướng ăn kèm. Rất ngon. Có lẽ quán cơm gà Khánh Kỳ này cũng ở đây được cả chục năm.Lang thang trên hè, chúng tôi còn làm một đĩa bánh tráng trộn đầy ụ giá 10k trước khi rời Ninh Thuận đi Phan Thiết. Tôi vẫn áy náy trong lòng vì đĩa bánh tráng ấy, tuy rẻ nhưng chúng tôi đã không thể ăn hết vì quá cay.

____________________________________________________________________________________


You may also like

Không có nhận xét nào:

All post and photos by NK. Được tạo bởi Blogger.

Popular Posts